Phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học (NCKH) tại các trường đại học thuộc Đại học Thái Nguyên là một trong những nội dung đổi mới sáng tạo trong giảng dạy đã và đang lan tỏa mạnh cả về chất và lượng. Tính ứng dụng thực tiễn cao tạo sự hứng khởi, đam mê để sinh viên phát huy năng lực của mình phục vụ cộng đồng.
Học đi đôi với hành, đó là mục tiêu và nhiệm vụ của môi trường đào tạo các ngành kỹ thuật của Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên. Xuất phát từ những yêu cầu đào tạo gắn với thực tiễn và đáp ứng nhu cầu xã hội, từ năm 2019, Trường đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao tri thức. Đây chính là sân chơi cho sinh viên NCKH và tương tác để chuyển hóa ý tưởng về khoa học thành những sản phẩm công nghệ. Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hào, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm chia sẻ: “Quá trình hoạt động, chúng tôi thấy khả năng sáng tạo của sinh viên rất phong phú. Nếu được tiếp sức, sẽ có những sản phẩm khoa học công nghệ (KHCN) có giá trị cao trong thực tiễn. Không ít vấn đề mà các nhà máy, phân xưởng của các doanh nghiệp đang còn thiếu, còn yếu và rất cần những sản phẩm KHCN bắt đầu từ ý tưởng sáng tạo của các kỹ sư, công trình sư khi được đào tạo cơ bản”.
Được thiết kế với mô hình tích hợp liên môn, liên ngành nên Trung tâm là một địa chỉ thu hút hàng trăm lượt các nhà khoa học đến cộng tác, cùng với sinh viên giải quyết những vấn đề thực tiễn, mang tính chất học thuật và ứng dụng. Hơn 1 năm hoạt động, Trung tâm đã thu hút hơn 3.000 lượt sinh viên đến triển khai, lập dự án, xây dựng giải pháp cho các sáng kiến, ý tưởng chế tạo sản phẩm và đã tổ chức thực hiện trên 200 đồ án các sản phẩm KHCN. Hiện, Trung tâm đang thực hiện các dự án về: Điều khiển tự động, giám sát đo, đếm; phân tích báo cáo dữ liệu về môi trường tự nhiên, môi trường lao động; Giải mã khóa cửa thông minh; đo thân nhiệt tự động; pha sơn tự động; đếm tốc độ vòng quay không tiếp xúc; điều khiển tự động vận thiết bị sản xuất công nghiệp, nông nghiệp.
Hầu hết các sản phẩm đều đã được kết nối với các doanh nghiệp tiếp cận và đặt hàng sản xuất. Năm 2020, tại cuộc thi Công nghệ trí tuệ Canon Chie -Tech do Trung ương Đoàn thanh niên, Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Sinh viên Việt Nam và Công ty TNHH Canon Việt Nam phối hợp tổ chức, sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp đã có 5 sản phẩm lọt vào vòng chung kết, dự kiến sẽ công bố giải thưởng trong quý I năm 2021. Đặc biệt, dự án “Giải pháp tiết kiệm đáp ứng chiếu sáng hiệu quả cho hệ thống đường đi trong đô thị” đã lọt vào vòng chung kết Cuộc thi học sinh sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Sản phẩm được nghiên cứu và phát triển nhằm giải quyết các vấn đề bất cập đang tồn tại của hệ thống chiếu sáng đường hiện nay. Bên cạnh các dự án dự thi đạt giải, trong năm 2020, Trung tâm đã hỗ trợ tích cực phong trào NCKH trong sinh viên. Nếu như năm 2019, sinh viên NCKH chỉ có 90 đề tài, dự án được thẩm định, thì năm 2020, đã có trên 150 dự án, thu hút trên 400 lượt sinh viên. Được biết đã có trên 70% dự án đã được các doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí thực hiện để trực tiếp đưa vào phụ vụ sản xuất.
Cùng với Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, thông qua hoạt động Đoàn thanh niên và Hội Sinh viên, toàn bộ các trường đại học đã thành lập trung tâm hỗ trợ sáng tạo khởi nghiệp cho sinh viên và giảng viên trẻ. Điển hình như Trường Đại học Sư phạm, Đại học Khoa học, Đại học học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Y - Dược, Đại học Nông lâm... mỗi năm thu hút hàng chục nghìn lượt sinh viên tham gia. Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Thái Nguyên - Nguyễn Quang Đông cho biết: “Một trong những tiêu chí để đạt danh hiệu sinh viên 5 tốt là phải có đề tài NCKH.
Tuy nhiên, trước những yêu cầu đổi mới của giáo dục gắn với ứng dụng thực tiễn, phong trào sinh viên NCKH đã tác động mạnh đến hoạt động đào tạo tại các trường. Sinh viên được trải nghiệm, được tiếp cận nhiều cơ hội về việc làm, định hướng NCKH và được doanh nghiệp, công đồng xã hội ghi nhận từ những sản phẩm KHCN của mình. Điều đó đã thu hút ngày càng đông sinh viên tham gia NCKH, chuyển giao công nghệ”. Năm học 2019-2020, Đại học Thái Nguyên đã triển khai 449 đề tài NCKH sinh viên, thu hút 756 sinh viên tham gia, tăng gần 100 đề tài và trên 200 sinh viên tham gia. Đặc biệt, các trường, các doanh nghiệp đã rất quan tâm bằng việc tăng nguồn kinh phí dành cho sinh viên NCKH từ trên 2,2 tỷ đồng lên trên 3 tỷ đồng. Thông qua các đề tài NCKH của sinh viên, đã có 46 bài báo được đăng trên tạp chí khoa học trong nước, trong đó có 8 bài báo đăng tạp chí khoa học quốc tế là sản phẩm nghiên cứu của các đề tài.
Năm 2020, Đại học Thái Nguyên đã phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ tổ chức Cuộc thi Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo tỉnh Thái Nguyên. Cuộc thi đã thu hút hơn 100 ý tưởng/dự án đến từ các đơn vị thuộc Đại học Thái Nguyên. Tại cuộc thi này, sinh viên Đại học Thái Nguyên đã xuất sắc đạt giải Nhất, Nhì từ các sản phẩm: Sản xuất gel bôi nhiệt miệng Vimigel từ dược liệu Pác lừ; Phát triển sản phẩm trà hòa tan và cao từ cây mướp đắng rừng trong hỗ trợ và phòng bệnh tiểu đường... Nhiều đề tài, dự án của sinh viên các trường Đại học Sư phạm, Đại học Khoa học, Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông đã được các trường phổ thông tiếp cận và ứng dụng trực tiếp vào hoạt động dạy và học theo chương trình gáo dục phổ thông mới.