Tết Tân Sửu sẽ là cái Tết đáng nhớ nhất với các du học sinh Việt Nam. Do dịch COVID-19, họ không thể về đoàn tụ với gia đình trong thời khắc giao thừa thiêng liêng; các chương trình đón xuân tại quốc gia sở tại cũng rất hạn chế. Tuy nhiên, trong cái khó, nhiều du học sinh Việt Nam vẫn không ngừng cố gắng tạo “cái Tết” của riêng mình, duy trì việc học tập hiệu quả.
Có đủ bánh chưng, giò, chả
Bước vào năm 2021, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên chính phủ nhiều quốc gia đã huỷ các chương trình đón năm mới. Những chương trình thường niên của đại sứ quán Việt Nam hoặc Hội sinh viên Việt Nam như gói bánh chưng, gặp mặt tất niên cũng bị hạn chế. Các sinh viên được khuyến cáo “đang ở đâu ở yên chỗ đó”.
Sinh viên Ngân Hà (Trường Nữ sinh Ewha, Hàn Quốc) cho biết: “Diễn biến dịch COVID-19 tại Hàn Quốc khá xấu với số lượng người nhiễm 800 - 1.000 ca/ngày. Xã hội đang ở mức giãn cách tối đa, mọi quán cà phê chỉ được hoạt động dưới hình thức mang đi. Hầu hết các quán ăn và nhà hàng đều phải đóng cửa sau 9 giờ tối. Em vẫn có thể ra ngoài ăn uống bình thường trước 9 giờ tối và đảm bảo quy định không tụ tập quá 5 người. Nhưng thời tiết mùa đông giá rét, lượng xe bus ở trung tâm Seoul bị cắt giảm 30% nên việc ra ngoài lâu là rất khó. Trong khi đó, những chuyến bay thương mại cũng không còn, nên muốn về Việt Nam ăn Tết là không thể”.
Ngân Hà về Việt Nam ăn Tết đầu năm 2020, khi trở lại Hàn Quốc, cô chứng kiến dịch COVID-19 bùng phát. Trải qua rất nhiều cố gắng thích nghi, nhìn lại một năm, Ngân Hà tâm sự: “Một năm qua, phải nói là em rất may mắn vì trường không có ca nhiễm nào nên sinh viên vẫn được sử dụng cơ sở vật chất và đến trường ngồi học ở campus. Điều đáng tiếc là tân sinh viên như em không được tham gia lễ nhập học, các buổi gặp gỡ và cũng không được gặp các bạn cùng lớp mà chỉ biết mặt qua giao tiếp online nhờ ứng dụng Kakaotalk”.
Ngân Hà tâm sự: "Hồi các quán cà phê cạnh trường còn mở thì em cùng các bạn hay ra ngồi học xuyên đêm". Ảnh: NVCC
Ngân Hà cũng trải qua đợt sang chấn tâm lý vì không thể liên hệ trực tiếp với các bạn cùng lớp để được giúp đỡ, hạn chế hoạt động theo nhóm. Tuy thế, Ngân Hà cũng nhìn được những điểm tích cực như: “Việc học online khiến em thoải mái hơn trong việc tự cân đối thời gian nghe bài giảng. Đến kỳ thi có thể nghe lại toàn bộ kiến thức trên trang cybercampus của trường”.
Tự cân bằng cho mình, Ngân Hà cho biết: “Thỉnh thoảng, em tới phòng tranh để đi vẽ hoặc đến những khu vực gần nhà để mua đồ ăn. Em cũng tự nấu một số món Việt Nam để mời bạn bè”. Vì thế, theo Ngân Hà, trong bối cảnh dịch bệnh còn nhiều nguy hiểm thì mỗi người cũng có thể tự tạo ra cái Tết cho cá nhân. “Tết Nguyên đán Tân Sửu này, em tự làm một số món ăn Việt Nam để mời bạn sang ăn. Tết ở đây cũng có bánh chưng, giò, chả. Em cũng cùng một vài bạn đi chùa gần nhà và gọi điện cho người thân trong thời khắc giao thừa”.
Ngân Hà tâm sự: “Việc Seoul bị tăng mức giãn cách tối đa đôi khi cũng làm em và các bạn bị chán nản, nhất là dịp Tết và cuối năm. Nhưng nghĩ tích cực là tình hình dịch bệnh sẽ diễn biến tốt hơn và được trở về quê hương là thấy vui trở lại”.
