Những chàng trai, cô gái 18 tuổi, sức sống căng tràn đến chia tay thầy, cô giáo để tiếp tục bước vào giảng đường đại học. Giữa bịn rịn ngày chia tay, còn có nụ cười tươi tắn của những học trò đến nhập trường. Chứng kiến không khí tiễn lớp trò cũ đã hoàn thành tốt nghiệp, đồng thời đón nhận lớp trò mới của thầy, cô giáo ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh (tổ 6, phường Tân Lập, T .P Thái Nguyên), tôi cảm nhận như một dòng sông cuộc đời, chảy trôi cùng thời gian, mà các thầy, cô giáo là người chèo đò, đưa bao lớp trẻ đến bến bờ tri thức.
Thầy Nguyễn Văn Trường, Hiệu trưởng Nhà trường nói với tôi như tâm sự: kể từ khi tuyển sinh khóa đầu (năm 2008), đến nay đã hơn 10 năm, hơn 3.000 học trò, trong đó 1.446 em đạt giải học sinh (Hs) giỏi tỉnh. Tất cả đều là con em đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở những làng, bản xa xôi của tỉnh, về đây nhập học, rồi tốt nghiệp ra trường. Nhiều học trò thơ ngây năm nào, nay đã là kỹ sư, giáo viên và là cán bộ người dân tộc thiểu số gương mẫu, hoặc là những thợ giỏi.
Là trường chuyên biệt cấp tỉnh, có chức năng và nhiệm vụ nuôi dưỡng, dạy học bậc THPT cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh, Hiện, Trường có hơn 50 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó có 18 người là dân tộc thiểu số, còn lại đều đã tham gia các lớp học tiếng dân tộc và được cấp chứng chỉ tiếng dân tộc. 100% cán bộ, giáo viên và nhân viên của Trường đạt chuẩn, trong đó có 40% đạt trình độ trên chuẩn.
Vừa nuôi, vừa dạy và vừa dỗ học trò, nhất là với Hs lần đầu xa nhà, xa bố mẹ, phải làm quen với việc tự chăm sóc bản thân, nên các thầy, cô giáo trong Nhà trường luôn coi học trò như con em ruột thịt. Từ Ban giám hiệu Nhà trường đến cán bộ, giáo viên, nhân viên thường xuyên phân công nhau chăm sóc cho học trò từ bữa ăn, giấc ngủ, bù đắp cho các em vơi nguôi nỗi nhớ nhà, yên tâm gắn bó với trường, lớp, tập trung học tập để không phụ công ơn sinh thành của cha mẹ, công dưỡng dục của thầy cô. Năm học 2010-2011, 119 Hs khóa đầu chính thức dự thi tốt nghiệp THPT, kết quả có 100% Hs đạt tốt nghiệp, trong đó có 57,17% Hs đạt khá, giỏi; hơn 70% Hs thi đỗ đại học nguyện vọng 1. Dù mới là bước đầu, song kết quả này khẳng định Nhà trường có năng lực thực sự trong giáo dục, đào tạo con em đồng bào các dân tộc thiểu số.
Với quyết tâm nâng cao chất lượng dạy và học; lấy chất lượng học tập của Hs để đánh giá năng lực giáo dục, đào tạo của Nhà trường và của giáo viên các bộ môn, đến năm học 2012-2013, Trường có bước tiến bộ vượt bậc, với 72 Hs đạt học lực giỏi... Đặc biệt năm học này, Nhà trường có Hs đầu tiên dự thi chọn học sinh giỏi Quốc gia môn Hoá học lớp 12. 2 cán bộ, giáo viên được Bộ giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen; 2 cán bộ, giáo viên được uBND tỉnh tặng Bằng khen; Tập thể Nhà trường được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 3 năm học liên tục (từ 2010-2011 đến 20122013). Tháng 8-2013, Trường được công nhận đạt Chuẩn Quốc gia.
Bằng phương châm “không ngừng đổi mới”; “Tất cả vì Hs các dân tộc thiểu số thân yêu”; tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trong Trường không ngừng tự học, tự rèn, tự nâng cao trình độ năng lực chuyên môn để đáp ứng nhiệm vụ. Từng cá nhân trong đội ngũ của Trường tích cực tham gia các phong trào thi đua: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Trường học thân thiện, Hs tích cực”… Các hoạt động thi đua trong Nhà trường tạo được “lực hấp dẫn” với cả thầy và trò. Và trong “va đập” công tác, nhiều sáng kiến nảy nở, như 5 đề tài nghiên cứu khoa học về phương pháp dạy học tích cực cấp ngành của cán bộ, giáo viên Nhà trường được các chuyên gia trong ngành đánh giá cao, được triển khai, ứng dụng trên toàn tỉnh.
Để nâng cao chất lượng học tập cho Hs, đầu các năm học, giáo viên từng khối đăng ký với tổ chuyên môn và Ban giám hiệu Nhà trường tổ chức dạy phụ đạo cho Hs có lực học yếu, Hs trung bình. khuyến khích Hs tham gia các tổ tự quản, tự giúp nhau học tập; tổ chức bồi dưỡng Hs giỏi; hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT Quốc gia và định hướng nghề nghiệp cho Hs. Bằng nhiều giải pháp thiết thực trong dạy học và nuôi dưỡng Hs của Trường, nhiều Hs con em đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa không còn mặc cảm, tự tin vươn lên trong học tập. Chính vì thế mà số Hs đạt học lực giỏi của Trường tăng qua từng năm, từ 6 Hs đạt học lực giỏi năm học 2008-2009, lên 131 Hs đạt học lực giỏi năm học 20172018; học lực khá tăng từ 72 Hs lên 225 Hs; học lực trung bình giảm từ 39 Hs xuống còn 2 Hs. Từ năm học 20132014 đến nay, Trường không có Hs đạt học lực yếu. Năm học 2018-2019, Trường có 133 Hs đạt giỏi toàn diện, 239 Hs tiên tiến, 100% Hs lên lớp thẳng, 100% Hs lớp cuối cấp đạt điểm tốt nghiệp và tiếp tục đăng ký học lên hệ đại học, cao đẳng... Một năm học mới đã bắt đầu, đội ngũ những cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh đã sẵn sàng tư thế “dạy tốt, nuôi tốt”.