Để giúp học sinh tìm hiểu về chủ quyền biển, đảo góp phần giáo dục tình yêu biển, đảo đối với các em, xã Hà Châu (Phú Bình) đã xây dựng mô hình quần đảo Trường Sa ngay trong khuôn viên trường THCS Hà Châu. Công trình này được xây dựng từ nguồn kinh phí xã hội hóa với tổng trị giá trên 170 triệu đồng đã phát huy hiệu quả khi đưa vào sử dụng.
Đến Trường THCS Hà Châu vào một ngày đầu tháng 11, ngay khi bước vào sân trường, chúng tôi đã nhìn thấy mô hình quần đảo Trường Sa ở vị trí trung tâm với lá cờ Tổ quốc đỏ rực. Mô hình được xây dựng với cột mốc chủ quyền, ghi rõ vĩ độ, kinh độ. Trước cột mốc là bản đồ đất nước, dải đất hình chữ S uốn lượn thể hiện lãnh thổ Việt Nam. Tất cả tạo nên một tổng thể toàn vẹn về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Ông nguyễn Viết Đài, bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hà Châu cho biết: Ý tưởng xây dựng mô hình quần đảo Trường Sa trong nhà trường được bắt nguồn từ một lần xã Hà Châu tổ chức đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở xã Đồng Tâm, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang). Tại chuyến đi này, ngoài việc được tham quan những mô hình về phát triển kinh tế, đoàn còn được tham quan mô hình biển đảo tại trường học của địa phương. Nhận thấy đây là hình thức giáo dục tình yêu quê hương, biển đảo cho học sinh rất ý nghĩa, dễ hiểu nên xã Hà Châu đã lên kế hoạch xây dựng mô hình Trường Sa tại Trường THCS Hà Châu nhằm giúp các em học sinh có cảm nhận sâu hơn về biển đảo, thiêng liêng của Tổ quốc. Để làm được điều này, ngoài sự đồng thuận của cán bộ, công chức xã, xã Hà Châu còn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân địa phương, tập thể nhà trường, phụ huynh học sinh và các cựu học sinh Trường THCS Hà Châu. Chỉ sau hơn 1 tháng vận động và triển khai xây dựng, mô hình biển đảo đã hoàn thành, được các thầy cô giáo, học sinh Nhà trường hân hoan đón nhận.
Thầy giáo Phạm Bá Mai, Hiệu trưởng Trường THCS Hà Châu cho biết: Nhà trường hiện có 428 học sinh với 12 lớp học. Những năm qua, Trường THCS Hà Châu đặc biệt quan tâm đưa việc tuyên truyền biển, đảo vào chương trình học tập của học sinh bằng nhiều hình thức như: Tổ chức ngoại khóa, tổ chức các cuộc thi, thông qua các tiết học địa lý, lịch sử, văn học… qua đó, bồi đắp thêm tình yêu biển đảo cho học sinh, giúp các em có thêm kiến thức về tiềm năng biển, đảo; khơi dậy trong các em tình yêu và trách nhiệm đối với việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, đặc biệt là với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mỗi tiết học như thế học sinh đều rất sôi nổi, hào hứng. Tuy nhiên, nếu chỉ nghe các thầy cô giảng thì những hình dung của các em về chủ quyền biển đảo sẽ không tránh khỏi những hạn chế nhất định. Giờ có thêm mô hình này sẽ giúp học sinh hình dung rõ nét, sinh động và đầy đủ hơn về hình ảnh quê hương, đất nước.
Tìm hiểu thêm về công tác giáo dục biển đảo của các giáo viên, chúng tôi được biết để có những giờ học hiệu quả, các thầy cô giáo Trường THCS Hà Châu đã dành nhiều thời gian, công sức để sưu tầm, lựa chọn tài liệu xây dựng chủ đề và thiết kế giáo án. Mỗi thầy cô giáo ở mỗi bộ môn có một cách truyền đạt khác nhau nhưng qua trò chuyện với học sinh trong trường, chúng tôi cảm nhận được đa số các em đều rất thích những buổi học lồng ghép như vậy. Đặc biệt, từ khi Nhà trường xây dựng mô hình quần đảo Trường Sa, học sinh thường xuyên được các thầy cô giáo giảng dạy trực tiếp qua mô hình trực quan này nên các em tỏ ra rất hào hứng với môn học. Em Nguyễn Huyền Trang, học sinh lớp 7C cho biết: Trước kia em chỉ được tìm hiểu về 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa qua những hình ảnh, tài liệu thầy, cô sưu tầm đưa vào giảng dạy. Bây giờ được học trực tiếp qua mô hình em dễ hình dung hơn. Có thêm kiến thức em thấy càng thêm yêu biển, đảo quê hương, yêu các chú hải quân đang làm nhiệm vụ nơi đảo xa và luôn tự nhắc mình phải chăm chỉ học tập, tích cực tham gia các hoạt động góp phần gìn giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng.
Trước khi chia tay chúng tôi, thầy giáo Phạm Bá Mai chia sẻ thêm: Điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được trang bị đầy đủ, hiện đại như hiện nay đã giúp giáo viên thuận lợi hơn trong việc xây dựng bài giảng, đổi mới phương pháp dạy học khi tích hợp, lồng ghép kiến thức về biển đảo vào các môn học liên quan. Tuy nhiên, đích mà Nhà trường hướng tới là làm thế nào để bài học thu hút được học sinh, khơi dậy được tinh thần tự học, tự khám phá để các em tự chiếm lĩnh kiến thức. Thời gian tới, cùng với việc tích cực đưa các mô hình trực quan về biển đảo vào giảng dạy, Nhà trường sẽ đẩy mạnh hơn nữa các phong trào, cuộc thi liên quan đến chủ đề này.