Là vùng đất giàu truyền thống cách mạng với 24/24 xã, thị trấn được công nhận là xã an toàn khu (ATK), những năm qua, huyện Định Hóa đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử đảng bộ địa phương tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Là Trung tâm ATK thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, hiện nay, trên địa bàn Định Hóa có 128 điểm di tích lịch sử cách mạng, văn hóa; đã có 25 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, 26 di tích xếp hạng cấp tỉnh và 3 di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng chính là động lực quan trọng cho sự phát triển, từ năm 2001, Đảng bộ huyện Định Hóa đã triển khai Đề án “Giáo dục truyền thống cách mạng trên quê hương Định Hóa, giai đoạn 2001-2005”. Nhiệm kỳ 2006-2010 và 2011-2015, BCH Đảng bộ huyện tiếp tục triển khai Đề án “Tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác giáo dục truyền thống cách mạng trên quê hương Định Hóa”. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2015-2020, BCH Đảng bộ huyện đã xây dựng kế hoạch nhằm tăng cường công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử; tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử đảng bộ địa phương đến đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân, trong đó trọng tâm là thế hệ trẻ.
Hằng năm, Huyện ủy Định Hóa đã chỉ đạo các trung tâm bồi dưỡng chính trị tuyên truyền lồng ghép cho các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ cho cán bộ MTTQ, các đoàn thể, các lớp dành cho đối tượng kết nạp Đảng, đảng viên mới. Trung bình mỗi năm, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện tổ chức từ 28-30 lớp cho trên 2.600 học viên. Cùng với đó, trong các hội nghị giao ban với đội ngũ báo cáo viên, Ban Tuyên giáo Huyện ủy còn thông tin, định hướng để đội ngũ này tăng cường công tác tuyên truyền lịch sử cách mạng đến đông đảo cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân. Phòng Giáo dục và Đào tạo thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, tổng phụ trách Đội, đặc biệt là giáo viên dạy bộ môn Lịch sử, Giáo dục công dân về lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng của huyện. Từ định hướng, chỉ đạo của huyện, ngành Giáo dục, các nhà trường đã có nhiều giải pháp lồng ghép tuyên truyền về lịch sử địa phương vào các bài giảng phù hợp.
Thực tế tại Trường THPT Bình Yên, chúng tôi nhận thấy, Nhà trường đã có nhiều cách làm sáng tạo trong tuyên truyền, giáo dục lịch sử cách mạng. Ở bộ môn Lịch sử, theo phân phối chương trình lớp 10, lớp 11 có 1 tiết dạy về lịch sử địa phương; lớp 12 là 2 tiết. Nhà trường chỉ đạo tích hợp giảng dạy lịch sử địa phương vào các bộ môn phù hợp với nội dung bài giảng từng môn tránh rập khuôn, máy móc, khiên cưỡng. Đơn cử, đối với môn Giáo dục công dân, tích hợp, giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc và tinh thần cách mạng cho thế hệ trẻ khi dạy về tác phẩm Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh… Ngoài các tiết học theo phân phối chương trình ở trên, các tiết học có liên quan đến các sự kiện, di tích, nhân vật lịch sử tại địa phương, giáo viên đều kết hợp liên hệ, giới thiệu cho học sinh hoặc yêu cầu học sinh sưu tầm tư liệu, tranh ảnh liên quan.
Trao đổi cùng chúng tôi, cô giáo Nông Thị Hảo, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết thêm: Nhà trường tổ chức nhiều chuyên đề giáo dục ngoài giờ lên lớp, như: Các chuyến thực tế về nguồn, cho học sinh tham quan kết hợp dọn vệ sinh các điểm di tích trong quần thể Di tích lịch sử - danh thắng ATK Định Hóa; trải nghiệm làm hướng dẫn viên du lịch tại ATK Định Hóa; tổ chức cuộc thi “Tự hào di sản quê em”; tổ chức hoạt động ngoại khóa với chủ đề “ATK Định Hóa với kháng chiến chống thực dân Pháp”; mời cán bộ Ban Quản lý Di tích đến trường tuyên truyền… Những hoạt động giáo dục trên giúp các em hào hứng ôn lại bề dày truyền thống lịch sử của cha ông trên chính mảnh đất mà mình đang sinh sống, hơn nữa còn có thêm nhiều hiểu biết về di sản của quê hương Thái Nguyên nói chung. Qua đó, khơi dậy tình yêu quê hương, niềm tự hào về truyền thống lịch sử của thế hệ cha anh, các em học sinh đã ý thức được tinh thần trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn và bảo vệ, phát huy giá trị của các di sản.
Ngoài công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử cách mạng, huyện Định Hóa còn đặc biệt quan tâm đến công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử. Đến thời điểm này, huyện đã xuất bản 29 đầu sách, tiêu biểu như các cuốn: Vài nét về truyền thống lịch sử cách mạng huyện Định Hóa từ năm 1930 đến nay; Lịch sử biên niên huyện Định Hóa (1438-2010); Đề cương giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng huyện Định Hóa; ATK Thủ đô kháng chiến; Lịch sử Đảng bộ huyện Định Hóa (1945-2016)... Đã có 22/24 xã, thị trấn biên soạn và phát hành được lịch sử đảng bộ địa phương. Đây là những tư liệu quan trọng phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ và các du khách khi đến thăm ATK Định Hóa.