Hầu hết các thí sinh sau khi tốt nghiệp THPT đều có chung tâm lý tìm đến trường đại học, đó là khó khăn lớn trong tuyển sinh của hệ thống các trường cao đẳng nghề. Không đổi mới, đồng nghĩa với dừng hoạt động, thậm chí là giải thể. Đào tạo theo nhu cầu xã hội chính là hướng đi phù hợp với một số trường cao đẳng hiện nay.
Cung tìm cầu
Khác với các phương thức tuyển sinh những năm trước, khi người học tự tìm đến cơ sở đào tạo đăng ký nguyện vọng vào học nghề của hệ cao đẳng, các trường cao đẳng đã phải tìm đến các địa phương “khai thác” nguồn tuyển sinh. Để thực hiện việc này, không đâu khác, chính các nhà trường phải công khai năng lực đào tạo, chính sách thu hút người học và cung cấp đến xã hội những giá trị mà người học có được sau đào tạo. Học để làm gì, làm ở đâu và thu nhập thế nào? Là những vấn đề mà các trường phải trả lời, hoặc thậm chí là cam kết với xã hội.
Tiến sĩ Ngô Xuân Hoàng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật (Đại học Thái Nguyên) chia sẻ: “Trong bối cảnh cạnh tranh về nguồn tuyển sinh như hiện nay, vấn đề tư vấn tuyển sinh và phân luồng học sinh phổ thông ngay từ cuối cấp THCS rất quan trọng. Thực tế không ít sinh viên sinh sau khi tốt nghiệp đại học đã cất tấm bằng cử nhân để tham gia vào thị trường lao động, nhất là trong nhóm công nhân tuyển vào làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, như Công ty TNHH Electronic Samsung Việt Nam - Thái Nguyên (Samsung). Doanh nghiệp này không cần nhiều nhân lực đào tạo trình độ cao như đại học, cao học... Bởi khi đã đầu tư vào khu công nghiệp, trước đó doanh nghiệp đã xây dựng chiến lược nhân lực (bộ khung) về quản lý theo tiêu chuẩn và vị trí việc làm cụ thể. Trong trường hợp doanh nghiệp mở rộng sản xuất, thì nhu cầu tuyển dụng lao động trình độ cao cũng không nhiều mà phụ thuộc vào chiến lược, hiệu quả đầu tư. Xuất phát từ thực tế đó, với lợi thế là trường thành viên của Đại học vùng, đa ngành đào tạo, nghiên cứu, Trường chúng tôi đã tìm đến Samsung để liên kết đào tạo và đào tạo lại cho công nhân. Sau khi khảo sát rất kỹ, đối tác Samsung đã “đặt hàng” Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật đào tạo nâng cao trình độ cho công nhân của họ bằng hệ cao đẳng. Đồng thời, Samsung mở luôn lớp tại Công ty cho công nhân thực sự có nhu cầu đào tạo nâng cao, hoặc được bộ phận quản lý nhân sự lựa chọn. Chính vì vậy, từ năm 2016 đến nay, trung bình mỗi năm, Trường đào tạo từ 700-800 công nhân cho Công ty bậc cao đẳng. Sau đào tạo hầu như Samsung đều phân loại và tái tuyển dụng làm việc tại các vị trí cao hơn đúng với trình độ, năng lực. Đặc biệt, đây cũng là vấn đề an sinh xã hội lâu dài mà Samsung hướng đến để khi không tiếp tục làm việc tại Samsung, những công nhân được đào tạo có thể tham gia môi trường lao động khác, đúng với ngành nghề đã đào tạo”.
Được biết, các nhóm ngành nghề bậc cao đẳng mà các doanh nghiệp và Công ty Samsung đang đặt hàng với Nhà trường là: Cơ khí, Công nghệ thông tin, Tiếng Hàn Quốc. Cùng việc kết nối với các doanh nghiệp đào tạo nhân lực, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật đã chủ động liên kết với các trường đại học phía Hàn Quốc như: Đại học Busan, Jeonju đào tạo bậc đại học và cao đẳng đạt chuẩn của Hàn quốc để đào tạo các ngành: Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật Cơ khí, Công nghệ kỹ thuật Điện - Điện tử; Công nghệ ô tô. Đây chính là xu hướng đón đầu và kết nối chặt chẽ cung và cầu trong chiến lược đào tạo nhân lực tại các doanh nghiệp của Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật.
Đáp ứng nhu cầu xã hội
Đối với Trường Cao đẳng Nghề số 1 Bộ Quốc phòng (CĐN-QP), bên cạnh việc lựa chọn đối tượng tuyển sinh truyền thống là bộ đội sau khi hoàn thành nhiệm vụ, xuất ngũ thì Trường đã hướng đến đối tượng là học sinh THPT sau tốt nghiệp. Chiến lược “hút” sinh viên vào học hệ cao đẳng của Trường chính là “đón đầu -hiện đại - ứng dụng cao”. Bốn ngành nghề đang thu hút nhiều sinh viên vào học là: Công nghệ ô tô, Điện lạnh, Điện công nghiệp và Điện tử.
Tiến sĩ, Đại tá Phạm Văn Hòa - Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: “Môi năm trung bình Trường tuyển sinh được từ 300 - 500 sinh viên là học sinh mới tốt nghiệp THPT hệ cao đẳng nghề theo học. Với cơ cấu phân phối chương trình đào tạo mang tính ứng dụng cao gồm 30 nội dung học lý thuyết, 70% thực hành và thực hành trên các thiết bị công nghệ tiên tiến nhất. Sau đó sinh viên được thực tập tại doanh nghiệp sử dụng các công nghệ, thiết bị đó để làm việc thật, đồng thời sinh viên cũng được trả lương trong thời gian thực tập nghề. Rất nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đã được các doanh nghiệp nhận thực tập ký hợp đồng làm việc luôn.”
Là người từng tham gia nhiều hoạt động tư vấn tuyển sinh tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, ông Nguyễn Thành Long, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng: “Các trường nghề nói chung và hệ cao đẳng nói riêng, tương lai sẽ phát triển tốt. Vấn đề là các cơ sở đào tạo này phải xây dựng được thương hiệu và nắm chắc chiến lược phát triển kinh tế - xã hội các vùng tuyển sinh và dựa trên những quy hoạch về hệ thống, cơ cấu đào tạo.
Năm 2018, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật (Đại học Thái Nguyên) được phía Hàn Quốc thông qua Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội giới thiệu đã chọn là 1 trong 8 trường cao đẳng nghề đủ năng lực đào tạo nghề bậc cao đẳng đạt tiêu chuẩn của Hàn Quốc và ký liên kết đào tạo nguồn nhân lực. Điều đó cho thấy chất lượng các trường cao đẳng muốn phát triển phải đổi mới và đáp ứng nhu cầu xã hội trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng. Vấn đề khó khăn trong tuyển sinh cao đẳng không thuần túy chịu ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh gay gắt từ các trường đại học mà phần lớn do chất lượng đào tạo và thương hiệu của trường”.