Phát triển Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) gắn với phát triển nguồn nhân lực để thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Giáo dục đặt ra trong nhiệm kỳ 2020-2025. Kết quả toàn ngành đã đạt được thời gian qua cũng đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về phát triển GD&ĐT toàn diện trong xã hội.
Xác định GD&ĐT là nền tảng cho phát triển, vì vậy, những năm qua, sự nghiệp giáo dục luôn được các cấp ủy, chính quyền quan tâm mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo gắn với nhu cầu xã hội. Các nhà trường đã chủ động phân luồng, bám sát nhu cầu nhân lực, thị trường lao động trong và ngoài nước để tổ chức chương trình đào tạo.
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, ngành Giáo dục đã có nhiều giải pháp tổ chức hoạt động dạy và học đáp ứng yêu cầu đổi mới và thích ứng với những vấn đề phát sinh cũng như sự chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi số. Đến nay, toàn tỉnh có 683 cơ sở giáo dục, tăng 11 trường so với năm học 2016-2017. Bên cạnh đó, tỉnh có 1 trường giáo dục và hỗ trợ trẻ em bị thiệt thòi, 1 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh, 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện và 178 trung tâm học tập cộng đồng. Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục ngày càng được nâng cao về trình độ. Hiện nay 100% giáo viên và cán bộ quản lý trên địa bàn toàn tỉnh đều đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo.
Cụ thể: Mầm non đạt tỷ lệ trên chuẩn 81,37% (tăng gần 10% so với năm 2016); tiểu học đạt tỷ lệ trên chuẩn 98,05% (tăng 9,8% so với năm 2016); THCS tỷ lệ trên chuẩn đạt 88,12% (tăng 8,86% so với năm 2016); THPT đạt tỷ lệ trên chuẩn 34,70% (tăng 9,2% so với năm 2015). Chất lượng giáo dục ở các cấp học theo đó đã có chuyển biến tích cực. Liên tục từ năm 2015 đến nay, số học sinh đạt giải học sinh giỏi Quốc gia tiếp tục duy trì bình quân 51 giải/năm. Công tác phổ cập giáo dục (PCGD) được quan tâm và đạt kết quả cao. Duy trì và nâng cao chất lượng PCGD mầm non cho trẻ em 5 tuổi ở 178/178 xã/phường/thị trấn; 100% xã, phường, thị trấn đạt PCGD tiểu học mức độ 3 và 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGD trung học cơ sở mức độ 2 trở lên.
Giờ học ngoài trời của Trường Mầm non Đồng Quang (T.P Thái Nguyên).
Năm học mới 2020-2021, toàn ngành GD&ĐT đã “về đích” sớm chỉ tiêu về xây dựng trường chuẩn Quốc gia theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2015-2020) đề ra, với trên 84% trường học đạt chuẩn, tăng trên 4% so với kế hoạch; trên 8% học sinh dân tộc thiểu số được học tại các trường nội trú. Đặc biệt, các địa phương đã huy động nguồn lực đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng hệ thống trường lớp kiên cố và bảo đảm đạt chuẩn Quốc gia.
Để chuẩn bị kịp thời cho chương trình giáo dục phổ thông mới, toàn ngành đã cùng với các địa phương đã tập trung đầu tư xây dựng hệ thống trường chuẩn Quốc gia từ bậc tiểu học, nhằm đón đầu những đổi mới của chương trình. Chính vì vậy, trong số hơn 200 trường tiểu học toàn tỉnh đã có gần 95% số trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó, hầu hết đội ngũ giáo viên đều đạt chuẩn theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đối với cấp học THPT, toàn tỉnh hiện có 32 trường THPT, trong đó có 1 trường chuyên; 1 trường tư thục và 1 trường dân tộc nội trú. Chính vì vậy người học thuận tiện trong việc lựa chọn môi trường và hình thức học tập gắn với đào tạo trên nguyên tắc tự nguyện và được Nhà nước kiểm định, cấp phép hoạt động, giám sát chất lượng. Theo đó, chất lượng giáo dục được nâng lên, người lao động trong độ tuổi từ 18-35 có trình độ từ THCS trở lên tăng từ 60% (năm 2015), lên đến trên 80% năm 2020.
Đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội đối với GD&ĐT là cả một quá trình xây dựng và kiến tạo từ cấp học thấp nhất trở lên trong hệ thống giáo dục quốc dân. Kết quả đạt được trong thời gian qua chính là sự chuẩn bị vững chắc về chiến lược phát triển GD&ĐT cho giai đoạn mới.