Luật Giáo dục đại học năm 2018 đã xác định “Đại học quốc gia, đại học vùng là đại học thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước”. Từ chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật về chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) đã tổ chức thực hiện phát triển chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học (NCKH) đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.
Những năm gần đây, trong bối cảnh giáo dục đại học có nhiều đổi thay, nhất là nguồn tuyển sinh phải đối mặt với sự cạnh tranh của nhiều ngành, nhiều hình thức đào tạo... ĐHTN đã lựa chọn chiến lược đào tạo và NCKH theo nhu cầu từng địa phương và trực tiếp chuyển giao khoa học và công nghệ (KHCN) đến từng vùng, từng dự án phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Trên quan điểm học, đào tạo, NCKH đi đôi với thực hành, lấy hiệu quả chất lượng đào tạo, chuyển giao KHCN làm thước đo về giá trị của từng lĩnh vực, ngành nghề, 5 năm gần đây, công tác đào tạo đạt được những thành tựu quan trọng, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt cao so với kế hoạch.
Đó là: Mở mới 28 ngành học ở bậc đại học, đạt 121%; 17 chuyên ngành thạc sĩ, đạt 170%; quy mô đào tạo đại học, cao đẳng đạt bình quân 60.296 HSSV/năm, đạt 100,4%; quy mô đào tạo sau đại học đạt bình quân 5.125 người học/năm, đạt 102,0%; 80% giáo trình, bài giảng được số hóa, đạt 100%; có 230 môn học/học phần xây dựng học liệu E-learning, đạt 115%; phát triển 21 chương trình đào tạo chất lượng cao (hoặc tương đương) và chương trình tiên tiến, đạt 210%...
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải tham quan các sản phẩm bảo tồn gien tại Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp (Trường Đại học Nông lâm).
Một trong những nhiệm vụ quan trọng là ĐHTN thực hiện chính sách đào tạo cho cán bộ vùng dân tộc thiểu số, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các địa phương trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH thông qua đào tạo theo địa chỉ và dự bị đại học. Điển hình như tiếp nhận từ các địa phương trong vùng hàng trăm lượt sinh viên cử tuyển và đào tạo theo địa chỉ mỗi năm (trong đó đào tạo trên 200 cử nhân, bác sĩ ngành khoa học sức khỏe).
Tổ chức đào tạo thạc sĩ theo định hướng ứng dụng tại các tỉnh Tuyên Quang, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Bắc Kạn, Hà Giang (đào tạo mỗi khóa thạc sĩ 50 học viên/năm). Sau khi tốt nghiệp, nguồn nhân lực này đã phát huy tốt kiến thức, áp dụng vào thực tiễn sản xuất, quản lý và đời sống, góp phần quan trọng cho sự phát triển KT-XH của vùng và đất nước, đặc biệt là vùng trung du, miền núi phía Bắc.
Hoạt động KHCN tiếp tục được đổi mới theo hướng nâng cao hiệu quả, gắn với sản xuất, đời sống và phục vụ đắc lực cho đào tạo. Công tác quản lý, đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động KHCN được tăng cường. Chỉ trong 4 năm (từ 2016-2020), ĐHTN đã thực hiện 56 chương trình KHCN, đề tài cấp Nhà nước, dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ GD&ĐT, đạt 186% so với chỉ tiêu; 408 đề tài cấp đại học, cấp bộ, đạt 102% so với chỉ tiêu; có 8.695 bài báo khoa học được đăng tải trên các tạp chí, kỷ yếu hội nghị, hội thảo, trong đó có 7.170 bài được đăng trên các tạp chí trong nước, đạt 204%; 1.525 bài đăng trên các tạp chí quốc tế, đạt 169%; có 775 bài được đăng trên các tạp chí trong danh mục ISI, Scopus, đạt 193%; có 22 sản phẩm KHCN được công nhận sở hữu trí tuệ, đạt 110%; thành lập 02 trung tâm ươm tạo công nghệ và hỗ trợ khởi nghiệp, đạt 100%.
Với những thành quả đó, ĐHTN xếp thứ 9/35 trường được xếp hạng về chỉ số nghiên cứu. Về chỉ số nghiên cứu nội lực, ĐHTN xếp hạng 3/35 cơ sở giáo dục đại học. Những thành tựu đó chính là cơ sở để ĐHTN trở thành địa chỉ có uy tín tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế và thực hiện nhiệm vụ chuyển giao công nghệ hỗ trợ đắc lực cho phát triển KT-XH với các địa phương trong vùng. Sản phẩm NCKH, chuyển giao công nghệ từng bước tạo được uy tín và đạt được những giá trị quan trọng về hàm lượng khoa học và về kinh tế.
Từ năm 2016 đến nay, ĐHTN đã huy động được 3,44 triệu USD từ nguồn hợp tác quốc tế cho hoạt động KHCN; gần 100 tỷ đồng thuộc chương trình hợp tác với UBND tỉnh Thái Nguyên; thu được hơn 200 tỷ đồng từ các chương trình, dự án chuyển giao KHCN; 760 triệu đồng từ các chương trình KHCN khác. Đến năm 2020, ĐHTN đã ký biên bản hợp tác toàn diện về đào tạo, NCKH và chuyển giao công nghệ với 15 tỉnh thuộc vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; thực hiện hàng trăm chương trình chuyển giao công nghệ cho hầu hết các tỉnh trong vùng.
Đi đôi với hoạt động chuyển giao công nghệ, ĐHTN đặt nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động tư vấn chính sách phát triển KT-XH các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, như: Tổ chức các hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế để tư vấn cho địa phương hoạch định chính sách; phối hợp với các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, đề xuất, tổ chức khảo sát, xây dựng các đề án, chương trình, dự án thuộc lĩnh vực KT-XH, các vấn đề kinh tế vùng...
Với đội ngũ 151 giáo sư, phó giáo sư; 764 tiến sĩ; 28 nhà giáo nhân dân và nhà giáo ưu tú đang trực tiếp công tác tại 8 đơn vị thành viên, 1 phân hiệu, 1 khoa và 1 trường trực thuộc, 10 đơn vị nghiên cứu và phục vụ đào tạo chính là nguồn lực quan trọng tiếp tục thực hiện mục tiêu trở thành Đại học trọng điểm, trung tâm đào tạo, nghiên cứu chất lượng cao của vùng trung du, miền núi phía Bắc và cả nước.