Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cuối tháng 3-2020, các nhà trường phải “chốt” phương án chọn sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới để áp dụng giảng dạy từ năm học 2020-2021. Đến nay, công đoạn chọn sách giáo khoa đang được các nhà trường tập trung cao độ lựa chọn từng cuốn sách. Làm thế nào để bảo đảm phù hợp với học sinh, phù hợp với địa phương là vấn đề có nhiều ý kiến băn khoăn.
Giao quyền cho nhà trường
Theo thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, trong đó giao nhiệm vụ cho các trường học thành lập hội đồng lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ở đơn vị mình. Đây chính là biện pháp để kịp thời thực hiện Luật Giáo dục năm 2019, khi đến ngày 1/7/2020, Luật có hiệu lực, trong khi sách giáo khoa lớp 1 phải được tổ chức lựa chọn từ đầu năm 2020 để kịp thời cung cấp, sử dụng từ năm học 2020-2021. Chính vì vậy, mỗi nhà trường thành lập một hội đồng lựa chọn sách giáo khoa và yêu cầu bắt buộc phải có ít nhất 2/3 số thành viên là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên, có sự tham gia của đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường. Sách giáo khoa được lựa chọn phải nằm trong Danh mục sách giáo khoa lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông. Thông tư nêu rõ quy trình lựa chọn, trong đó tổ chuyên môn có trách nhiệm nghiên cứu, thảo luận, đánh giá sách giáo khoa của các môn học, hoạt động giáo dục; hội đồng họp, đánh giá đề xuất danh mục lựa chọn sách giáo khoa của tổ chuyên môn và bỏ phiếu lựa chọn...
Việc các nhà trường có thể được giao quyền lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020-2021, trong bối cảnh giáo viên tiểu học vừa lo chạy chương trình và dạy học trực tuyến, ôn tập cho học sinh khi nhà trường không tổ chức dạy học tập trung để phòng, chống dịch COVID-19 khiến một số phụ huynh học sinh và đại diện lãnh đạo các nhà trường băn khoăn, lo lắng. Ông Hoàng Văn Tân, ở xã Nam Hòa (Đồng Hỷ), phụ huynh học sinh Trường Tiểu học số 1 Nam Hòa cho rằng, việc đưa đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh của trường vào thành phần hội đồng lựa chọn sách giáo khoa chỉ mang tính hình thức. Bởi, thời điểm triển khai, họ là phụ huynh của những học sinh đang học từ lớp 1 đến lớp 5 - đối tượng không tham gia học chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Sớm nhất cũng phải đến tháng 8-2020, học sinh lớp 1 năm học 2020-2021 mới tựu trường. Như vậy, phụ huynh học sinh của lớp 1 theo học chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới lại không phải là đối tượng được tham gia vào hội đồng lựa chọn sách giáo khoa.
Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dân Tiến 1 (Võ Nhai) Nguyễn Thị Phượng: Việc quyết định lựa chọn bộ sách nào để sử dụng là trách nhiệm rất nặng nề đối với mỗi nhà trường. Công đoạn này cần phải được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ và minh bạch. Để lựa chọn được bộ sách phù hợp, thậm chí cán bộ, giáo viên, học sinh phải được dạy thử, học thử... Tuy nhiên trong hoàn cảnh thực tế hiện nay, toàn bộ Hội đồng thẩm định sách của Trường phải tập trung cao và đưa ra những ý kiến lựa chọn sát thực tế mà cũng phù hợp với hoàn cảnh chung của địa phương. Khó khăn với Trường Tiểu học Dân Tiến 1 là có đến 4 điểm trường, trong đó có điểm trường học sinh dân tộc Mông chiếm gần 80%, thì việc sử dụng sách giáo khoa mới sẽ khó hơn, khi các em vào lớp 1 chưa thông thạo tiếng phổ thông. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rất lo lắng khi sách đẹp thì chắc chắn giá sẽ không hề thấp so với thu nhập người dân vùng cao. Chính vì vậy sau khi chọn xong lại phải xây dựng chính sách về mua sách giáo khoa. Về chuyên môn, khó khăn thì đội ngũ giáo viên có thể khắc phục được, nhưng khó có thể thuận lợi bằng các khu vực có điều kiện kinh tế khá hơn…
Đồng quan điểm này, cô giáo Hà Hoàng Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Thượng 1 (Võ Nhai) chia sẻ: “Trường còn có điểm trường xóm Cao Biền không có điện, nên việc thực hiện dạy học công nghệ là không khả thi”.
