Lưu giữ nghệ thuật hát sli, lượn trong trường học

09:12, 12/03/2020

Vận dụng sáng tạo những giá trị văn hóa về hát sli, lượn trong cộng đồng dân cư vào hoạt động giáo dục của Trường THPT Bình Yên (Định Hóa) đã góp phần bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật dân gian. Dạy và học các môn khoa học xã hội, về giáo dục đạo đức, hành vi, lối sống, về truyền thống, lịch sử… bằng chính những ca từ sli, lượn của người Tày, Nùng là cách làm sinh động về đổi mới giáo dục qua hoạt động trải nghiệm thực tế của Trường.  

Sli, lượn là làn điệu dân ca đặc sắc của người dân tộc Tày, Nùng và trở thành nét văn hóa đặc biệt gắn bó trong đời sống của cộng đồng các dân tộc ở huyện Định Hóa. Ngày nay, các điệu hát này không chỉ là hát dao duyên của các cặp đôi trẻ, mà còn là sợi dây kết nối tình bạn, tình anh em, ca ngợi cuộc sống, giáo dục truyền thống, đạo đức... Chính những sinh hoạt dân gian hàng ngày ngay trong cộng đồng dân cư đã thôi thúc ý tưởng về việc vận dụng vào hoạt động giáo dục trong nhà trường. Cô giáo Nông Thị Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Yên cho biết: Huyện Định hóa có trên 63% số dân là dân tộc Tày, Nùng. Nơi đây là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, với múa rối cạn, hát then, nghệ thuật hát sli, lượn... Trường THPT Bình Yên nằm trong vùng bảo tồn nghệ thuật hát sli, lượn của huyện. Đây là cơ sở để Nhà trường triển khai các hoạt động giáo dục trải nghiệm và sinh hoạt ngoại khóa, lồng ghép giáo dục đạo đức, văn học và nghệ thuật.

Cô Hoàng Thị Vân - giáo viên dạy môn Ngữ văn, Phó Bí thư Đoàn trường là người trực tiếp tổ chức các hoạt động ngoại khóa tâm sự: “Qua khảo sát bằng phiếu thăm dò, toàn Trường có gần 90% số học sinh hiểu và biết hát sli, lượn dân tộc Tày, Nùng. Điều này đã củng cố thêm niềm tin cho chúng tôi thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật hát sli, lượn. Vấn đề là phương pháp, tạo niềm tin và tình yêu của các em về truyền thống văn hóa cổ truyền của loại hình nghệ thuật dân tộc”. 

Năm 2017, Trường thành lập Đội văn nghệ xung kích với 8 thành viên, trong đó nòng cốt là hát sli, lượn. Quá trình tập luyện, Trường có mời các nghệ nhân ưu tú, nghệ sĩ tại địa phương hàng tuần đến hỗ trợ luyện tập. Sau đó, trong các cuộc giao lưu, hội trại, lễ hội Xuân, hội làng, hội chợ và các cuộc thi văn nghệ phong trào, Trường đều đăng ký tham gia. Nhà trường liên tục đạt các giải cao và trở thành lực lượng nòng cốt văn nghệ phong trào của huyện. Các em học sinh của Trường thấy tiếng nói, lời ca, bản sắc của dân tộc mình được tôn vinh, nên thêm mến yêu và tự hào khi hát sli, lượn, tự tin hơn trong giao tiếp, trình diễn trước cộng đồng dân cư. Đến nay, Trường THPT Bình Yên đã có 3 câu lạc bộ văn hóa dân gian, thu hút từ 20-30 thành viên nòng cốt. 

Khi chia sẻ về những nét hay, nét đẹp mà sli, lượn dân tộc Tày, Nùng mang lại trong sinh hoạt ngoại khóa và rèn luyện kỹ năng cảm thụ văn học, em Ma Thị Thúy, học sinh lớp 10A2 (tác giả đạt giải Nhì có đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cho học sinh phổ thông cấp tỉnh năm 2019), đã tự tin hát: “Thặt cằm cạ đuổi pì noọng ơi! /Mà lầu xùa căn tát nặm khửn xa giang pây hắt (ơ hỡi) nà/ Mà lầu xùa căn tát nặm khửn xa giang pây hắt khấu/ Nhất hậu ngoằn lăng ná pần khấu cụng pần (ơ hỡi) nà” (Dịch nghĩa: Này bạn hỡi!/ Cùng nhau tát nước lên núi cao để làm ruộng/ Cùng nhau tát nước lên núi cao để trồng lúa/ Tương lai về sau không thành lúa thì cũng thành ruộng…). 

Còn em Phạm Huyền Trang (đồng tác giả đề tài khoa học đạt giải Nhì cấp tỉnh), lớp 10A2, cho biết: “Cũng là ca ngợi Đảng ta, ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng, ca ngợi ATK Định Hóa, hoặc nói về giá trị nghệ thuật, bối cảnh lịch sử của bài thơ Việt Bắc
mà được cải biên thành những câu hát lượn, sli, chắc chắn mọi người sẽ dễ nhớ và nhớ lâu hơn. Chúng em luôn duy trì sinh hoạt Câu lạc bộ Văn hóa dân gian mỗi tuần một buổi. Sau các buổi sinh hoạt, các nhóm chọn ra tiết mục hay nhất để tối cuối tuần có thể khớp nhạc và hát trên hệ thống truyền thanh của Trường”. 

Để duy trì hoạt động các câu lạc bộ văn hóa dân gian trong nhà trường phổ thông, những năm qua, phải kể đến sự hỗ trợ tích cực của các nghệ nhân tại địa phương. Cô Nông Thị Hảo, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Hàng tháng, Trường đến mời các bác nghệ nhân ưu tú như: Hoàng Luận, Nông Đình Long và một số bậc cao niên trong khu dân cư đến cùng tham gia sinh hoạt câu lạc bộ với giáo viên và học sinh. Đây chính là cầu nối giữa các thế hệ nghệ thuật sli, lượn để không bị thất truyền. Hát cũng là học, cải biên, tự sự trong ca từ cũng là rèn luyện chữ nghĩa và nết người. Những hoạt động này đã mang lại tính giáo dục cao, đó chính là mục đích dạy và học của Trường. Nhưng mục đích lớn hơn chính là Nhà trường bước đầu thực hiện dạy học gắn với văn hóa, lịch sử địa phương. Trong những năm tới, Trường sẽ triển khai thêm các lĩnh vực thực tế về khoa học tự nhiên và môi trường.   



Chứng chỉ ielts là gì