“Không chỉ là giáo viên tận tâm với nghề, chị còn tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, chung tay chia sẻ với cộng đồng. Qua sự vận động, kết nối của chị, nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được giúp đỡ, tiếp thêm động lực để tiếp tục đến trường, không ít mảnh đời bất hạnh được hỗ trợ kịp thời…”. Anh Nguyễn Viết Phi, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Cúc Đường (Võ Nhai) chia sẻ với chúng tôi về cô giáo Phùng Thị Thương, giáo viên Nhà trường với đầy sự trân trọng.
Năm 1997, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên, chị Thương được phân công về dạy học tại Trường Tiểu học Sảng Mộc (Võ Nhai). 6 năm sau chị được chuyển công tác về Trường Tiểu học Cúc Đường và gắn bó với mái trường này đến tận bây giờ. Vượt qua những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu của một cô giáo miền xuôi lên dạy học tại vùng cao, mỗi ngày, không quản ngại mưa hay nắng, chị Thương kiên trì vượt hàng chục cây số đi từ huyện Đồng Hỷ để đến trường “gieo chữ” cho trẻ em vùng cao.
Hơn 20 năm công tác, trong đó gần nửa thời gian đó là giáo viên cắm bản, gắn bó với các điểm trường và học sinh vùng cao, hơn ai hết, chị Thương thấu hiểu cuộc sống cơ cực của người dân cũng như những gian nan trên đường đến trường của các em nhỏ vùng cao. Chị bảo: Mỗi lần nhìn thấy cảnh các em nhỏ đến lớp với đôi chân trần, tấm áo mỏng manh, khuôn mặt tím tái do đi trong gió lạnh mùa đông, tôi lại không kìm được nước mắt. Vì vậy, tôi đã về nhà xin quần áo cũ của gia đình, bạn bè để tặng cho các em. Nhưng sức một người sao đủ, tôi bèn nghĩ cách tìm biện pháp tốt hơn để các em nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng.
Thông qua mạng xã hội và những chuyến đi đến nơi có điều kiện kinh tế tốt hơn, chị Thương kết nối để “gom” nhiều quần áo, chăn màn, sách vở, bàn ghế, nhu yếu phẩm và kêu gọi xây nhà tình nghĩa cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đơn cử như em Ma Thị Hồng Nhung (dân tộc Tày), lớp 4B, Trường Tiểu học Cúc Đường. Nhung là một trong những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có bố, lâu nay em sống cùng người mẹ bị bệnh tâm thần trong căn nhà cũ nát, xập xệ, thiếu thốn đủ thứ.
Cảm thương trước hoàn cảnh của cô học trò nghèo, chị Thương đã kết nối với các nhà hảo tâm để hỗ trợ học bổng hằng tháng cho Nhung. Chưa dừng lại ở đó, tháng 10-2020, chị tiếp tục vận động giúp gia đình em xây dựng căn nhà mới với diện tích hơn 60m2. Điều đáng nói là mọi công việc để xây nhà từ chuẩn bị nguyên vật liệu, thuê thợ, giám sát thi công đều do một tay chị lo liệu.
Trong ngôi nhà mới xây, không thiếu thứ gì từ bàn ghế, giường, tủ, bếp ga, bàn học, bình nước nóng, bà Ma Thị Liên, bà ngoại của Nhung, người phụ nữ dân tộc Tày quanh năm mắc bệnh xương khớp xúc động: Tất cả đồ dùng đều do cô Thương kêu gọi sắm sửa, vận chuyển từ dưới thành phố lên cho đấy! Với hoàn cảnh của gia đình tôi, đến cơm còn phải chạy từng bữa chứ đừng nói đến ước mơ xây dựng một mái nhà kiên cố. Tôi vui lắm! Vui nhất là mới đây, cô Thương còn kết nối được với một nhà hảo tâm bên Đức để nhận đỡ đầu Nhung cho đến khi cháu 18 tuổi.
