Nghỉ học nhưng không dừng hoạt động giáo dục

08:12, 08/02/2020

Hơn 20 nghìn giáo viên và trên 300 nghìn học sinh các cấp, bậc học trên địa bàn toàn tỉnh nghỉ học để phòng ngừa dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona gây ra. Mặc dù không thực hiện hoạt động dạy và học trực tiếp trên lớp, nhưng thời gian này, 100% đội ngũ giáo viên toàn ngành Giáo dục - Đào tạo vẫn duy trì quân số thực hiện các hoạt động giáo dục, bảo đảm việc học tập cho học sinh bằng nhiều hình thức khác nhau.    

Nghỉ học, giáo viên không nghỉ việc

Là một trong những đơn vị đi đầu trong việc chủ động xây dựng kế hoạch học tập trong tình huống các trường phải nghỉ dài ngày, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) T.P Thái Nguyên đã quán triệt kỹ các phương án phòng dịch bệnh đến toàn bộ gần 5.000 giáo viên thuộc 164 cơ sở giáo dục công lập, tư thục và các nhóm trông giữ trẻ. Đặc biệt, phương án chủ động xây dựng hệ thống học liệu về ôn tập các môn học và khai thác các kênh dạy học trực tuyến theo chuyên đề, theo các môn học do Bộ GD&ĐT phát hành hàng năm đã được Phòng khai thác triệt để, nhằm thực hiện cùng lúc hai mục đích nghỉ học nhưng cả giáo viên và học sinh không nghỉ công việc dạy và học. Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Quốc Hòa, Trưởng phòng GD&ĐT Thành phố cho biết: “Gần 80 nghìn học sinh các cấp, bậc học nghỉ cùng lúc mà không có biện pháp tổ chức học tập, quản lý tốt, chắc chắn sẽ xảy ra nhiều vấn đề phức tạp trong những ngày nghỉ học. Đa số học sinh từ bậc tiểu học trở lên đến hết THCS đều ở nhà không có sự giám sát của phụ huynh, vì cha, mẹ các em vẫn phải đi làm như mọi ngày. Được nghỉ học mà không có người quản lý, giám sát, nhiều em sẽ “thả lỏng” bằng cách ngủ cả ngày, hoặc tụ tập, rủ nhau đi chơi, thậm chí lao vào chơi game… Chính vì vậy, Phòng đã chủ động hướng dẫn toàn bộ đội ngũ giáo viên ngay từ ngày 31- 1 chuẩn bị các bài ôn tập theo chương trình sách giáo khoa, sau khi nhận được thông tin về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp từ cấp trên. Đúng ngày 4-2, thực hiện kế hoạch nghỉ học của tỉnh, Phòng đã triệu tập toàn bộ cán bộ quản lý các trường tập huấn về phòng dịch và kỹ thuật công nghệ thông tin trên các thiết bị máy tính, điện thoại thông minh để giao nhiệm vụ cụ thể công việc tổ chức ôn tập, xây dựng nguồn học liệu và giám sát quá trình học tập của học sinh thông qua các thiết bị thông tin. Đặc biệt, hàng ngày, thường xuyên kết nối trực tuyến, giáo viên tương tác với học sinh trong quá trình ôn tập. Kết quả hàng ngày được giao nộp lại Ban giám hiệu các trường và báo cáo Phòng GD&ĐT. Kết quả này là căn cứ để đánh giá hoạt động của giáo viên tương tác, dạy học như thế nào với học sinh”.

Thầy giáo Lưu Đình Quy, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Tân Lập chia sẻ: Ngay sau ngày nghỉ học, ngày 5-2, đội ngũ giáo viên toàn trường có mặt và thực hiện các thao tác hướng dẫn học sinh, phụ huynh cài đặt các phần mềm lên điện thoại thông minh và máy tính tại nhà qua hình ảnh đồ họa và được gửi qua tin nhắn, Zalo, Facebook… Đây là lần đầu Trường thực hiện ôn tập, dạy học bằng công nghệ thông tin ở diện rộng đến trên 550 học sinh và tương tác với 30 giáo viên các môn học, nên rất thú vị. Đến hơn 10 giờ tối 5-2, vẫn còn hơn chục thầy, cô giáo ngồi tại Trường trực tiếp “chat” với học sinh về cách làm bài tập, mỗi điện thoại trả lời hàng nghìn cuộc thoại “chat” trên Zalo, Facebook…Và thiết bị nào cũng phải dự phòng sạc pin. Rút kinh nghiệm, hôm sau 6-2, Trường thống nhất giao bài tập theo thời gian làm bài và bắt đầu từ 7 giờ 30 phút sáng, đến 8 giờ 30 phút; chiều tối từ 6 giờ, đến 7 giờ 30 phút. Học sinh bắt đầu làm bài, phần mềm máy chủ tại Trường có thể giám sát luôn thời gian làm bài tập”.

