Vượt khó chạy chương trình

11:53, 25/02/2021

Thiếu thiết bị học tập, giáo viên không thể thực hiện thao tác trực quan, cầm tay nắn chữ. Học trò nghe, nói được mà khó hình dung được, nhìn thấy mà khó biết là gì... các thầy, cô giáo đã vận dụng tất cả các kỹ năng để học sinh tiếp cận kiến thức hoàn thành chương trình.

Trong số hơn 300 học sinh từ cấp mầm non đến THCS của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh đang học trực tuyến tại gia đình, có đến trên 30% không có thiết bị để học trực tuyến và thuộc diện gia đình khó khăn. Để các em duy trì hoạt động học tập trong thời gian tạm ngừ không đến lớp phòng chống dịch, bênh COVID-19, Trung tâm đã liên hệ với chính quyền địa phương, các khu dân cư hỗ trợ học sinh được mượn, nhờ thiết bị điện thoại thông minh và máy tính để học tập bảo đảm đúng chương trình. Điều này đã tác động mạnh đến tâm lý hào hứng học tập của học sinh và sự chúng tay vào cuộc hỗ trợ của cộng đồng xã hội đối với người yếu thế, khuyết tật.

Phụ huynh Lương Thị Hoa, trú tại phương Lương Châu, T.P Sông Công có con theo học lớp 6 tại Trung tâm không giấu nổi xúc động: “Nhà có hai cháu, cháu nhỏ thì học trực tuyến bình thường tại nhà theo chương trình học trực tuyến của trường tiểu học tại địa phương, còn cháu lớn bị khiếm thính nên việc học tập khó khăn hơn. Ban đầu, gia đình và bản thân cháu cũng khá lo lắng vì không biết sẽ cho con học thế nào, khi mà cả bố, mẹ đều không có kỹ năng sư phạm đối với trẻ khuyết tật. Đôi lúc thấy cháu tủi thân, bố mẹ thì bận đi làm, về chỉ biết động viên cho con xem ti vi, xem phim và tham gia những việc lặt vặt trong nhà. Rất may, khi Trung tâm triển khai nội dung học trực tuyến, cháu như thoát ra khỏi trạng thái tự kỷ. Chúng tôi đón nhận trong niềm vui vì không còn cảm giác người khuyết tật chịu thiệt thòi đứng ngoài cuộc trong hoàn cảnh giãn cánh xã hội... Và cứ tối đến cháu ăn cơm sớm rồi sang nhà hành xóm nhờ máy tính theo học trực tuyến qua phần mềm Room. Cô trò ra dấu hiệu với nhau rất đồng điệu, cười nói vui vẻ. Tôi cảm giác tối nào 3 tiết học cũng trôi đi thật nhanh, cháu học và làm hết bài tập ngay sau giờ buổi học”.

Cô Nguyễn Thị Kim Nhung, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Sau 1 tuần từ 18, đến 24-2 vận hành dạy học trực tuyến đã có trên 80% học sinh được học và hoàn thành đúng chương trình. Các buổi học trực tuyến chủ yếu dành cho gần 100 học sinh bậc THCS đều thực hiện vào buổi tối. Như vậy, giáo viên hầu như phải làm việc buổi tối. Nhưng ban ngày thì phải lựa chọn giáo án và đồ dùng học tập minh họa, thiết kế đồ họa, sắp xếp các video, slide phù hợp với bài giảng. Khó nhất chính là soạn giảng cho 3 nhóm đối tượng khiếm thính, khiếm thị và chậm phát triển. Đối với nhóm học sinh khuyết tật thì việc điểm danh không khó, các em rất hào hứng tương tác trong quá trình học trực tuyến, nhưng dạy thế nào cho các em hiểu mới khó. Hàng ngày trên lớp, hầu như giáo viên phái trực tiếp cầm tay, theo dõi từng cử chỉ các em xem có tiếp nhận được kiến thức hay không và mô phỏng bằng ngôn ngữ “cơ thể”. Để khắc phục những khó khăn này, tất cả giáo viên phải tự chủ động chuẩn bị đồ dùng học tập, hình họa và cắt ghép các video từ các nguồn học liệu của ngành Giáo dục. Còn đối với gần 200 em học tiểu học, giáo viên thực hiện hình thức giao bài tập qua hộp thư điện tử của phụ huynh, qua Zalo...”.

Mặc dù khó khăn trong việc tổ chức các giờ học, nhưng đội ngũ giáo viên đã vận dụng nhiều kỹ năng, khai thác các ưu thế của mỗi nhóm đối tượng khuyết tật để chuyển tải kiến thức cơ bản cho học sinh hoàn thành chương trình. Cô Dương Thị Thủy, Phó Hiệu trưởng, phụ trách khối THCS chia sẻ: “Giáo dục học sinh khuyết tật chủ yếu là nắm bắt tâm lý học sinh và thói quen, sở thích của nhóm đối tượng khuyết tật. Học sinh khiếm thính thì có năng lực “đặc biệt” sử dụng công nghệ thông tin, Hằng ngày các em liên hệ với nhau đều sử dụng Face Time, nên việc dạy học trực tuyến phải theo nguyên tắc trực quan là chính. Còn nhóm khiếm thị thì các em có năng lực nghe rất tốt, nên việc hướng dẫn học sinh phải rất cụ thể, rõ ràng và so sánh, đối chứng các vấn đề cũng phải rất thực tế, nhưng phải coi trong tâm lý giáo dục sư phạm phù hợp lứa tuổi, mức độ nhận thức...Tuy nhiên, vẫn còn một số ít học sinh gặp khó khăn khi chưa thể có thiết bị học tập trực tuyến thường xuyên, điều này rất cần sự chung tay chia sẻ của cộng đồng xã hội, để các em không bị rơi vào trạng thái mặc cảm, đứng ngoài cuộc”.