Kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay cũng là căn cứ để các trường đại học, cao đẳng xét tuyển sinh. Chính vì vậy, ngay trước khi quyết định đăng ký dự thi, thí sinh cần nắm chắc những quy định chung để bảo đảm quyền lợi, cơ hội học các ngành theo và năng lực và nguyện vọng.
Theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT và Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) năm 2020, thí sinh phải thực hiện đầy đủ các điều kiện hoàn thành các bài thi để xét tốt nghiệp THPT và các điều kiện xét tuyển ĐH-CĐ. Kỳ thi tốt nghiệp năm nay sẽ tổ chức tất cả 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; 1 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (KHTN), 1 bài thi tổ hợp khoa học xã hội (KHXH). Các môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp KHTN gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học; môn thi thành phần tổ hợp KHXH gồm: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Để xét tốt nghiệp THPT, học sinh học chương trình giáo dục phổ thông phải dự thi đầy đủ 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 1 bài thi do thí sinh tự chọn một trong hai tổ hợp KHTN hoặc KHXH. Thí sinh học theo chương trình giáo dục thường xuyên phải dự thi đầy đủ 3 bài thi gồm: Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tự chọn theo tổ hợp KHTN hoặc KHXH.
Để xét tuyển ĐH-CĐ, thí sinh đã tốt nghiệp THPT phải dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp theo nguyện vọng, phù hợp với tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của các trường ĐH-CĐ. Về hình thức thi, các bài thi Toán, Ngoại ngữ, KHTN, KHXH thi theo hình thức trắc nghiệm. Bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận.
Khác với mọi năm, thí sinh có thể đăng ký và dự thi toàn bộ các bài thi trong kỳ thi, nhưng quy chế năm 2020 bắt buộc thí sinh đăng ký dự thi để xét tốt nghiệp chỉ được đăng ký 1 bài thi tổ hợp (KHTN hoặc KHXH). Đối với thí sinh tự do cũng chỉ được đăng ký dự thi các môn thi thành phần trong cùng một bài thi tổ hợp. Đây cũng chính là phương pháp sàng lọc, phân ban ngay từ đầu đối với các thí sinh, tránh thi tràn lan mà thiếu trọng tâm, dẫn đến kết quả thấp, hoặc thí sinh đăng ký quá nhiều nguyện vọng xét tuyển ĐH-CĐ mà không xác định học ngành nghề phù hợp, dễ gây tình trạng xét tuyển ảo. Ngoài ra, thí sinh là học viên khối giáo dục thường xuyên cũng được đăng ký thi môn Ngoại ngữ để lấy điều kiện xét tuyển ĐH-CĐ.
Về chính sách ưu tiên cộng điểm trong xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH-CĐ cũng có những quy đinh chặt chẽ, cụ thể hơn mọi năm trước. Quy chế thi tốt nghiệp THPT quy định “điểm xét tốt nghiệp” đã bao gồm cả điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng, mức ưu tiên không giống với mức ưu tiên trong Quy chế tuyển sinh. Để tránh việc thí sinh cộng điểm ưu tiên 2 lần, nếu trường sử dụng “điểm xét tốt nghiệp” để xét tuyển, thì phải trừ đi điểm ưu tiên đã được cộng vào trong “điểm xét tốt nghiệp” sau đó mới cộng thêm ưu tiên theo quy định của Quy chế tuyển sinh để xét tuyển. Từ ngày 1/7/2020, Luật Giáo dục 2019 chính thức có hiệu lực, do đó từ năm 2020 các trường đào tạo sư phạm sẽ không tuyển sinh trình độ trung cấp sư phạm. Chỉ tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục mầm non. Đặc biệt, Quy chế tuyển sinh năm 2020 quy định bổ sung thêm các nhóm đối tượng thí sinh được tham dự xét tuyển hoặc dự thi ĐH-CĐ gồm: Học sinh học chương trình nước ngoài, tại trường THPT ở Việt Nam được tham gia tuyển sinh. Với điều kiện, chương trình đó đã được nước sở tại công nhận và đạt trình độ tương ứng trình độ THPT của Việt Nam. Bên cạnh đó các thí sinh là người nước ngoài, có nguyện vọng học tại các trường ĐH-CĐ tại Việt Nam: Hiệu trưởng các trường ĐH căn cứ kết quả học tập THPT của học sinh (bảng điểm), kết quả kiểm tra kiến thức và năng lực tiếng Việt theo quy định về quản lý người nước ngoài học tập tại Việt Nam để xem xét, quyết định cho vào học.
Có thể nói, quy chế thi và xét tốt nghiệp THPT, xét tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2020 rất mở nhưng cũng rất chặt chẽ, để bảo đảm nguyện vọng và nhu cầu học tập nâng cao của xã hội. Đồng thời có sự phân ban, phân tầng rõ trước khi người học lựa chọn nghề phù hợp cho tương lai.