Dạy học trực tuyến đã đạt được mục tiêu “kép”

16:01, 12/03/2021

Việc tổ chức hoạt động dạy và học trực tuyến được áp dụng rộng rãi trong các nhà trường thời gian qua, mặc dù là giải pháp mang tính tình thế, song đã đạt được mục tiêu “kép”: Áp dụng phương thức dạy học theo xu thế hiện đại; vừa đánh thức nhu cầu tự thân của người học trong điều kiện không thể tổ chức cho học sinh tới lớp.

Dạy học trực tuyến (E-Learning/Online learning) là phương thức học tập có sử dụng kết nối mạng hay phương tiện truyền thông để phục vụ dạy học, lấy tài liệu học, trao đổi, giao tiếp trong hoạt động dạy và học. Học sinh dễ dàng theo dõi tiến độ học tập, kết quả học tập và được hỗ trợ giải đáp thông tin kịp thời cũng như thuận lợi trong việc quản lý hoạt động nhà trường. Mặt mạnh cơ bản của phương thức dạy học trực tuyến là cách học cá thể hóa, theo nhu cầu, cho phép người học lựa chọn và xem lại nội dung, kết quả học tập như họ mong muốn. Người học học có thể độc lập về thời gian, không gian và trong mọi giai đoạn của cuộc đời.

Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), hiện đa phần giáo viên dạy học trực tuyến lựa chọn các công cụ như mạng xã hội Facebook, Zalo, qua email; hoặc các hệ thống như Zoom, Google Classroom, Microsoft Teams… để dạy học. Tuy nhiên, trong bối cảnh hạn tầng công nghệ, thiết bị và nguồn nhân lực chuyên môn sâu về công nghệ thông tin các nhà trường hiện nay chưa đồng bộ, còn thiếu, yếu và thích ứng tương tác giữa dạy và học chưa cao thì dạy học trực tuyến vẫn còn khó khăn. Từ năm 2020, đến nay, toàn ngành Giáo dục của tỉnh đã thực hiện hàng nghìn buổi học trực tuyến, đồng thời sản xuất hàng trăm bài giảng điện tử, giáo án điện tử bằng đồ họa thông tin, video, phát thanh... để chuyển đến các điểm (lõm) thông tin, hoặc lưu trữ dưới dạng số hóa trong dữ liệu điện tử của các trường hoặc dữ liệu dùng chung toàn ngành.

Theo đồng chí Phan Thị Phương, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Võ Nhai: “Võ Nhai còn nhiều điểm trường hạn chế trong kết nối internet, phụ huynh, học sinh và giáo viên chưa có thiết bị kết nối tốt, nên chưa đồng bộ. Trong hai đợt dạy học trực tuyến vừa qua, mới chỉ có trên 68% học sinh có thể học trực tuyến và hiệu quả tích cực chỉ đến với đối tượng học sinh từ bậc THCS trở lên. Chính vì vậy các trường đã chủ động in sao tài liệu, thu hình, tự sản xuất video rồi đến các điểm trường, các cụm dân cư phát lại, giống như hình thức chiếu phim lưu động trước đây. Thực tế việc sản xuất video, thiết kế đồ họa thông tin cần có thiết bị chuyên dụng, hoặc giáo viên chuyên sâu về công nghệ thông tin, đồ họa... Khắc phục những khó khăn này, các trường cũng đã chủ động khai thác dữ liệu của ngành để hỗ trợ các vùng “lõm” thông tin”.

Đồng chí Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT chia sẻ: “Hơn 2 tháng đầu năm 2021, toàn ngành đã thực hiện được 84.371 tiết học trực tuyến (bao gồm lớp học ảo và cung cấp học liệu, tài nguyên, yêu cầu học tập trên mạng...). Theo đó, trên 98% giáo viên dạy trực tuyến và 76,67% học sinh có đủ điều kiện học trực tuyến. Qua nhiều hình thức tổ chức học tập, đã có 82,21%, học sinh tham gia học trực tuyến. Về tổng thể, vấn đề dạy học trực tuyến là rất tiềm năng, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Khó nhất vẫn là hạ tầng và thiết bị dạy và học. Trong tương lai sẽ có các dịch vụ tiện ích như phòng học ảo trong cộng đồng và bản đồ số hóa theo quy hoạch chuyển đổi số của các nhóm ngành nghề để người dân có thể thụ hưởng những tiện ích dịch vụ công từ các lĩnh vực kinh tế - xã hội”.

Được biết, một trong những nội dung chuyển đổi số của ngành Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2021-2025 là kết hợp dạy học trực tiếp và trực tuyến, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giúp người học tiếp cận được với rất nhiều kiến thức, kĩ năng hiện đại trong và ngoài nước.