Học sinh Lê Nguyễn Thương Anh, Trường THCS Tân Lập (lớp 6A4) học trực tuyến qua máy tính và điện thoại thông minh tại nhà, dưới sự giám sát của phụ huynh.

Đối với các địa phương miền núi thì việc triển khai ôn tập giao bài điện tử bằng công nghệ thông tin có phần khó hơn, nhưng các trường đã thực hiện cùng lúc cả in tài liệu giấy, photo chuyển đến tận tay giáo viên và lập nhóm học tập trên Zalo, Facebook, hộp thư điện tử… để gửi bài cho học sinh. Cô Nguyễn Thị Hòa, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THPT Phú Lương cho rằng: “Khi thực hiện ôn tập, giao bài tập điện tử và có tương tác giữa giáo viên với học sinh, học sinh phát biểu nhiều hơn trên lớp và các em có thể trực tiếp tham khảo kiến thức cùng thời điểm qua nhiều kênh thông tin. Tất nhiên giáo viên sẽ bận rộn hơn, nhất là phải soạn ra nhiều phương án bài tập giao cho từng nhóm học sinh theo năng lực học tập các em. Bên cạnh việc tổ chức ôn tập bằng công nghệ thông tin, Trường còn in ra hàng trăm bộ tài liệu ôn tập chuyển đến cho gần 500 em/tổng số gần 2.000 học sinh diện gia đình khó khăn và không có các thiết bị điện tử thông minh hoặc không thể kết nối Internet”. 

Khuyến khích học sinh học trực tuyến 

Đối với hình thức học trực tuyến đòi hỏi tính đồng bộ về thiết bị, thời gian và sự tương tác chặt chẽ hơn, giáo viên còn phải làm “diễn viên” trước ống kính. Trường THPT Bình Yên (Định Hóa) cũng đã thực hiện một vài tiết dạy học trực tuyến bằng thiết bị điện thoại di động thông minh (smart phone). Cô giáo Nông Thị Hảo, Hiệu trưởng Nhà trường nhận xét: “Dạy học trực tuyến học sinh có thể tua đi, tua lại những phần chưa hiểu rõ, hoặc lưu lại để xem sau. Đây là cách dạy và học khá mới với giáo viên và học sinh miền núi, nhưng không phải xa lạ. Khó khăn chính là điều kiện về thiết bị của cả giáo viên và học sinh còn thiếu, chưa đồng bộ. Nhưng thực tế sử dụng công nghệ thông tin vào dạy học như mấy ngày nghỉ phòng dịch là rất hiệu quả. Giáo viên hoàn toàn kiểm soát được học sinh và chủ động giao bài theo năng lực các em. Mặc dù khó khăn, nhưng Trường vẫn thực hiện nghiêm chế độ ôn tập và giao bài cho học sinh, định lịch trả bài tập… nên hạn chế tình trạng được nghỉ là học trò lêu lổng chơi”.

Theo thống kê ban đầu hết ngày 7-2, các trường: THCS Độc Lập, Tân Thành, Tân Lập, Hương Sơn, 915... trên địa bàn T.P Thái Nguyên đã có hơn 70% số học sinh nộp bài tập qua hộp thư điện tử. Các trường: THPT Phú Lương, THPH Bình Yên đã nhận được từ 60-70% kết quả làm bài tập của học sinh qua thiết bị điện tử thông minh. Bên cạnh đó, các trường cũng đã xây dựng hệ thống học liệu phong phú ngay trên trang điện tử của trường gồm dạy học trực tuyến và phương pháp hỗ trợ dạy học bằng đồ họa… Từ thực tế này có thể thấy ngành Giáo dục đã khắc phục những khó khăn trước những ảnh hưởng của dịch bệnh, bảo đảm duy trì hoạt động dạy và học bằng nhiều hình thức mới sinh động, phong phú.