Xây dựng thói quen đọc sách từ mô hình thư viện thân thiện

08:18, 30/09/2019

Thư viện thân thiện trường tiểu học là một trong những nội dung đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông được ngành Giáo dục triển khai từ năm 2017 tại một số trường học bước đầu đã đem lại kết quả tích cực. Với mục đích giúp các em chủ động tiếp cận kiến thức độc lập, tích cực tham gia vào quá trình tương tác trong giờ học chính khóa, thư viện không còn thuần túy là nơi giữ sách và chỗ đọc sách của nhà trường.  

Bước chân vào thư viện, các em học sinh cảm nhận được ngay một không gian thân thiện: Trên tường là những bức tranh, dòng chữ sinh động thể hiện nội dung theo từng chủ đề của góc đọc; xung quanh phòng là những giá sách nhỏ xinh được sơn theo màu của những quyển sách, phân biệt các lớp khác nhau; nền nhà lót bằng thảm xốp nhiều màu, mềm mại và những chiếc bàn gỗ xung quanh phòng có kích thước vừa tầm cho học sinh ngồi. Bảng nội quy thư viện, lịch hoạt động thư viện, thời gian mượn và trả sách được treo trước thư viện… Đây là mô hình thư viện thân thiện được tỉnh cấp 500 triệu đồng đầu tư, với không gian gần 100m2 có đủ các chức năng học, thực hành và cả không gian tổ chức sân khấu hóa cho từng nhóm, lớp được triển khai đồng bộ ở 52 trường trên địa bàn toàn tỉnh từ năm 2017 đến nay. Tại Trường Tiểu học Cam Giá (T.P Thái Nguyên), thư viện thân thiện đã trở thành địa điểm thu hút các em học sinh đến đọc và mượn sách sau mỗi giờ học. Thư viện có hơn 6.000 đầu sách được sắp xếp khoa học để giáo viên và học sinh dễ dàng chọn lựa. Từ khi có thư viện thân thiện, học sinh đã có thói quen đọc sách trong mỗi giờ ra chơi. 

Cô giáo Nguyễn Thanh Mai, Hiệu Trưởng nhà trường cho biết: “Dù mới triển khai, thư viện đã thu hút đông đảo các em học sinh. Với không gian đọc thân thiện, các tiết học tại thư viện thú vị khiến học sinh thích thú. Ðọc sách không chỉ giúp học sinh rèn luyện kỹ năng đọc mà còn giúp các em cập nhật, bổ sung thêm nhiều kiến thức và học hỏi kỹ năng sống. Hơn nữa, thư viện cũng làm cho các em thích đến trường, ổn định sự chuyên cần. Thực tế cho thấy có những học sinh rất nhút nhát, lười đọc nhưng đến tiết học tại thư viện lại rất tự tin và siêng năng đọc, mạnh dạn phát biểu. Nhờ đó, kỹ năng đọc của các em khá lên dần”. Còn cô Nguyễn Thị Nguyên, Hiệu trường Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học số 1 Văn Lăng (Đồng Hỷ) phấn khởi chia sẻ: Đầu năm học 20192020, Trường được nhận công trình thư viện thân thiện, có thư viện, Trường đã phân công giáo viên xây dựng kế hoạch sử dụng, trong đó mỗi giáo viên có trách nhiệm sắp xếp, phân loại và biên soạn các nội dung để định hướng cho người đọc như: Đọc gì, đọc như thế nào. Đây cũng là hình thức cho học sinh tiếp cận kiến thức bằng sự cảm nhận của mình qua đọc sách, học tập, chia sẻ tại thư viện. Giáo viên có vai trò định hướng và dẫn dắt học sinh vận dụng những kiến thức đó vào từng bài học, tình huống kỹ năng sống…” 

Tại Trường Tiểu học Tân Thành 1 (T.P Thái Nguyên), cô Doãn Thị Hòa Bình, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết thêm: “Năm học này trường đưa vào sử dụng thư viện thân thiện, bên cạnh đó chúng tôi còn có không gian xanh để đọc sách ngoài trời thuộc khuôn viên nhà trường. Đây chính là môi trường để học sinh chủ động chia sẻ và trao đổi những kiến thức trong học tập. Tại thư viện thân thiện, Trường thiết kế sân khấu nhỏ và giáo viên chủ nhiệm phối hợp với nhân viên thư viện xây dựng kịch bản, hoạt cảnh trong các câu chuyện để các em đóng kịch, nhập vai, do đó các môn học về xã hội, văn học rất sinh động, học sinh sẽ ấn tượng lâu hơn. Thay vì giáo viên truyền đạt, học sinh thụ động tiếp nhận kiến thức, chúng tôi dành cho các em tham gia các hoạt động tương tác, chia sẻ những hiểu biết của bản thân qua từng câu chuyện, từng cử chỉ, hành vi… Điều quan trọng là từ thiết kế không gian học tập của thư viện, học sinh được thể hiện mình, được nói lên những nhận thức của mình và bày tỏ thái độ, nhận thức… Từ đó giáo viên mới có những phương pháp dạy học hiệu quả cho từng nhóm học sinh, thậm chí phát hiện ra năng lực đặc biệt, sở trường của học sinh”. 

Mặc dù mới đưa vào hoạt động gần 3 năm, nhưng mô hình thư viện thân thiện ở các trường tiểu học đã góp phần khơi dậy niềm đam mê đọc sách, hình thành văn hoá đọc cho học sinh. Ðồng thời giúp ngành Giáo dục thực hiện tốt hơn cuộc vận động “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Được biết, trong những năm học tiếp theo, các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục được đầu tư từ nhiều nguồn để hoàn thiện thư viện thân thiện và tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tổ chức hoạt động thư viện, đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng dạy và học.