Thay đổi tư duy về ngành học và việc làm

09:16, 15/11/2019

Việc làm luôn là mối quan tâm hàng đầu của các bạn trẻ hiện nay. Con số thống kê của liên Bộ Lao động, thương binh và Xã hội; giáo dục và Đào tạo cho thấy hiện có khoảng 200.000 cử nhân thất nghiệp hoặc làm trái chuyên môn. Do đó, việc tuyên truyền, định hướng để học sinh, sinh viên cân nhắc kỹ khi chọn trường, chọn nghề để sau khi tốt nghiệp tìm kiếm được việc làm phù hợp, thu nhập ổn định là rất cần thiết…

Làm thầy hay thợ

Qua công tác tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài có cơ sở sản xuất tại các địa phương trong tỉnh thời gian gần đây xuất hiện tình trạng nhiều sinh viên “giấu” bằng đại học để xin làm công nhân vì các công ty không nhận người có bằng cấp cao cho vị trí chuyên về kỹ thuật hoặc lao động phổ thông. Trái lại, học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng, trung cấp nghề lại nhanh chóng tìm được việc làm phù hợp với chuyên môn khi tốt nghiệp hoặc được các doanh nghiệp “đặt hàng” trước khi ra trường. Khảo sát thực tế tại trường Cao đẳng nghề số 1- Bộ Quốc phòng, chúng tôi thấy kết quả rất khả quan. Cụ thể, thống kê năm 2018 có 97% học sinh, sinh viên của Trường Cao đẳng nghề số 1- Bộ Quốc phòng có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Em Nguyễn Thị Thu Huyền, sinh viên học nghề Điện công nghiệp chia sẻ: Bạn bè và thầy cô thắc mắc em có học lực khá lại theo học trung cấp nghề trong khi có khả năng thi vào nhiều trường. Nhưng em suy nghĩ là học trung cấp nhanh ra trường dễ kiếm việc làm phụ giúp gia đình. Là học sinh Trường THPT chuyên Thái Nguyên, có thành tích nhiều năm liền là học sinh giỏi nhưng Dương Văn Minh lại quyết định chuyển sang học Trường Cao đẳng số 1 – Bộ Quốc phòng chuyên ngành Công nghệ ô tô. Minh cho biết: Em chọn đi học nghề vì vẫn được học lý thuyết nhưng có tay nghề thực tế, thời gian phù hợp. Như vậy khi tốt nghiệp, em có thể xin việc tại các công ty hoặc tự kinh doanh để sau này tiến xa hơn.

Mặc dù chưa tốt nghiệp nhưng 2 sinh viên Lê Văn Công (lớp Hàn công nghệ cao) và Vũ Anh Tuyết (lớp Điện tử công nghiệp) của Trường Cao đẳng Nghề số 1 Bộ Quốc phòng đã có việc làm ngoài thời gian học tập trên lớp với mức thu nhập tứ 10-12 triệu đồng/tháng. Đây là khoản thu nhập mà không phải lao động nào sau khi tốt nghiệp đại học cũng có được. 

Giảm lý thuyết, tăng thực hành 

Theo lộ trình của chương trình đào tạo hệ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, học sinh, sinh viên sẽ rút ngắn thời gian học lý thuyết, tăng thời gian thực hành. Đối với Trường Cao đẳng Nghề số 1- Bộ Quốc phòng thực hiện chương trình đào tạo gồm: 30% lý thuyết và 70% thực hành nhằm giúp rút ngắn thời gian học, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên có nhiều cơ hội thực hành thành thạo nghiệp vụ. Đánh giá về vấn đề này, Đại tá, T.S Phạm Văn Hòa, Hiệu trưởng Nhà trường nhận định: Mỗi bậc học có một mục tiêu đào tạo khác nhau. Trong khi bậc đại học đào tạo hướng người học theo tư duy nghiên cứu sáng tạo thì cao đẳng, trung cấp nghề lại thiên về kỹ năng thực hành. Từ đó, học sinh nên đưa ra quyết định trên cơ sở năng lực, đam mê và điều kiện của gia đình để chọn lựa hướng phát triển trong tương lai.

Bằng cấp không phải là con đường ngắn nhất đi đến thành công mà tay nghề cao mới là con đường ngắn nhất. Mặc dù không phủ nhận hoàn toàn những lợi ích mang lại từ môi trường giáo dục đại học nhưng chắc chắn đó không phải là con đường phù hợp cho tất cả học sinh, sinh viên. Thay vì cố sức vào cuộc đua học ngay sau khi tốt nghiệp THPT, các bạn trẻ nên xác định rõ năng lực, đam mê, sở thích để chọn trường vừa sức, phù hợp khả năng, có điều kiện đào tạo tốt chuyên ngành mình lựa chọn. 

Xác định được nhu cầu của người sử dụng lao động

Tâm lý chung của các nhà tuyển dụng hiện nay là ngoài đòi hỏi về chuyên môn, tay nghề còn muốn tìm kiếm những ứng viên có trình độ ngoại ngữ và có một số kỹ năng mềm như: Làm việc nhóm, giao tiếp, thuyết trình. Trên cơ sở này, Trường Cao đẳng Nghề số 1 - Bộ Quốc phòng đã xây dựng chương trình học theo chuẩn quốc tế được kiểm chứng bởi chính các đối tác của Nhà trường. Ngoài ra còn trang bị cho học sinh, sinh viên những kỹ năng cần thiết giúp các em nhanh chóng hòa nhập với môi trường làm việc ngoài xã hội. Cam kết của Nhà trường là đào tạo những ngành nghề, nghiệp vụ chuyên nghiệp tiên tiến nhất và một nền tảng lý luận sâu sắc để người học sáng tạo hơn, đủ sức cạnh tranh và không bị đào thải.

Việc đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các cơ quan, doanh nghiệp theo hình thức “đơn đặt hàng” về nguồn nhân lực của Nhà trường đã tạo điều kiện tốt cho học sinh, sinh viên thực hành, tích lũy kinh nghiệm. Đây cũng là cách làm nhiều năm qua để Nhà trường đảm bảo đầu ra cho học sinh, sinh viên sau quá trình được đào tạo. Trung tá, ThS. Đỗ Văn Thăng, Trưởng phòng Đào tạo - Bảo đảm chất lượng của Trường Cao đẳng nghề số 1- Bộ Quốc phòng, cho biết: Đối với các chương trình đào tạo dài hạn từ 2-3 năm, Nhà trường cam kết đảm bảo việc làm cho sinh viên. Nhà trường khảo sát nhu cầu của doanh nghiệp có thể nhận sinh viên trong vòng 2-3 năm tới. Dựa trên số liệu khảo sát đó, chúng tôi mới đưa ra chỉ tiêu tuyển sinh để giải quyết tối đa nhu cầu việc làm của học sinh, sinh viên ngay sau khi tốt nghiệp…