Cũng với suy nghĩ “tự tạo Tết của riêng mình”, D. một du học sinh tại Mỹ sau đợt Tết dương lịch buồn vì nhớ nhà, đã quyết tâm có một Tết Nguyên đán thật ý nghĩa. Cậu trai 19 tuổi tự mày mò quấn nem và học công thức ướp chả làm bún như mẹ vẫn làm tại nhà. “Tết không có bánh chưng, nhưng lại có món ăn quê hương mời các bạn nước ngoài cùng đến thưởng thức. Em lại có dịp giới thiệu về những nét đặc sắc trong văn hoá dân tộc mình. Nhiều bạn ngỏ ý, hết dịch bệnh sẽ đến Việt Nam để trải nghiệm”, D. vui vẻ cho biết.
Duy trì trạng thái “bình thường mới”
COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát ở Mỹ, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh, sinh viên Nguyễn Quang Anh, năm thứ 3, trường Luther College vẫn duy trì đều việc học. Thậm chí, Quang Anh còn học thêm một số chứng chỉ để năm sau tốt nghiệp sớm hơn so với dự kiến. “Trong đợt cao điểm dịch COVID-19, trường đóng cửa ký túc xá, em đã rất may mắn khi được một giáo sư nhận giám hộ cho ở nhờ. Suốt đợt dịch này em vẫn duy trì việc học online, khi ra ngoài đeo khẩu trang, tự tập thể dục, uống vitamin đều đặn để tăng sức đề kháng”, Quang Anh cho biết.
Sinh viên Nguyễn Quang Anh, năm thứ 3, trường Luther College (Mỹ). Ảnh: NVCC
Tháng 9-2020, khi trường mở lại ký túc xá, Quang Anh đã đăng ký một môn học nhanh, hoàn thành các chứng chỉ cần thiết để chuẩn bị cho đợt tốt nghiệp năm sau. Quang Anh cho biết: “Mặc dù dịch COVID-19, nhưng em vẫn có việc làm thêm, dạy thêm SAT cho du học sinh lớp 10 người Việt tại đây. Sang đây, xác định việc học vẫn là chính nên nếu có cơ hội em vẫn tiếp tục duy trì”.
Trở lại với không khí Tết, Quang Anh cho biết: “Năm đầu tiên phải xa nhà, em rất nhớ quê hương và tự làm món nem tuy không được như ở nhà. Thời khắc giao thừa, em gọi điện về nói chuyện cùng bố mẹ. Sáng mùng 1, gọi điện chúc Tết ông bà hai bên nội ngoại. Tết với em như vậy là đủ rồi”.
Mục tiêu của Quang Anh là tiếp tục hoàn thành các chứng chỉ để được tốt nghiệp vào năm sau, đồng thời, chuẩn bị những chứng chỉ cần thiết để học tiến sĩ.
Tâm sự về cậu con trai đang du học ở Mỹ, chị Nguyễn Kim Anh - mẹ Quang Anh, cho biết: “Thật may mắn khi con là cậu bé tự lập và biết chăm lo cho bản thân. Dịch COVID-19 tại Mỹ với những diễn biến phức tạp nhưng con vẫn ở lại để duy trì việc học tập. Không những thế, con vẫn có thể làm thêm, dạy thêm và học thêm được chứng chỉ. Mỗi ngày, con đều tập thể dục, uống vitamin, ra ngoài đảm bảo phòng dịch. Những việc làm của con khiến bố mẹ rất yên tâm”.
Duy trì trạng thái “bình thường mới” cũng được sinh viên Đỗ Hồng Thịnh, sinh viên trường Centenial College (thành phố Victoria, Canada) thực hiện. Đỗ Hồng Thịnh cho biết: “Thật may mắn, nơi em ở không bị lockdown nên việc học, việc làm thêm của em vẫn ổn định. Việc học online không mấy khó khăn với em. Bên cạnh đó, em là người thích nghi khá nhanh nên không bị sốc hay bỡ ngỡ. Em luôn xác định là làm quen và sống chung với dịch COVID-19 nên không có bất cứ rào cản tâm lý nào”.
Mỗi du học sinh dù có tâm trạng khác nhau, nhưng điểm chung là sự cố gắng, nỗ lực vượt lên để thích nghi với môi trường, nhịp sống mới.