Cần đổi mới phương pháp đào tạo sư phạm

09:37, 14/04/2020

Trước những yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân sư phạm. Bên cạnh các chuẩn đầu ra được công bố hàng năm, thì chất lượng đào tạo còn được nhà trường phổ thông, trường mầm non tham gia đánh giá qua“sản phẩm”sinh viên thực tế và thực tập sư phạm...

Làm thế nào để giáo sinh ra trường có thể tự tin bước lên bục giảng bằng cả lòng nhiệt huyết và sức sáng tạo của người trẻ tuổi? Làm thế nào để người giáo viên luôn mẫu mực về tri thức, đạo đức và chủ động hội nhập quốc tế, khi nền kinh tế thị trường có sự tham gia của giáo dục quốc lập, dân lập và cả nhập khẩu, đầu tư nước ngoài?… Đó là những trăn trở của các nhà giáo dục và quản lý giáo dục hiện nay.

Tại chương trình xây dựng kế hoạch bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện (theo chương trình hàng năm) được tổ chức trực tuyến cuối tháng 3-2020, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Quốc Hòa, Trưởng  phòng Giáo dục và Đào tạo T.P Thái Nguyên chia sẻ: Khi còn là Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (TP.Thái Nguyên) tôi thấy sinh viên thực tập sư phạm hiện nay rất thiếu kỹ năng mềm. Các em lúng túng khi làm chủ một buổi sinh hoạt tập thể hay làm chủ một giờ học. Nếu như điều này được rèn luyện kỹ hơn từ khi học đại học chắc chắn sẽ làm chủ được. Cùng là sinh viên tốt nghiệp đại học, nhưng bạn nào đã qua khóa đào tạo kỹ năng mềm, diễn thuyết chắc chắn sẽ hoạt ngôn và lôi cuốn người nghe hơn. Trong nhiều chương trình huấn luyện kỹ năng mềm có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài, các bạn sinh viên sẽ học được nhiều phương pháp tổ chức sinh hoạt tập thể cuốn hút và hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, sinh viên thực tập sư phạm cũng còn rất hạn chế về tin học, ngoại ngữ, nên khó làm chủ những tình huống bắt buộc trong hoạt động của người giáo viên hiện nay. Trong thời gian phòng chống dịch COVID-19, chúng ta thấy, tất cả giáo viên của ngành Giáo dục và Đào tạo T.P Thái Nguyên buộc phải tự học, tự thuần thục công nghệ, kỹ năng tin học.

Giáo sư Phạm Hồng Quang, Giám đốc Đại học Thái Nguyên đã thẳng thắn nhìn nhận: “Từ lâu, theo các chuyên gia giáo dục, phương pháp hoạt động của con người quyết định tố chất con người. Con người được hoạt động trong môi trường sáng tạo, sẽ có năng lực sáng tạo, hoạt động trong môi trường hợp tác, sẽ có năng lực hợp tác, còn hoạt động trong môi trường lý thuyết, sẽ có “năng lực” bắt chước, rập khuôn, thiếu sáng tạo. Nhân cách con người hình thành không chỉ bằng sự răn dạy, mang tính thuyết giáo mà phải bằng tổ chức hoạt động, từ đó tạo nên nhận thức, cảm xúc, và bản lĩnh riêng. Nhưng thực tế từ trường sư phạm, đến trường phổ thông, mầm non hầu hết giáo viên đều “ngại đổi mới”. Chính vì vậy, đổi mới và hội nhập thì nhà trường sư phạm cần là nơi tiên phong đổi mới cung cách đào tạo người thầy, để họ có thể “nhập thế” với đời sống giáo dục phổ thông, mầm non. Bởi lẽ, phương pháp đào tạo sinh viên sư phạm thế nào, sẽ ra người thầy, cô giáo dạy học cho học sinh phổ thông thế ấy.”

Còn Nhà giáo ưu tú Nguyễn Quang Thuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Thái Nguyên thì bày tỏ quan ngại về mối quan hệ giữa nhà trường sư phạm với giáo dục phổ thông: “Có một thực tế là trường phổ thông khi tiếp nhận giáo sinh thực tập thì rất vui vì đó là thế hệ giáo viên tương lai đang tiếp bước đàn anh chị vào nghề, có thể chưa có kinh nghiệm, nhưng chắc chắn có nhiều điều kiện học tập và tiếp thu những kỹ năng, kiến thức, phương pháp mới so với thế hệ đi trước, nên chúng tôi giúp đỡ hết mình. Nhưng đối chiếu lại với kết quả thi tuyển dụng  giáo viên hàng năm lại thấy thất vọng, khi chính các em này thi tuyển chỉ đạt điểm 4-5, còn điểm thực tập lại đạt 9-9,5. Rõ ràng nhà trường sư phạm và trường phổ thông đang có khoảng trống giữa đào tạo với thực tế, nhất là khâu đánh giá giữa đào tạo và tuyển dụng còn chênh nhau nhiều và chưa có những chuẩn đầu vào, đầu ra thống nhất”. Cũng từ thực tế đánh giá chất lượng sinh viên sư phạm qua thực tập và tuyển dụng mới, thầy giáo Bùi Ngọc Viễn, Giáo viên Trường Tiểu học và THCS 915 Gia Sàng thẳng thắn chia sẻ: “Tôi nghĩ, cần rèn nghề theo kiểu muốn học sinh biết bơi thì người giáo viên phải xuống bể dạy. Mỗi lần thực tập sinh đến, chúng tôi thấy càng ngày các em càng xa thực tế và cũng vắng bóng giảng viên bộ môn đại diện cho cơ sở đào tạo. Trước đây, các nhà nghiên cứu phương pháp, các giảng viên bộ môn chủ động dự giờ của cả giáo viên và sinh viên nơi có thực tập, để có đánh giá khách quan về sinh viên, giáo viên và độ vênh giữa đào tạo với thực tế. Về nghề thì các giáo sinh ý thức rất cao, xác định rõ mục tiêu, động cơ phấn đấu, rèn luyện, nhưng hình như tình cảm với học sinh trong  mỗi giáo sinh không có nhiều. Dẫn đến đôi lúc vô cảm trong hoạt động tương tác, phần lớn giáo sinh lên lớp như một cái máy tính được lập trình sẵn. Giờ đây giáo dục các cấp đều có trường quốc tế, có các giáo viên, cộng tác viên đến từ nhiều nước tham gia dạy học, rõ ràng là phong phú hơn giáo dục theo lối truyền thống của chúng ta. Nếu chúng ta không đổi mới thì sẽ tụt hậu và đào tạo nghề giáo viên có thể nói là ngày càng xa thực tiễn”.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đổi mới giáo dục và đào tạo là cấp thiết. Hiện nay, ngành Giáo dục đang ráo riết thực hiện nội dung đổi mới giáo dục với phương pháp chuyển từ tiếp cận nội dung (học sinh học được gì) sang tiếp cận năng lực của người học (học sinh làm được gì thông qua việc học); lấy học sinh là trung tâm và thầy, cô giáo giữ vị trí quan trọng trong triển khai phương pháp đổi mới đó. Tuy nhiên, để thực hiện tốt mục tiêu đổi mới, trước hết nhà trường sư phạm phải đi đầu trong đổi mới. Bên cạnh đó, các nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia giáo dục và trường sư phạm cần xây dựng hệ thống giải pháp, hệ thống cơ chế chính sách để thực hiện đổi mới mang tính đồng bộ.