Nữ giảng viên người dân tộc Nùng đam mê nghiên cứu khoa học

16:34, 28/10/2020

Sau những giờ giảng trên lớp, Ths. Nông Thị Anh Thư, Đại học Y - Dược (Đại học Thái Nguyên) lại dành hàng giờ đồng hồ trong thư viện, phòng thí nghiệm để nghiên cứu về những công trình, đề tài khoa học. 

Ngay từ khi còn học phổ thông chị Nông Thị Anh Thư đã có ước mơ điều chế những liều thuốc tốt để chữa bệnh cho mọi người. Chị chọn vào học Trường Đại học Dược Hà Nội. Đến năm 2005 tốt nghiệp Đại học và 5 năm sau đó, chị tốt nghiệp cao học Trường Đại học Dược Hà Nội và trở về địa phương tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Y - Dược. Với chị Thư, việc giảng dạy trong môi trường của Trường Đại học Y – Dược không đơn giản là chuyển tải kiến thức cho học sinh mà còn là việc gắn với thực hành của sinh viên cũng như kết nối với hoạt động khám và điều trị cho bệnh nhân của Bệnh viện Đại học Y khoa Thái Nguyên. Chính thực tiễn công việc đã trở thành suối nguồn nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu khoa học trong nữ giảng viên trẻ.

Cùng với các công trình nghiên cứu của mình, chị Thư đã tham gia nhiều hội thảo, hội nghị, cuộc thi nghiên cứu khoa học. Năm 2013, chị tham gia và đạt giải Nhì tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Thái Nguyên và được đại diện cho cán bộ trẻ của Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên đi dự buổi Gặp gỡ tài năng khoa học trẻ toàn quốc. Năm 2020, chị cùng các đồng nghiệp của mình trở lại với cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thái Nguyên. Vượt qua 123 ý tưởng, nhóm nghiên cứu của chị đã giành giải Nhất về tính sáng tạo và ứng dụng trong nghiên cứu khoa học với ý tưởng dự thi “Sản xuất gel bôi nhiệt miệng VIMIGEL từ dược liệu Pác lừ (Ligustrum robustum)”.

Chia sẻ về ý tưởng của mình, chị Nông Thị Anh Thư nói: Mặc dù sinh ra và lớn lên ở Thành phố Thái Nguyên, nhưng gia đình tôi vẫn giữ nhiều truyền thống trong sinh hoạt của dân tộc Nùng. Từ bé, tôi thường xuyên được bố mẹ cho sử dụng các cây thuốc, bài thuốc quý của người dân tộc Nùng để chữa một số bệnh nhẹ. Do vậy, bản thân tôi luôn muốn phát huy những bài thuốc cổ truyền của dân tộc mình để áp dụng trong thực tiễn. Ý tưởng điều chế gel bôi nhiệt miệng từ dược liệu Pác lừ xuất phát từ việc mẹ tôi thường xuyên sử dụng loại cây này để chữa nhiệt miệng cho người thân, bạn bè.

Theo kinh nghiệm bà con dân tộc Tày, Nùng ở Lạng Sơn, Cao Bằng, khi sử dụng cây Pác lừ để đắp vết loét cho hiệu quả điều trị tốt. Chỉ sau vài lần nhai lá Pác lừ, nốt nhiệt miệng sẽ hoàn toàn biến mất. Cây Pác lừ trong tiếng dân tộc Nùng cũng có nghĩa là cây chữa loét miệng, nhiệt miệng. Bệnh nhiệt miệng tuy không phải là bệnh nặng nhưng nó làm người bệnh có cảm giác đau, dễ tái phát gây cản trở đến việc ăn uống và sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, không phải lúc nào và ở đâu chúng ta cũng có thể tìm thấy và nhận biết đúng cây Pác lừ. Gel bôi nhiệt miệng có thành phần chính là dược liệu đã được tin dùng theo kinh nghiệm dân gian, có hiệu quả tốt sau quá trình kiểm chứng. Cùng với đó sản phẩm được ứng dụng công nghệ chiết xuất cao phân đoạn và công nghệ bào chế để tạo có nhiều ưu điểm hơn.

Theo chị Thư, trong quá trình thực hiện sản phẩm, do trong cao chiết từ dược liệu có nhiều thành phần nên việc duy trì độ ổn định, lựa chọn phối hợp tá dược với tỷ lệ tối ưu mất nhiều thời gian nhất là lựa chọn công thức. Vì sản phẩm có nhiều thành phần nên độ ổn định, việc lựa chọn tá dược và căn chỉnh tỷ lệ có khi mất cả tháng mới chọn được loại và tỷ lệ phù hợp để làm sao để tăng độ ổn định của các nhóm chất trong dược liệu và tăng tính thấm, tăng tác dụng. Chị Thư kể: Chúng tôi phải đích thân thử nghiệm từng tỷ lệ với độ chênh lệch rất thấp. Đã có những lúc tôi quên ăn, quên ngủ, có khi bước vào phòng thí nghiệm sáng sớm mà lúc giật mình nhìn đồng hồ thì trời đã tối mịt.

Những ngày cuối tuần chị vẫn dành thời gian túc trực ở phòng thí nghiệm. Kết quả, sản phẩm gel bôi nhiệt miệng Pác lừ của chị đã được hội đồng cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thái Nguyên năm 2020 chấm giải đánh giá cao, có tính thực tiễn, góp phần bảo tổn và phát triển thuốc từ dược liệu, có tiềm năng phát triển, nhân rộng, thương mại hóa sản phẩm.

Ngoài sản phẩm gel bôi nhiệt miệng, chị còn chủ nhiệm và tham gia một số công trình có ý nghĩa trong khoa học y dược, được các Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao như đề tài “Nghiên cứu đặc điểm thực vật, thành phần hóa học và khả năng nhuộm màu của cây lá cẩm thu hái tại Thái Nguyên”; “Nghiên cứu quy trình chiết cao giàu hoạt chất từ dược liệu sóng rắn tươi quy mô 5g cao/mẻ”… Nhiều đề tài trong số đó đều xuất phát từ những cây thuốc, bài thuốc và kinh nghiệm điều trị bệnh hiệu quả của người dân tộc Nùng. Đến nay, chị có tên trong 12 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp trong đó nhiều đề tài do chị làm chủ nhiệm, tham gia 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và có hàng chục bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành cũng như các tạp chí khoa học công nghệ khác. Các đề tài chị tham gia đều được các hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về tính hiệu quả và thực tiễn.

Với những đóng góp của mình cho công tác nghiên cứu khoa học, chị Thư luôn được đồng nghiệp và sinh viên yêu quý. Và cũng chính học trò và bạn bè đồng nghiệp cũng trở thành những người “truyền cảm hứng” cho chị trong sự nghiệp nghiên cứu. Chị tâm sự: Nhìn các học trò hăng hái đăng ký tham gia nghiên cứu khoa học, tôi như thấy lại hình ảnh mình ngày xưa và cũng có thêm động lực để tìm mọi cách giúp các em được tham gia nghiên cứu khoa học.

Theo chị Thư, khó khăn nhất trong việc nghiên cứu khoa học trong các trường đại học hiện nay là thiếu kinh phí và cơ chế trong quản lý. Các công trình thường bị gián đoạn vì có quan điểm hạn chế nguồn kinh phí, nguồn đề tài. Chị cho biết: Trong tương lai, tôi sẽ tiếp tục cố gắng tìm các nguồn kinh phí phụ thêm cho việc nghiên cứu, giới thiệu cho các em sinh viên tham gia các nghiên cứu với các nhà khoa học khác trong cùng lĩnh vực…