Nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh là một trong những mục tiêu quan trọng được ngành Giáo dục đặt ra cho năm học 2019-2020. Tuy nhiên, thực tế kết quả các kỳ thi những năm gần đây cho thấy vấn đề bảo đảm chất lượng đồng đều và tiếp tục nâng cao còn nhiều khó khăn.
Năm học 2018-2019 vừa qua, là năm đầu tiên toàn tỉnh thực hiện thi tuyển sinh vào lớp 10 (THPT) có thêm môn Tiếng Anh. Kết quả điểm thi trung bình của học sinh lớp 9 đạt 4,49 điểm. Tuy nhiên, mức độ chênh lệch về thứ hạng thông qua điểm thi ở các khu vực là rất lớn. Chỉ tính kết quả điểm thi tuyển sinh vào lớp 10 của học sinh lớp 9 thuộc 10 trường điểm cao nhất trong tổng số 191 trường THCS toàn tỉnh đã có độ chênh lệch 3,6 điểm. Cụ thể như Trường THCS Chu Văn An (T.P Thái Nguyên) có điểm trung bình môn Tiếng Anh là 9,067, còn trường đứng thứ 10 là THCS Tân Thành (T.P Thái Nguyên) với 5,446 điểm; Trường THCS Hương Sơn (T.P Thái Nguyên) đứng thứ 3 có điểm trung bình là 6,326, còn Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Phú Lương đứng thứ 5 có điểm trung bình là 5,824… Theo xếp hạng thì các trường THCS trên địa bàn T.P Thái Nguyên có điểm cao hơn các địa phương khác, tiếp đến là các trường phổ thông dân tộc nội trú các huyện. Song, có những trường ngay trung tâm T.P Thái Nguyên cũng chưa hẳn đã xếp hạng cao về điểm số môn Tiếng Anh, như: THCS Đồng Bẩm, có điểm trung bình 4,221; THCS Túc Duyên đạt trung bình 4,906…
Đối với các trường khu vực miền núi, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, điểm thi tuyển sinh môn Tiếng Anh còn thấp hơn nhiều so với các trường nêu trên và khoảng cách chênh lệch lớn. Theo báo có tổng hợp của ngành Giáo dục, điểm tuyển sinh lớp 10 năm học 2018-2019, có đến trên 20 trường có điểm trung bình chưa đạt 3 điểm, như Trường THCS Xuất Tác, Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Thần Sa, THCS Liên Minh (Võ Nhai) chỉ đạt trung bình từ 2,3 đến 2,6 điểm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chất lượng học tập môn Tiếng Anh chưa đạt kết quả cao. Về đội ngũ, có thể nói trong những năm gần đây, toàn Ngành đã tích cực thực hiện việc chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy môn Tiếng Anh các cấp học. Riêng bậc THCS toàn tỉnh có 423 giáo viên, trong đó có trên 86% số giáo viên đạt trình độ theo khung năng lực tiếng Anh B2 và gần 5% đạt khung năng lực C1, số còn lại đều là cử nhân về ngoại ngữ đang thực hiện việc hoàn thiện các chuẩn năng lực tiếng Anh theo các quy định mới về khung năng lực tiếng Anh cho giáo viên ngoại ngữ. Bên cạnh vấn đề đội ngũ giáo viên chưa đồng đều còn có nguyên nhân nữa là phong trào học tiếng Anh và thái độ của người học còn chưa tốt. Đa số phụ huynh thì phó mặc việc học tập của con em mình cho nhà trường và học sinh thì coi môn Tiếng Anh chưa thực sự là một môn học quan trọng để chuẩn bị bước vào môi trường giáo dục, làm việc hội nhập quốc tế trong tương lai gần.
Cô giáo Văn Thị Duyên, Trường THCS Hoàng Ngân (Định Hóa) cho biết: “Học sinh đa số sinh ra trong gia đình làm nông nghiệp, hết giờ học là vội vàng về nhà giúp bố mẹ lao động, nên đến lớp học được chữ nào hay chữ đó, chứ hầu như không có thời gian xem lại hay ôn tập bài”. Còn thầy giáo Hà Mạnh Cương, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Võ Nhai chia sẻ: “Về đội ngũ giáo viên Tiếng Anh của huyện cơ bản là đáp ứng yêu cầu chuyên môn. Song thực tế các em học sinh vùng cao là người dân tộc thiểu số lại ở vùng khó khăn, xa xôi, vốn kiến thức các môn học khác đã yếu, một số nói tiếng phổ thông (tiếng Kinh) còn chưa lưu loát, nói gì đến học tốt môn Tiếng Anh. Các trường hàng năm cũng có kế hoạch bồi dưỡng cho học sinh không thu phí, nhưng hầu như các em không đến lớp. Mặt khác, cũng có tư tưởng là học khó quá thì sau này không thi tuyển sinh vào lớp 10 mà chuyển sang học hệ giáo dục thường xuyên, học nghề… vì không phải thi môn Tiếng Anh”.
Kết quả điểm tuyển sinh môn Tiếng Anh thấp, hệ lụy là việc học tập các năm tiếp theo của các em cũng chậm tiến bộ. Và kết quả điểm thi THPT Quốc gia môn Tiếng Anh cũng bị kéo xuống thấp. Dựa vào kết quả thi THPT Quốc gia trong ba năm trở lại đây, phần nào đã phản ánh chất lượng học tập môn Tiếng Anh của tỉnh còn chưa cao và rất cần có thêm những giải pháp đổi mới đồng bộ: Điểm trung bình môn Tiếng Anh năm 2017 toàn tỉnh đạt 3,9; năm 2018, đạt 3,45 và năm 2019, đạt 3,81.