Lớp học 2A, Trường Tiểu học số 1 Nam Hòa (Đồng Hỷ) đang thực hiện chia nhóm trong bài học tư duy sáng tạo, bỗng có tiếng la hét, kèm theo tiếng xô đẩy bàn ghế, đồ dùng. Cậu bé Dương Đức Bảo như không chấp thuận điều gì đó của nhóm, đã phản ứng dữ dội rồi chạy sang các nhóm khác quậy phá làm không gian phòng học trở nên hỗn loạn. Lập tức các cô giáo phải can thiệp và đưa Bảo ra khỏi lớp để dỗ dành và ổn định trật tự.
Cô giáo Dương Thị Oanh, chủ nhiệm lớp 2A tâm sự: “Một lớp học có 35 em học sinh, chỉ có 1 em “đặc biệt” thôi mà không theo dõi sát sao là gần như không thể tổ chức lớp ổn định được. Mỗi khi chứng tăng động của học trò Dương Đức Bảo trỗi dạy, gần như mọi thứ trật tự bị đảo lộn. Chính vì vậy, giáo viên trực tiếp đứng lớp luôn căng thẳng và phải biết tiết chế cảm xúc, kết hợp các phương pháp giáo dục tâm lý và dùng tình cảm yêu thương, gần gũi với trẻ để giúp các em trở lại trạng thái cân bằng tâm lý”.
Còn cô Nguyễn Thị Bích Liên, Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Ngày nào đến lớp, tôi cũng phải cùng giáo viên chủ nhiệm đi tìm cậu học trò Hoàng Văn Tú, lớp 4A. Mỗi khi giải lao, Tú lại lẩn mình vào góc khuất trong Trường như thể trốn tránh ai đó. Bạn trong Trường đến gần lập tức bị Tú thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Tú là học sinh mắc chứng trầm cảm, sống với bà, còn bố, mẹ đều đi làm xa, lâu lâu mới về.
Cô Liên cho biết thêm: Quá trình dạy học sinh khuyết tật, Nhà trường đã gặp không ít khó khăn. Đa số phụ huynh đều không chấp nhận việc con cái mình mắc các khuyết tật. Có những gia đình hàng năm trời luôn tỏ thái độ bức xúc với giáo viên, phụ huynh, cho rằng giáo viên đối xử phân biệt. Cũng có lúc mẹ lăng mạ cô giáo và tìm cách gây áp lực đổi giáo viên, chuyển lớp, chuyển trường… Nhưng cứ sau mỗi năm học, các em biết đọc, biết viết, biết làm toán… là chúng tôi rất mừng, gia đình cũng từ đó thêm niềm tin với Nhà trường, với giáo viên.
Hiện tại, Trường Tiểu học số 1 Nam Hòa có đến 14 học sinh mắc các chứng khuyết tật đang theo học hòa nhập. Mỗi em một dạng khuyết tật, việc dạy học đã khó khăn thì công việc chăm sóc các em còn khó khăn hơn. Nếu như đưa các em về môi trường giáo dục khuyết tật chuyên biệt khi bệnh trạng chưa quá nặng, thì cơ hội hòa nhập cộng đồng cho các em sẽ khó hơn. Chính vì vậy, Nhà trường luôn xác định giáo dục gắn liền với nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe học sinh, để các em phải đạt mức độ phổ cập giáo dục tiểu học.
Nhớ lại những ngày đầu mới nhận lớp, cô giáo Lê Thị Phương Thảo (Trường Tiểu học Thống Nhất, T.P Thái Nguyên kể: “Ban đầu, khi nhận lớp, tôi rất lo lắng và thật sự bị áp lực. Đã vài lần tôi đề xuất xin chuyển lớp, khi phụ huynh học sinh khuyết tật luôn cho rằng giáo viên phân biệt đối xử. Cả một năm học, em Giáp Khánh Hoàng không nói một câu với ai khi đến lớp. Mỗi khi bảo chào cô, em chỉ giơ cánh tay vẫy vẫy, mặt cúi gằm xuống, cười gượng gạo. Có những bài, học đi học lại cả tuần em cũng không nhớ. Nhiều lần tôi cùng lãnh đạo Trường đến thăm gia đình em, cùng động viên, chia sẻ những khó khăn trong giáo dục, nên dần dần đã tạo được sự hợp tác tốt với phụ huynh. Giáo viên cũng phải gần gũi và dành nhiều thời gian nắm bắt diễn biến tâm lý để hỗ trợ các em, để khi vào học, bản thân những học sinh này chủ động hòa nhập, theo kịp các hoạt động giáo dục với chúng bạn, không bị đơn độc, xa lánh. Chính sự tương tác giữa học sinh với học sinh tạo nên những động lực tích cực cho học sinh khuyết tật cải thiện nhanh những hạn chế của bản thân”.
Là người gắn bó nhiều năm với công việc giáo dục học sinh khuyết tật hòa nhập, cô giáo Hoàng Thu Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thống Nhất (T.P Thái Nguyên) cho biết: “Hạnh phúc nhất đối với giáo viên là nhìn thấy học sinh trưởng thành và trách nhiệm của giáo viên dạy học sinh khuyết tật là để các em hòa nhập, phát hiện những ưu điểm, tạo cơ hội tốt nhất cho các em phát huy năng lực bản thân, từ đó rèn luyện thêm để làm cơ sở cho các em phát triển sau này. Hằng năm, Trường chỉ có 12 em thuộc diện học sinh khuyết tật mức độ nhẹ. Có em trưởng thành, đi làm tại các khu công nghiệp, khi trở về Trường tay bắt, mặt mừng, cảm động trong hai tiếng “Cô xưng con”.
Ông Nguyễn Hà Sơn, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Toàn tỉnh hàng năm có hơn 1.000 học sinh khuyết tật học hòa nhập tại các trường. Bên cạnh nhiệm vụ dạy và học, các nhà trường, các địa phương thường xuyên phối hợp để chủ động cho các em học sinh này hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục tiểu học và học nâng cao, học nghề để tăng cơ hội tham gia lao động, học tập và tự chủ cho bản thân trong tương lai. Với kết quả nhiều năm duy trì đạt phổ cập giáo dục tiểu học của tỉnh, trong đó có một phần công sức, sự tận tâm, trách nhiệm cao của đội ngũ giáo viên đã và đang dạy học sinh khuyết tật hòa nhập tại các địa phương.