Với trường khu vực thành phố Thái Nguyên cũng có những khó khăn riêng. Cô giáo Hoàng Thu Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung cho biết: “Về tổng quan thì rất chất lượng, quan trọng là đội ngũ giáo viên phải chủ động đón nhận và cuối cùng là nâng cao chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông mới, mỗi lớp học không quá 35 học sinh, mà các trường khu vực thành thị hầu như đều quá tải, vượt trên 40 học sinh. Đây là những vấn đề mà bản thân giáo viên và nhà trường khó có thể giải quyết được”.
Học sinh Trường Tiểu học Tân Thành 1 (T.P Thái Nguyên) tham gia học tập tại thư viện thông minh, bổ trợ cho việc tiếp nhận kiến thức sách giáo khoa mới.
Khó quy định cụ thể tiêu chí lựa chọn
Theo đồng chí Phan Thị Phương, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Võ Nhai: Về cơ bản chất lượng 5 bộ sách được công bố và phát về các trường đều đạt chất lượng cao, gắn với yêu cầu đổi mới, phát huy tính sáng tạo của học sinh, nhưng nếu không thống nhất về bộ khung chuẩn, thì sẽ khó cho các trường, dễ mỗi trường dạy theo một cuốn sách trong bộ sách, hoặc khi thi giáo viên dạy giỏi sẽ rất khó trong đánh giá và phức tạp trong các chi tiết xây dựng thang bảng điểm… Tất cả các bản mẫu sách giáo khoa có trong Danh mục sách giáo khoa lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông đều được biên soạn theo chuẩn kiến thức, kỹ năng quy định, song cách thức thể hiện ở từng bản sách lại khác nhau, nhằm đáp ứng cho đối tượng học sinh ở các địa bàn. Nếu không có hướng dẫn cụ thể và các tiêu chí rõ ràng về việc lựa chọn sách, sẽ rất khó cho các nhà trường trong việc đưa ra quyết định phù hợp. Còn khi lấy ý kiến giáo viên nếu đề ra tiêu chí cụ thể quá, rất dễ rơi vào tình trạng “địa phương hóa”, còn nếu chỉ nêu ra các tiêu chí chung chung thì không cần thiết. Vì thế, nên chăng, sau khi các trường đã có nhận xét, đánh giá thì Phòng GD&ĐT sẽ tập hợp toàn bộ các ý kiến và thành lập hội đồng để chọn một bộ sách chung cho cả địa phương”.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Quang (T.P Thái Nguyên) Nguyễn Thị Soi chia sẻ: “Chúng tôi cũng cho rằng, nếu một trường học chọn một bộ sách giáo khoa thì sẽ gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, điều hành vì còn liên quan đến việc chỉ đạo chuyên môn. Vì thế, sau khi các trường đã có nhận xét, đánh giá thì các phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT sẽ tập hợp toàn bộ các ý kiến và thành lập hội đồng để chọn một bộ sách chung cho cả địa phương. Trong trường hợp nếu một đơn vị chọn một bộ sách khác nhau thì ngành cũng phải cân nhắc để chỉ đạo việc ra đề, kiểm tra, đánh giá học sinh”.
Mặc dù việc tham gia lấy ý kiến của đông đảo đội ngũ giáo viên và các trường trên địa bàn toàn tỉnh đang trong giai đoạn tập hợp để ngành GD&ĐT chuẩn bị trình UBND tỉnh quyết định lựa chọn, nhưng các ý kiến đều đã phản ánh tính tích, quyết tâm trong mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện.