Đổi mới cách quản lý bếp ăn trường học

11:12, 19/10/2019

Hợp đồng chặt chẽ với đơn vị cung cấp thực phẩm và truy xuất nguồn gốc từng ngày với từng loại sản phẩm, đồng thời thay đổi thiết bị, thói quen chế biến thực phẩm từ bếp than, củi sang bếp gas, nồi nấu hấp nhiệt khép kín… Đó là những đổi mới góp phần đảm bảo bữa ăn an toàn trong các trường học của huyện Phú Lương thời gian gần đây.  

Toàn huyện Phú Lương hiện có 26 trường mầm non, tiểu học và THCS thực hiện tổ chức ăn bán trú với 36 bếp ăn, trong đó có 7 trường tổ chức hai bếp ăn bố trí tại các điểm trường lẻ, nằm phân tán tại các cụm dân cư xa trung tâm xã. Với đặc điểm miền núi, địa hình chia cắt, giao thông gặp nhiều khó khăn, nên việc học sinh học 2 buổi/ngày mà đi lại sẽ rất khó bảo đảm sức khỏe và thời gian học tập. Chính vì vậy, nhu cầu tổ chức bếp ăn bán trú tại các trường học là rất lớn, mỗi năm có từ 11.000, đến gần 12.000 học sinh có nhu cầu ăn bán trú.

Thầy giáo Lý Văn Điền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Ninh cho biết: Với quy mô hàng năm Trường có trên 600 học sinh, trong đó hơn 80% là người dân tộc thiểu số ở phân tán, xa trường học và thuộc diện kinh tế gia đình khó khăn, nên nhu cầu ăn bán trú năm nào cũng có trên 500 suất. Chính vì điều kiện kinh tế khó khăn, nhà ở lại xa trường, nên Nhà trường đã tổ chức bếp ăn bán trú nhằm giảm bớt tình trạng đưa cơm, hoặc trẻ về nhà ăn trưa rồi bỏ học. Ban đầu, Trường tổ chức theo hình thức tự cung, tự cấp, hoặc theo nhóm gia đình tự nấu ăn cho con trẻ bữa trưa… Nhưng sau phụ huynh cũng phải đi làm thêm, lao động, nên không còn thời gian chăm trẻ mà hàng tuần cắt cử đại diện phụ huynh đến góp gạo, góp củi khai thác lâm sản phụ từ rừng về… Tuy nhiên, vài năm gần đây, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) được tuyên truyền phổ biến sâu rộng trong nhân dân đã làm thay đổi căn bản nhận thức của phụ huynh. Ban đại diện Hội Phụ huynh đã đề xuất với Trường tổ chức bếp ăn an toàn, trong đó đầu tư mua hệ thống bếp gas, tủ hơi nấu cơm điện khép kín và hợp đồng với một đơn vị cung cấp thực phẩm theo chế độ dinh dưỡng và thực đơn hàng ngày. Năm 2018, Trường chính thức bỏ hình thức nấu ăn theo nhóm gia đình và không dùng bếp củi để bảo đảm vệ sinh, chống cháy nổ… Mặc dù địa phương miền núi khó khăn, nhưng với trách nhiệm bảo đảm sức khỏe, dinh dưỡng và ATVSTP, nhà trường đã nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn để đầu tư nâng cấp bếp ăn. Nhà trường cũng dành quỹ đất, cải tạo nhà kho cũ để làm khu vực chế biến, chia khẩu phần ăn đến từng lớp cho học sinh. 

Thầy Điền cho biết thêm: Trước đây, phụ huynh thường đăng ký với bộ phận nhà bếp giao thực phẩm do gia đình tự làm được để chế biến cho học sinh, nhưng với mức độ trên 500 suất ăn rất khó chủ động, nhất là việc thay đổi thực đơn. Vì vậy, Ban đại diện phụ huynh đã thống nhất lựa chọn nhà thầu cung cấp thực phẩm hàng năm. Vai trò của Ban đại diện phụ huynh là phối hợp với Trường trong khâu giám sát chất lượng, nguồn gốc thực phẩm trước khi đưa vào chế biến và niêm phong lưu mẫu hàng ngày. 

Với Trường Mầm non Yên Trạch được tổ chức 2 bếp ăn do có một điểm trường lẻ cách trường chính gần 5km, nhưng cũng được chính quyền địa phương quan tâm, vận động nhân dân ủng hộ xây dựng bếp ăn không dùng củi, than để chống ô nhiễm môi trường và bảo đảm hợp vệ sinh. Cô Trịnh Thị Cúc, Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ: “Trước đây nấu ăn bằng bếp củi, hễ gặp mưa là rất khó khăn. Điểm trường lẻ có gần 200 cháu, nhưng lại không bố trí được chỗ chế biến thuận lợi, do quỹ đất hạn hẹp. Khi có chủ trương bỏ bếp củi, bếp than, xã đã tạo điều kiện cho thêm đất để xây dựng khu chế biến khép kín. Huyện cũng hỗ trợ trên 40 triệu đồng sắm tủ hơi nấu cơm điện cho cả hai bếp… nên không còn cảnh nấu một nơi, rồi vượt núi đưa cơm cho trẻ. Bây giờ giao thông thuận tiện, đơn vị cung cấp thực phẩm chuyển bằng xe bảo ôn đưa thực phẩm tươi sống đến tận bếp ăn đúng giờ, bảo đảm chất lượng và rất chủ động mà không bị ảnh hưởng khi mưa, bão…”.

Được biết năm học 20192020, toàn ngành Giáo dục huyện Phú Lương đã triển khai đồng bộ việc hợp đồng cung cấp thực phẩm và thay thế bếp ăn dùng củi, than bằng hệ thống bếp gas. Đội ngũ nhân viên nấu ăn, nhân viên y tế 100% được đào tạo và đủ điều kiện ATVSTP. Trong hai năm (2018-2019), huyện đã hỗ trợ hàng trăm triệu đồng cho các trường mầm non tủ hơi nấu cơm điện khép kín, đồng thời kiểm định định kỳ toàn bộ hệ thống nước lọc phục vụ trong trường học theo tiêu chuẩn vệ sinh của ngành Y tế. Bên cạnh đó, các nhà trường đã phối hợp chặt chẽ với Ban đại diện phụ huynh học sinh thay đổi phương pháp quản lý từ tự cấp, tự túc thực phẩm và tự hợp tác chế biến sang chủ động kiểm soát ATVSTP theo quy định pháp luật có sự tham gia của đại diện phụ huynh học sinh góp phần nâng cao trách nhiệm xã hội vào hoạt động chăm sóc, giáo dục học sinh phát triển toàn diện.