Năm 2019 là năm đầu tiên toàn tỉnh thực hiện tuyển sinh vào lớp 10 có thi thêm môn tiếng Anh. Với học sinh các trường THCS khu vực miền núi, vùng khó khăn, phần lớn là người dân tộc thiểu số, nói tiếng phổ thông còn chưa nhuần nhuyễn, lại chưa có nhiều thời gian làm quen, học tiếng Anh như học sinh các trường vùng thành thị thì việc thi đạt kết quả tốt là điều không đơn giản.
Không đặt mục tiêu cao
Trường THCS Hoàng Ngân, xã Điềm Mặc chỉ cách thị trấn Chợ Chu (Định Hóa) khoảng 15km, nhưng điều kiện học tập, nhất là môn tiếng Anh với học sinh nơi đây có khoảng cách khá xa so với học sinh thị trấn Chợ Chu. Thầy giáo Nguyễn Văn Hoan và cô Văn Thị Duyên là giáo viên dạy tiếng Anh cho biết: Năm học này trường có 2 lớp 9 với hơn 50 học sinh, đa số đều là người dân tộc thiểu số, các em rất ngại giao tiếp, rụt dè, nên việc tiếp cận và học ngoại ngữ rất khó khăn. Hằng ngày theo thói quen, các em vẫn sử dụng tiếng của dân tộc mình trong giao tiếp, phát âm tiếng phổ thông (tiếng Kinh) còn chưa sõi nên học tiếng Anh càng khó khăn hơn.
Thầy giáo Nguyễn Văn Hoan tâm sự: “Chúng tôi cũng đã cố gắng hết sức, như phấn đấu cập chuẩn trình độ B2, nhưng dạy học trong môi trường vùng sâu, vùng khó khăn thì có đến trình độ C1, C2 cũng không thể vực học sinh lên được, khi chính các em và gia đình chưa coi trọng việc học tiếng Anh. Nhiều phụ huynh có tư tưởng phó mặc cho nhà trường và chỉ đặt ra yêu cầu con em họ tốt nghiệp THCS là đủ điều kiện đi làm công nhân các khu công nghiệp… Nhiều buổi lên lớp, giáo viên như tự độc thoại, rồi chủ yếu nói bằng tiếng Việt thì may ra các em còn nghe. Bảng điểm đánh giá chất lượng học của học sinh cũng vậy. Điểm cao nhất thường là 7, còn lại đạt 4-5, thậm chí tỷ lệ yếu kém chiếm trên 10%. Với kết quả học tập như hiện nay, chúng tôi rất lo cho kết quả thi tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới của các em, nên vừa ôn luyện vừa lo chống điểm liệt”.
Được biết toàn huyện Định Hóa hiện có 29 giáo viên tiếng Anh đều đã đạt chuẩn trình độ B2, tuy nhiên chất lượng học sinh không đồng đều do những khó khăn đặc thù về điều kiện kinh tế - xã hội, và tỷ lệ học sinh được làm quen, học tiếng Anh 7-10 năm chỉ chiếm chưa đầy 15%. Số học sinh được làm quen tiếng Anh khi vào lớp 1, hoặc học lớp 3 tập trung chủ yếu tại các trường tiểu học gần và khu vực trung tâm huyện. Điều này đã ảnh hưởng đến chất lượng dạy học tiếng Anh với các xã vùng sâu, đồng bào dân tộc thiểu số. Nguyên nhân chính là thiếu đội ngũ giáo viên vì trước đó môn tiếng Anh được xác định là môn học tự chọn trong các nhà trường nên không được giao chỉ tiêu biên chế, dẫn đến không tuyển được giáo viên.
Đối tượng đặc biệt, ôn thi đặc biệt
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Hỷ chia sẻ: Đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh của toàn huyện hiện đã có 28/33 đạt chuẩn trình độ B2. Nhưng chất lượng học sinh thì không đồng đều. Với các trường vùng sâu, vùng xã, vùng đồng bào dân tộc thiểu số học sinh vào học tiểu học mà được làm quen với tiếng Anh giống như các em phải học thêm hai ngoại ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh). Chính vì vậy ngay từ bậc học mầm non, Ngành đã triển khai chương trình tăng cường tiếng Việt cho trẻ trước khi vào lớp 1. Còn việc ôn tập cho học sinh lớp 9 thì các thầy cô giáo tiếng Anh buộc phải tăng cường bằng các buổi học ngoại khóa hoàn toàn miễn phí mỗi tuần 2-3 buổi. Mục tiêu trước mắt là giải quyết chống điểm liệt trong kỳ thi tuyển sinh.
Đối với Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Nguyễn Bỉnh Khiêm (Võ Nhai) thì việc tập hợp học sinh nội trú để tổ chức bồi dưỡng, luyện thi tuyển sinh vào lớp 10 môn tiếng Anh thuận lợi hơn, nhưng chất lượng học tập của học sinh cũng hạn chế. Thầy giáo Ứng Trung Kiên cho biết: Mỗi năm, Trường tuyển sinh khoảng 60 học sinh vào lớp 6, nhưng trong đó có từ 15-20 em chưa hề biết tiếng Anh, do các em học tiểu học ở các điểm trường lẻ, thiếu giáo viên tiếng Anh với lại tiếng Anh là môn học tự chọn, nên các em thấy khó đã không chọn để học, làm quen trước. Và hệ quả là càng lớn học càng khó tiếp thu. Trường đã tổ chức bồi dưỡng thêm vào các buổi tối, nhưng cũng không cải thiện được nhiều. Độ chênh lệch giữa học sinh đã được làm quen tiếng Anh từ lớp 3 so với các em mới học lớp 6 là rất lớn nên việc tổ chức bồi dưỡng thêm cũng gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy Trường tập trung luyện các kỹ năng làm bài thi cho học sinh.
Cô giáo Hà Thị minh Huế, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Liên Minh (Võ Nhai) bày tỏ mong muốn: Với miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần có thêm những chính sách hỗ trợ cho học sinh, giáo viên. Giáo viên đạt chuẩn mà điều kiện học tập khó khăn thì học sinh cũng khó đạt kết quả tốt. Học trò “chạy chậm” nhiều khi như kéo giáo viên tụt lùi lại với những tiêu chuẩn kiến thức. Đơn cử như hạn chế rất nhiều kỹ năng nói, đọc hiểu, phát âm của giáo viên… Chính vì vậy giờ học tiếng Anh, giáo viên vừa dạy vừa dịch cho học sinh từng câu, từng từ như tập đánh vần tiếng Việt, trong khi thời gian bồi dưỡng cho học sinh không có nhiều bởi các em còn phải học nhiều môn khác. Nguyên nhân sâu xa là kiến thức nền học sinh vùng cao không nhiều, hoặc chưa có, bị hổng.