Các nhà mạng căng mình hỗ trợ dạy học trực tuyến

11:43, 25/04/2020

Hạ tầng chưa đáp ứng đồng bộ, việc hàng trăm nghìn học sinh và giáo viên lần đầu tiên cùng tham gia dạy và học trực tuyến để phòng tránh dịch COVID-19 đã dẫn đến sự cố nghẽn, gián đoạn đường truyền… Nhằm hỗ trợ cho hoạt động  này, các nhà mạng đã huy động tối đa nhân lực, khai thác triệt để phương tiện, thiết bị để duy trì đường truyền…

Trong thời gian các trường học tạm nghỉ học, đội ngũ giáo viên phải thao tác thuần thục máy tính, điện thoại thông minh trên nền tảng kiến thức về công nghệ thông tin. Đây là công việc chủ yếu dành cho đội ngũ giáo viên, nhân viên công nghệ thông tin và thiết bị trường học lâu nay vẫn duy trì tại các nhà trường. Chính điều đó đã khiến cho không ít giờ học bị gián đoạn, hoặc chậm thời gian biểu, thậm chí phải tổ chức dạy và học lại. Sau tuần đầu của tháng 2-2020, khi giáo viên và học sinh đã vượt qua giai đoạn “làm quen” thì quá trình dạy, học lại phát sinh khó khăn mới: Hạ tầng các nhà mạng không đáp ứng được yêu cầu dạy và học trực tuyến. Đây cũng là “tình huống ngoài kịch bản” của các nhà mạng (Viettel và VNPT) bởi từ trước đến nay đa số chỉ tổ chức các cuộc họp trực tuyến, dạy học từ xa với mức độ dưới 1.000 người tham gia và tương tác.

Ông Đào Duy Thái, đại diện Viettel Thái Nguyên chia sẻ: “Sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán là đến đợt nghỉ do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hoạt động học tập và làm việc tại nhà tăng đột biến. Đặc biệt nhu cầu học trực tuyến tăng lên từng giờ, đòi hỏi nhà mạng liên tục phải xử lý sự cố 24h/24h để khắc phục trong điều kiện có thể. Nhu cầu sử dụng trung bình gấp khoảng 30-50 lần so với thời điểm trước khi xảy ra dịch. Riêng đội ngũ chăm sóc khách hàng, tại thời điểm tháng 3-2020 phải trả lời mỗi ngày gần 5.000 cuộc điện thoại, trong đó chủ yếu là giáo viên và học sinh thắc mắc sự cố. Nhưng cũng có nhiều cuộc điện thoại hỏi về kỹ thuật máy tính, công nghệ thông tin, thao tác sử dụng các công cụ phần mềm hỗ trợ dạy học trực tuyến... Với lưu lượng như vậy, trong khi hạ tầng chưa thể đáp ứng, nhất là với các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa chưa phủ sóng, chưa có đường truyền, thì khó xử lý đồng bộ được. Trước những vấn đề về sự cố, các nhà mạng đã nỗ lực khắc phục bằng can thiệp kỹ thuật; đồng thời không tăng cước, phí và hướng dẫn người sử dụng dịch vụ các gói miễn phí trong thời điểm phòng, chống dịch”.

Được biết, Viettel Thái Nguyên đã nâng cấp hệ thống Viettel Study đảm bảo được số lượng học sinh và giáo viên tham gia học trực tuyến qua hệ thống Viettel Study và tăng gấp đôi băng thông đối với các thuê bao Internet Viettel đảm bảo để học sinh, giáo viên có thể làm việc tại nhà. Đến thời điểm 15-4, Viettel đã cung cấp miễn phí 759 đường truyền internet tốc độ cao (652 trường học trong toàn tỉnh) và đã được nâng băng thông gấp đôi đảm bảo được tốc độ khi giáo viên và học sinh tham gia các khóa học trực tuyến.

Ông Lý Tiến Hải, chuyên viên phụ trách lĩnh vực công nghệ thông tin của Sở Giáo dục - Đào tạo cho biết thêm: Từ tháng 3, sau khi có kế hoạch tăng cường dạy học trực tuyến, ngành đã được Viettel cấp tài khoản học trực tuyến qua hệ thống Viettel Study hoàn toàn miễn phí cho 284 trường/304 trường đăng ký, với 37.594/125.216 tài khoản đã được tạo thường xuyên tham gia học và dạy học trực tuyến trên hệ thống. Hiện tại, Viettel đang miễn phí data cho các thuê bao di động Viettel khi truy cập và sử dụng hệ thống dạy - học trực tuyến Viettel Study và đưa ra các gói cước data ưu đãi cho giáo viên và học sinh khi tham gia học trên Zoom và Msteam. 

Đối với VNPT Thái Nguyên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc cho biết thêm: VNPT phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo triển khai miễn phí giải pháp giáo dục điện tử VNPT ELearning phục vụ công tác dạy và học từ xa. Đây là giải pháp đào tạo trực tuyến có ưu điểm bảo mật cao. Bên cạnh đó, VNPT Thái Nguyên đã miễn phí toàn bộ cước data 3G/4G cho giáo viên, học sinh học tập trên hệ thống; miễn phí máy chủ ảo hoặc chỗ đặt máy chủ phục vụ lưu trữ dữ liệu, bài giảng cũng như hoạt động trực tuyến của các trường. Hỗ trợ miễn phí hạ tầng công nghệ, thông tin cho các cơ sở đào tạo và mới đây nhất là chính sách “Dạy học từ xa - Thả ga kết nối” nâng băng thông lên đến 300Mbps cho các trường học đang sử dụng hoặc đăng ký mới dịch vụ Internet Fiber VNN của VNPT.       

Có thể thấy, những khó khăn phát sinh từ thực tiễn đã trang bị thêm cho không chỉ đội ngũ giáo viên về phương pháp tổ chức dạy học trực tuyến mà còn trang bị thêm cho các nhà mạng những mục tiêu mới phục vụ các nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh cũng như nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Được biết, việc sử dụng không gian mạng và dạy học trực tuyến sẽ được ngành Giáo dục tiếp tục áp dụng sâu theo chuyên đề và bồi dưỡng kiến thức cho học sinh lớp 9 chuẩn bị thi tuyển sinh vào lớp 10 và học sinh lớp 12 trong thời gian tới.



Tổng Đài Lắp Mạng Fpt Bình Thuận Đơn vị cung cấp Mobifone: Khơi Dậy Đam Mê uy tín chương trình ielts hiệu quả