Năm học mới và những yêu cầu mới

15:51, 11/09/2019

Năm học 2019-2020 đã chính thức bắt đầu. Quy mô trường lớp và cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng khang trang, đội ngũ giáo viên vượt chuẩn ngày càng tăng. Tuy nhiên, chất lượng học tập của học sinh chưa thật sự đạt kết quả như kỳ vọng, đây là vấn đề đặt ra trong năm học mới mà trách nhiệm không chỉ với giáo viên, nhà trường...

Đến nay, toàn tỉnh đã có 19 trường/32 trường bậc học THPT đạt chuẩn Quốc gia, đạt gần 60%; bậc học THCS, toàn tỉnh có 145/191 trường đạt chuẩn Quốc gia, chiếm gần 76% và bậc tiểu học đạt trên 96% số trường đạt chuẩn Quốc gia. So với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIX thì các cấp học của toàn ngành Giáo dục đã vượt trên 6%. Đây chính là động lực để thực hiện mục tiêu phát triển giáo dục toàn diện, đảm bảo duy trì mục tiêu Quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Về đội ngũ nhà giáo, đến nay, toàn ngành Giáo dục đã có 100% giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo, trong đó, đội ngũ giáo viên dạy học bậc tiểu học vượt chuẩn trên 90%; cấp THCS, giáo viên có trình độ đào tạo trên chuẩn chiếm hơn 82%; cấp THPT, trình độ giáo viên vượt chuẩn chiếm gần 30%; đồng thời, cũng là lực lượng giáo viên cơ hữu làm nòng cốt thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng, tập huấn các chương trình đổi mới phương pháp dạy học.   

Tuy nhiên, kết quả học tập của học sinh lại chưa cao. Nhìn lại kết quả thi tốt nghiệp tại kỳ thi THPT Quốc gia những năm qua cho thấy, điểm trung bình các môn trong kỳ thi THPT Quốc gia trong 3 năm (2017-2018-2019) đều thấp hơn trung bình chung cả nước từ 0,05, đến 1,2 điểm, duy chỉ có môn Ngữ văn của năm 2018 cao hơn trung bình chung cả nước 0,68 điểm. Đối với điểm tuyển sinh vào lớp 10 của học sinh THCS cũng đạt ở mức thấp. Ví dụ như, môn Toán, năm học 2017-2018, điểm trung bình toàn tỉnh chỉ đạt 3,50; môn Ngữ văn, năm học 2017-2018, đạt 4,37... Cá biệt, với ba môn thi Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, học sinh chỉ cần đạt 4,6 điểm đã trúng tuyển vào các trường THPT công lập.

Trên bảng xếp hạng tỷ lệ tốt nghiệp của các tỉnh trên toàn quốc năm 2019, Thái Nguyên xếp thứ 6 từ dưới lên và không đứng được ở thứ hạng Top 10, chưa tương xứng với tiềm năng là trung tâm giáo dục của vùng và khu vực. Đặc biệt, có đến 71 bài thi điểm liệt, trong đó có bốn điểm 0 của môn Ngữ văn. Về góc độ quản lý, hầu như tổng kết năm học nào, các trường đều kiểm điểm, đánh giá, phân loại chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên rất sát sao. Nhưng từ thực tế, công tác tuyển sinh lớp 10 những năm gần đây có thể thấy, học sinh, gia đình và xã hội đã có những chi phối nhất định về vấn đề việc làm, thu nhập khi sức tăng trưởng “nóng” từ các khu công nghiệp đã thu hút lực lượng lớn lao động, dẫn đến tâm lý ngại học và muốn đi làm ngay của đại bộ phận học sinh. Đơn cử, năm 2018, T.X Phổ Yên có gần 2.000 học sinh tốt nghiệp THCS, nhưng có trên 300 em không đăng ký tuyển sinh vào lớp 10 mà đăng ký học nghề, hoặc hệ giáo dục thường xuyên. Còn huyện Võ Nhai, trong số hơn 1.000 học sinh tốt nghiệp THCS, có gần 30% số học sinh không đăng ký tuyển sinh vào lớp 10 mà đăng ký học nghề hệ vừa học, vừa làm... Vấn đề chính là quan niệm về học tập của gia đình, xã hội đã tác động không nhỏ đến hành vi, thái độ học tập của người học cũng như tâm lý giáo dục tại các nhà trường. 

Thầy giáo Hà Mạnh Cương, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Võ Nhai chia sẻ: “Cuối năm học lớp 9, nhiều trường tổ chức cho học sinh ôn luyện thi tuyển sinh, nhưng các em không đến lớp. Giáo viên đến đợi học sinh, rồi thông báo cho gia đình, nhưng cũng không cải thiện được tình trạng học sinh không muốn học. Gia đình và bản thân học sinh chỉ nghĩ trước mắt là kiếm tiền, có thu nhập, mà không nghĩ đến tương lai 10-15 năm nữa, khi nền công nghiệp hiện đại phát triển, lao động chân tay và ở trình độ thấp sẽ bị loại…”

Về vấn đề nâng cao chất lượng học tập, nhất là học sinh lớp 12 để có kết quả tốt trong kỳ thi THPT Quốc gia, thầy giáo Dương Nghĩa Bộ, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Phú (Phú Bình) cho biết: “Về phía nhà trường, hàng năm, đều phân loại học sinh và tổ chức bồi dưỡng, học thêm miễn phí cho các môn mà học sinh có nhu cầu, cũng như học sinh yếu kém. Nhưng, hầu hết các em không đến lớp học và học mang tính đối phó tránh sự kiểm soát của gia đình”.

Năm 2019, cũng ghi nhận những vấn đề tác động xã hội, khi có đến hàng nghìn thí sinh không xác định được khối thi, nguyện vọng và phân luồng trong học tập, đào tạo nghề, nên đăng ký thi cả 9 môn, thay vì 6 môn thi vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển sinh đại học, cao đẳng. Đây cũng chính là một trong những lý do ảnh hưởng đến kết quả điểm thi của toàn tỉnh và chất lượng giáo dục.