Ngày 4-3, Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) triển khai chuyên đề “Chuyển đổi số” đến toàn bộ cán bộ quản lý và lãnh đạo các trường trực thuộc.
Theo đó, các đơn vị tư vấn thực hiện dịch vụ về hệ thống phần mềm và hệ thống kỹ thuật như Tập đoàn AIC Group, Vietel đã xây dựng đề mô tổng quan và những giải pháp hữu ích phục vụ quá trình chuyển đổi số toàn Đại học trong từng giai đoạn từ 2021-2025 và 2025-2030. Hiện nay, ĐHTN đã và đang vận hành các quy trình theo hướng số hóa từ công tác quản trị, quản lý dữ liệu và kết nối, khai thác dữ liệu chung. Tuy nhiên, các phần mềm còn bộc lộ một số hạn chế như chưa đồng bộ các phần mềm, tích phân tích dữ liệu lớn chưa cao, hệ thống hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế, hoạt động tương tác chưa cao...
Đến nay, các trường Đại học thành viên của Đại học Thái Nguyên đã số hóa khoảng 90% giáo trình giảng dạy, 100% các luận văn, luận án, 40% tài liệu tham khảo; toàn Đại học cũng đã xây dựng được hơn 110 bài giảng điện tử. Nhiều hình thức học tập hiện đại như học trực tuyến, từ xa... đang được nhiều trường áp dụng, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Song trước những yêu cầu về nâng cao chất lượng, kết nối trong thời kỳ hội nhập quốc tế, nâng cao thứ hạng đại học, tư vấn chính sách cho các địa phương, đồng bộ hệ sinh thái phát triển giáo dục và đào tạo số hóa, ĐHTN cần có những thay đổi căn bản để tạo ra những giá trị mới từ chuyển đổi số.
Theo kế hoạch, trong 6 tháng đầu năm 2021, ĐHTN sẽ lựa chọn và vận hành thử các giải pháp phần mềm và hạ tầng kỹ thuật, tiến tới đồng bộ hóa dựa trên nguyên tắc đi tắt, đón đầu và bảo đảm tính kế thừa, phát triển bền vững theo các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.