Không chỉ có Nhung, năm 2019, chị Thương cũng đứng ra kết nối kêu gọi giúp gia đình em Nông Văn Động, dân tộc Mông xây dựng căn nhà mới trị giá trên 60 triệu đồng. Số tiền kêu gọi xây nhà thừa ra một khoản nhỏ, chị Thương lại góp thêm gần 1 tháng lương của giáo viên vùng cao để mua tặng gia đình em Động một con bò. Con bò đó nay đã sinh ra 2 bê con, trong đó một con có thể xuất bán.
Không chỉ các em học sinh Trường Tiểu học Cúc Đường, từ năm 2015 đến nay, chị Thương đã trở thành “cây cầu” kết nối nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài nước đến với hàng trăm em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh đặc biệt là ở huyện Võ Nhai. Riêng tại Trường Tiểu học Cúc Đường, chị đã kết nối với Quỹ học bổng E2K (Hà Nội) để trao học bổng hàng tháng cho 6 em học sinh (trị giá 300.000 đồng/em/tháng), mở điểm bán hàng gây quỹ tại gia đình em Nhung. Nhờ vậy, nhiều học sinh nghèo đã được hỗ trợ quần áo, sách vở, đồ dùng học tập.
Năm 2019, chị là thành viên sáng lập và hiện là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Kết nối yêu thương Thái Nguyên. Dù mới thành lập, nhưng bằng tiếng nói và những việc làm thiết thực, CLB Kết nối yêu thương luôn được các nhà hảo tâm tìm đến, tin tưởng và trao gửi yêu thương. Từ tháng 10-2020 đến nay, CLB đã kết nối, kêu gọi được trên 500 triệu đồng để hỗ trợ hàng nghìn lượt gia đình nghèo, nhất là người già và trẻ em với hình thức như: Nấu cháo tình thương tại bệnh viện; sửa chữa, xây mới nhà tình nghĩa; tặng đồ dùng học tập, xe đạp, học bổng cho học sinh nghèo, nhất là học sinh vùng dân tộc thiểu số; cứu trợ đột xuất các hoàn cảnh khó khăn do bị tai nạn giao thông, thiên tai, lũ lụt…
Việc làm từ thiện của chị Thương giờ đây không chỉ giới hạn đối tượng ở học sinh vùng cao mà lan rộng đến tất cả các nhóm người, hoàn cảnh, vùng đất khác. Nói về điều này, chị Thương tự hào: Hoạt động thiện nguyện chính là chất “xúc tác” giúp cuộc sống thêm hạnh phúc. Được giúp đỡ các em học sinh nghèo cũng khiến tôi luôn giữ được tâm thế yêu trẻ, say nghề.
Sau mỗi giờ dạy học trên lớp, chị lại bận rộn với hàng núi công việc không tên cho những mảnh đời khốn khó. Như hiện tại, chị đang đảm đương việc xây nhà nhân đạo cho bà Ma Thị Tiên, xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ). Hoàn cảnh của bà Liên được chị và CLB Kết nối Yêu thương đăng bài, kêu gọi trong vòng 1 tuần đã cơ bản đủ kinh phí xây dựng ngôi nhà mới. Hàng tuần, chị Thương cùng các thành viên CLB thay nhau ghé qua kiểm tra công trình, thúc giục thợ đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành sơm để gia đình kịp đón Tết Nguyên đán trong ngôi nhà mới.
Chia tay chúng tôi, chị Thương tiết lộ, hoàn thành xong mấy ngôi nhà tình nghĩa, tôi lại tiếp tục kêu gọi các đơn vị, mạnh thường quân để xây cầu ở khu Rọ Phạu, xóm Bình Sơn, xã Cúc Đường. Chúng tôi tin rằng, sớm thôi, mong muốn có một cây cầu để đường đến trường bớt gian nan của các em học sinh sẽ trở thành hiện thực