Sự học ở Xuất Tác

08:01, 19/01/2021

Nằm bên sườn núi cao, Trường Tiểu học - THCS Xuất Tác thuộc xã Phương Giao  - địa phương xa xôi nhất của huyện vùng cao Võ Nhai. Trường hiện có 340 học sinh, theo học tại 15 lớp từ bậc Tiểu học đến THCS. Dù còn nhiều khó khăn, 31 thầy, cô giáo ở Xuất Tác vẫn kiên trì bám trường, bám lớp, gắn bó với sự nghiệp “trồng người” đem cái chữ đến với con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Chúng tôi đến Trường Tiểu học -THCS Xuất Tác vào một ngày Đông khi tiết trời rét “cắt da, cắt thịt”. Sau hơn 2 tiếng cho xe chạy chầm chậm men theo những sườn núi, băng qua những lũng núi mờ sương, ngôi trường hiện ra trước mắt chúng tôi, như một bông hoa nổi bật giữa đại ngàn. Thấy chúng tôi đến, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Tuấn Xuất hồ hởi: Các anh chị có lẽ không quen, chứ bây giờ con đường đến trường đã dễ hơn trước rất nhiều. Đường đổ được bê tông thay thế con đường lởm chởm đá, các thầy, cô (nhà ở trung tâm huyện - PV) có thể đi và về trong ngày, chỉ có 3 giáo viên là còn ở nội trú.
 
Tuy vậy, do nằm ở vùng núi nên đường đến trường của các em học sinh vẫn gặp nhiều khó khăn.Không chỉ có con em của xóm Xuất Tác mà học sinh ở các xóm Đồng Dong (trong đó có khu Dong Mông, Dong Dao và Dong Kinh) và khu Lân (Lân Thùng) cũng theo học tại đây. Bởi thế, vẫn có những em phải vượt 9, 10 cây số đường đèo, dốc để đến trường mỗi ngày. Nhà xa và trường không tổ chức ăn bán trú nên đến buổi trưa, 30 học sinh của Nhà trường đăng ký ăn cơm ở các hộ dân quanh đó hoặc tự mang cơm từ nhà. Đường tới trường của các em còn gian nan hơn khi bước vào mùa mưa, bởi 70% học sinh của Nhà trường phải vượt qua các con suối để tới lớp. Dù một số con suối đã được xây dựng đập tràn nhưng những ngày mưa lớn, nước siết đổ về từ thượng nguồn khiến cả cô và trò rơi vào hoàn cảnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
 
Nếu như ở điểm trường chính Xuất Tác có một nửa số học sinh là con em đồng bào dân tộc Dao, Mông,… thì ở Phân trường Lân Thùng có 90 học sinh tiểu học và tất cả đều là người dân tộc Mông. Là một trong những điểm trường khó khăn nhất huyện, được sự quan tâm của các cấp, ngành chức năng nên từ 2016, Phân trường Lân Thùng đã có nhà lớp học kiên cố. Tại đây có 5 giáo viên dạy học và làm công tác chủ nhiệm. Ở phân trường này, việc vận động học sinh ra lớp là công việc quá quen thuộc với các thầy, cô giáo.
 
Cô Dương Thị Hoài Trang, chủ nhiệm lớp 2, Phân trường Lân Thùng chia sẻ: Nhiều gia đình đến ăn còn không đủ no, mặc không đủ ấm nên nhận thức về sự học còn nhiều hạn chế. Họ quan niệm học cũng được mà không học cũng chẳng sao. Vào những ngày giáp hạt, để duy trì đều đặn 90 học sinh theo học, không em nào bỏ lớp giữa chừng, chúng tôi phải đến từng nhà vận động phụ huynh cho các em đến lớp. Những ngày đông giá rét, sương phủ trắng rừng, ngày nào các cô cũng ngóng đợi học trò đến lớp, chỉ cần thấy thấp thoáng các em ở cổng trường là chúng tôi mừng lắm. Các thầy, cô giáo lấy đó làm động lực để bám trường, bám lớp.
 
Dù tỷ lệ học sinh tiểu học ra lớp những năm gần đây của Nhà trường đều duy trì 100% nhưng điều khiến các giáo viên trăn trở là ở bậc THCS. Cô giáo Hoàng Thị Bông nói: Năm học 2019-2020, Trường có 2 học sinh bỏ học. Chúng tôi đã đến từng nhà vận động các em ra lớp nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn, gia đình cho em nghỉ học để đi làm thuê kiếm tiền.
 
Bên cạnh việc vận động các em đến trường, trong công tác giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho học sinh vùng cao cũng có nhiều khó khăn do bất đồng ngôn ngữ. Sau giờ học trên lớp, hầu hết học sinh THCS phải giúp đỡ gia đình những công việc như vào rừng kiếm củi, cuốc đất trồng ngô, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Vì vậy, nhiều em thường không học lại bài ở nhà. Do dân trí ở khu vực này còn thấp nên các em cũng ít nhận được sự kèm cặp, chỉ dẫn kiến thức từ bố mẹ. Để khắc phục tình trạng này, Nhà trường đã tổ chức từ 1-2 buổi phụ đạo mỗi tuần vào các buổi chiều để củng cố, bồi dưỡng kiến thức cho các em. Các buổi học được tổ chức từ đầu năm học đến nay, đa số các em đều tới học đông đủ. Nhờ vậy, thành tích của các học sinh dần được nâng lên. Những năm gần đây, Nhà trường đã có học sinh đoạt giải cao trong cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện, riêng năm 2019-2020, Trường TH–THCS Xuất Tác đã 4 học sinh đoạt giải.
 
Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Tuấn Xuất chia sẻ thêm: Sắp đến Tết rồi, lại thêm 1 năm thầy và trò gắn bó với nhau cùng “gieo chữ” và ươm những mầm xanh cho tương lai. Học sinh ở đây em nào cũng háo hức mong chờ đến Tết lắm, nhưng lũ trẻ không vì thế mà lơ là chuyện học hành. Những ngày gần đây, chúng tôi đang tích cực tuyên truyền cho các em nâng cao ý thức học tập, để không xảy ra tình trạng nghỉ học trước và sau Tết. Để động viên các em, dịp Tết năm nào các thầy, cô giáo cũng phát động phong trào quyên góp ủng hộ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi cũng tranh thủ kết nối với các câu lạc bộ, tổ chức từ thiện để tặng quà cho các em. Sự học ở vùng cao khó khăn, vất vả là vậy, nhưng thấy học sinh đến trường chăm ngoan là chúng tôi vui lắm, chỉ mong các em không bị lỡ dở việc học, có tương lai tốt đẹp hơn.