Chiếc nôi đào tạo nhân lực cốt cán nông, lâm nghiệp - nông thôn và nông dân

10:48, 15/11/2019

Cách đây tròn 50 năm, Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) được thành lập với tên gọi là Trường Đại học Kỹ thuật miền núi. Trải qua phần hai thế kỷ, cùng với sự phát triển nhanh chóng của đất nước, Nhà trường đã những có bước phát triển vững chắc, xứng đáng là chiếc nôi đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật và quản lý trong lĩnh vực Nông - lâm nghiệp, quản lý kinh tế, tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của vùng trung du miền núi phía Bắc cũng như của cả nước.

Tiền thân là Trường Đại học Kỹ thuật miền núi được thành lập trên cơ sở của Trường Trung học Nông Lâm nghiệp Việt Bắc. Do yêu cầu nhiệm vụ từng thời kỳ, Trường đã có những tên gọi khác nhau: Trường Đại học Nông Lâm miền núi, Trường Đại học Nông nghiệp III và đến năm 1994, Trường trở thành Đại học thành viên của Đại học Thái Nguyên với tên gọi là Trường Đại học Nông Lâm.

Được Nhà nước giao nhiệm vụ đào tạo cán bộ quản lý và kỹ thuật trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, quản lý kinh tế, tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường có trình độ cao; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ cho phát triển KTXH vùng trung du và miền núi phía Bắc, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế. Từ ngày thành lập đến nay, Nhà trường đã không ngừng phát triển, trưởng thành và khẳng định được vị trí trọng điểm của vùng. Khởi đầu từ hai ngành Trồng trọt và Chăn nuôi thú y với 150 sinh viên đào tạo kỹ sư đầu tiên nhập học, đến nay quy mô và nhiệm vụ đào tạo đã phát triển vượt bậc. 50 năm qua, Nhà trường đã đào tạo ra hơn 44.000 kỹ sư, cử nhân, hơn 3.000 thạc sỹ, gần 100 tiến sỹ, trong số đó có hàng trăm sinh viên quốc tế đến từ nhiều quốc gia với 24 chuyên ngành bậc đại học, 9 chuyên ngành bậc thạc sỹ và 8 chuyên ngành bậc tiến sĩ.

Như những hạt “giống đỏ” các thế hệ sinh viên tốt nghiệp đã và đang lặng lẽ cống hiến và kiến tạo cho xã hội những đổi thay tích cực để bước vào thời kỹ hội nhập quốc tế. Đến nay, cựu sinh viên của Trường đã có gần 70% cán bộ quản lý chủ chốt làm việc trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, quản lý tài nguyên, môi trường và phát triển nông thôn ở các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc được đào tạo từ Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, trong số đó, hiện nay có hơn 200 đồng chí đang giữ cương vị lãnh đạo từ Chủ tịch và Bí thư huyện trở lên. Đặc biệt, đã có 10 cựu sinh viên của Nhà trường là Uỷ viên Trung ương Đảng (5 đồng chí là Bộ trưởng và hàm Bộ trưởng và 6 đồng chí là Bí thư tỉnh ủy), 15 cựu sinh viên là Chủ tịch UBND và Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, 10 cựu sinh viên là giáo sư, hơn 40 cựu sinh viên là phó giáo sư, hàng nghìn cựu sinh viên là các nhà doanh nghiệp thành đạt. Sự trưởng thành của các cựu sinh viên trên nhiều cương vị công tác phần nào khẳng định chất lượng đào tạo cũng như vai trò của Nhà trường trong việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cho sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.

Đáp ứng nhu cầu hội nhập, hiện nay Nhà trường đang triển khai 03 chương trình đào tạo tiên tiến được giảng dạy bằng tiếng Anh nhập khẩu từ trường Đại học California Davis Hoa Kỳ, Đại học New England Australia.  Hiện nay, Trường đang có quan hệ hợp tác với hơn 50 trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế trên thế giới. Hàng năm ngoài sinh viên Việt Nam tham gia, chương trình tiên tiến còn thu hút đông đảo sinh viên quốc tế từ các nước đến học tập. Từ năm 2015, Trường bắt đầu triển khai các chương trình đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp và các nhà tuyển dụng. Đồng thời, luôn cập nhật đổi mới chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy trước tác động công nghệ 4.0.

Công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao khoa học công nghệ được xác định là khâu then chốt để nâng cao chất lượng, thứ hạng đại học. Chính vì vậy hàng năm, Nhà trường triển khai 7-8 nhiệm vụ/đề tài cấp Nhà nước, 10-15 đề tài cấp Bộ, 10-15 đề tài cấp tỉnh, 120-150 đề tài cấp cơ sở, trên 40 chương trình chuyển giao công nghệ với các địa phương và doanh nghiệp. Tổng kinh phí hoạt động khoa học công nghệ hàng năm đạt trên 50 tỷ đồng. Mỗi năm các nhà khoa học của Trường xuất bản 25-30 bài báo trên các tạp chí quốc tế có uy tín có chỉ số SCI , ISI và hơn 150 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học cấp quốc gia. Nhiều sản phẩm khoa học công nghệ của Nhà trường đã được cấp sở hữu trí tuệ (15 sản phẩm được cấp bằng sở hữu trí tuện) được thực tế sản xuất đánh giá cao, như: 8 giống cây dược liệu, giống lúa Nông lâm số 7, giống sắn SVN-7, KM98-7 và KM140; Chế phẩm sinh học KTS và YPIX, Vác xin phòng bệnh tiêu chảy ở lợn con VACCOU, phân bón hữu cơ vi sinh NTT và hàng chục quy trình kỹ thuật trong sản xuất nông, lâm và thủy sản.

50 năm xây dựng và phát triển, Trường đã có một đội ngũ giảng viên, nhà khoa học chất lượng cao. Toàn Trường hiện có 11 giáo sư, 34 phó giáo sư, 105 tiến sĩ; tỷ lệ cán bộ giảng dạy có trình độ từ tiến sĩ trở lên đạt gần 50%, trong đó, giáo sư và  phó giáo sư là 15%. Trong số các giảng viên trình độ tiến sĩ có trên 30% được đào tạo ở nước ngoài có thể giảng dạy trực tiếp bằng tiếng Anh. Những năm qua, nhiều cán bộ giảng dạy của Nhà trường được trao tặng nhiều danh hiệu cao quý: 2 Anh hùng lao động, 3 Nhà giáo Nhân dân, 16 Nhà giáo Ưu tú, 1 nhà khoa học nữ đạt giải Kovaleskaia, 1 nhà khoa học nữ đạt giải Lo’real...

Với những thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực công tác, Trường Đại học Nông lâm đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu thi đua cao quý như: Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1981), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 1985), Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 1995), Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2005), Anh hùng Lao động (năm 2013), Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ 2 (năm 2015), Cờ thi đua của Chính phủ (năm 2019).