Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngành Giáo dục - Đào tạo đã chỉ đạo và khuyến khích các nhà trường, thầy, cô giáo thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo là tạm dừng đến trường, không dừng việc học. Theo đó, các thầy cô ở 247 trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực tổ chức dạy và học trực tuyến để đảm bảo nội dung, chương trình học.
Từ ngày 17-2, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc cho học sinh tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch COVID-19, các nhà trường đã thực hiện dạy học, hướng dẫn giao bài tập và tổ chức học trực tuyến để đảm bảo học sinh không dừng học, được quản lý, kiểm tra đánh giá và thực hiện đúng kế hoạch năm học. Theo ghi nhận tại một số địa phương, về cơ bản, học sinh đã có điện thoại thông minh, một số em thiếu điện thoại hoặc không có máy tính thì tạm thời đến nhà bạn cùng lớp học nhờ. So với đợt học trực tuyến của năm 2020, việc dạy và học qua internet năm nay đã nhẹ nhàng hơn, bởi các thầy, cô giáo cũng đã có kinh nghiệm hơn trong quản lý, vận hành lớp học; học sinh đã làm quen với nề nếp của hình thức học tập mới.
Đơn cử như tại Trường Tiểu học Dương Tự Minh (Phú Lương) việc dạy và học trực tuyến đã được triển khai khá bài bản, đồng bộ ở tất cả các khối lớp. Tại một tiết học Tiếng Việt của cô và trò lớp 1A, lớp học được bắt đầu lúc 8 giờ như thường lệ, nhưng theo một phương thức khác là học trực tuyến qua phần mềm Zoom. Sau vài phút ổn định, nhắc nhở quy chế lớp học, cô và trò đã bắt đầu vào bài giảng. Nếu như thời gian đầu việc triển khai việc dạy trực tuyến còn bị động, lúng túng thì nay, việc chuyển hướng từ học trực tiếp trên lớp sang học trực tuyến tại nhà đã được các thầy cô thực hiện khẩn trương, nề nếp hơn.
Cô Nguyễn Hoài Nam, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A, Trường Tiểu học Dương Tự Minh cho biết: Nội dung dạy trực tuyến là nội dung học hoàn toàn trên lớp. Trong buổi học, tôi hướng dẫn các con viết chữ, sau đó, hàng ngày cuối buổi học phụ huynh sẽ chụp bài tập gửi giáo viên để nhận xét. Qua các buổi học tôi nhận thấy các con tiếp thu bài tốt. Lớp có 32 học sinh, trong đó có 3 em nhận thức chậm hơn được bố trí đến học tại lớp, các học sinh không có đường truyền, thiết bị di động, máy tính để học thì nhà trường sắp xếp giáo viên đến dạy học tập chung nhóm nhỏ tại điểm trường tại xóm Đồng Tâm.
Với một số địa phương còn khó khăn, các nhà trường linh hoạt trong triển khai như chuyển tài liệu cho học sinh thông qua hội cha mẹ học sinh, chi hội lớp và giáo viên cũng tiếp cận với học sinh, giao bài và thu bài, củng cố kiến thức cho các em. Tại Trường THPT Khánh Hòa, số học sinh tham gia học trực tuyến chỉ đạt từ 50-60%. Với phương châm tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học, hiện, nhà trường đang nỗ lực bằng nhiều giải pháp là các học sinh khó khăn, nhà gần nhau có thể 2 em học cùng nhau trên 1 phương tiện, đảm bảo quy tắc phòng, chống dịch, hay mượn thiết bị của họ hàng, hàng xóm.
Thầy Nguyễn Doãn Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Khánh Hòa cho biết: Thầy trò nhà trường đang cố gắng khắc phục sự thiếu thốn. Đến nay, cơ bản gần 800 học sinh nhà trường đã có tài khoản phần mềm google meet để vào lớp học online. Ban đầu Nhà trường cũng lo lắng vừa nghỉ Tết xong các em chưa bắt nhịp lại được ngay với guồng học. Tuy nhiên, thực tế học sinh bắt nhịp với việc học khá nhanh. Nếu tình hình sớm ổn định, theo thông báo của Sở Giáo dục - Đào tạo thì đến ngày 28-2 học sinh sẽ được trở lại trường học, chúng tôi sẽ dành tuần đầu củng cố kiến thức đã dạy online, sắp xếp buổi ngoài giờ phụ đạo học sinh yếu. Mong dịch bệnh sớm được kiểm soát để thầy trò được đến trường, không bị gián đoạn học tập.
Hiện, các nhà trường và giáo viên cũng đã hướng dẫn học sinh tự học, củng cố kiến thức thông qua hình thức giao bài, lấy điểm thường xuyên thông qua sản phẩm học tập của các em. Qua đó tăng thêm tính chủ động, tích cực và tự giác học tập của học sinh. Có thể thấy, nhờ sự chủ động, tích cực, các trường học trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện chương trình giáo dục trực tuyến, vừa đảm bảo chương trình dạy và học hiệu quả, vừa thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.