Chọn ngành nghề gì, học những gì và làm được những gì? là những băn khoăn mà phụ huynh, học sinh còn lúng túng khi lựa chọn nguyện vọng. Từ thực tế đó, những năm gần đây các trường đại học đã thay đổi cách tiếp cận tư vấn tuyển sinh và tư vấn nghề nghiệp bằng hình thức trực tiếp hỗ trợ các trường THPT trong hoạt động dạy học.
Thay vì tổ chức hoạt động “Ngày hội tuyển sinh”, “Ngày hội việc làm”, “Học sinh phổ thông trải nghiệm với môi trường đại học”... bằng hình thức đón học sinh các trường THPT trực tiếp đến với các trường đại học, từ năm học 2019-2020 đến nay, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (ĐHKTCN - Đại học Thái Nguyên) đã xây dựng các nội dung dạy học qua trải nghiệm đến các trường THPT trên đại bàn tỉnh. Với phương pháp tích hợp liên môn Khoa học tự nhiên, học sinh các trường được trực tiếp vận hành, thiết kế, chế tạo ra các sản phẩm công nghệ, từ đó sẽ luận giải bằng kiến thức bài học các môn Vật lý, Toán học, Hóa học, Tin học theo sách giáo khoa.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Duy Cương, Hiệu trưởng Trường ĐHKTCN Thái Nguyên cho biết: “Nếu sau mỗi bài học, học sinh được thực hành, vận dụng vào thực tế ngay, các em sẽ hiểu sâu và mở ra tư duy sáng tạo hơn khuôn khổ sách giáo khoa. Chính vì vậy, Trường đã trang bị cho toàn bộ các trường THPT trên địa bàn những thiết bị như: Máy đo thân nhiệt tự động, hệ thống cấp nước rửa tay sát khuẩn tự động, một số bài giảng thực hành điện tử vận dụng kiến thức liên môn. Mới đây là máy in 3D tự động hóa và robot điều hiển tự động... trị giá hàng tỷ đồng. Tất cả các sản phẩm này đều do giảng viên và sinh viên Nhà trường nghiên cứu, chế tạo và chuyển giao. Mục tiêu của Đại học không thuần túy là hỗ trợ các trường THPT xử lý tình huống như phòng, chống dịch hay in các sản phẩm 3D mà chính là phát triển chương trình giáo dục STEM”. Thiết kế và chế tạo các sản phẩm thực hành cho trường phổ thông cũng là một quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng, vừa bảo đảm các nguyên lý cơ bản của khoa học, vừa thân thiện, gần gũi với cuộc sống của học sinh.
Tiến sĩ Hoàng Tiến Đạt (Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao tri thức - ĐHKTCN) chia sẻ: “Với lứa tuổi học sinh phổ thông, khi mới tiếp cận các thiết bị, máy móc bao giờ cũng có cảm giác bỡ ngỡ. Để các em mạnh dạn tiếp cận thì người chế tạo phải thiết kế phù hợp với thực tế, để học sinh không có cảm giác xa lạ. Do đó, vật tư chế tạo các thiết bị này, chúng tôi cũng lựa chọn những gì mà có xung quanh cuộc sống của các em, như điều khiển ti vi, xích xe đạp chuyển động, khung nhôm, kẽm, thậm chí là bạt nhựa, tấm cách nhiệt trần nhà... Vấn đề là phải giải thích cho được: Tại sao lại dùng các vật liệu đó? Đưa vào chế tạo phù hợp vị trí nào?...”.
Là một trong những đơn vị được nhận hỗ trợ các thiết bị, Trường THPT Chu Văn An đã chủ động thành lập các câu lạc bộ STEM theo mức độ học tập của các thành viên, trong đó giáo viên bộ môn đóng vai trò làm chủ nhiệm và xây dựng kế hoạch thực hành theo sát với phân phối chương trình học tập chính khóa. Cô Nguyễn Thị Việt Hà, Hiệu trưởng Nhà trường nhận xét: “Có sẵn các thiết bị tại Trường lại được các giảng viên, sinh viên trực tiếp hướng dẫn vận hành, giảng giải các ứng dụng giữa lý thuyết với thực tiễn, việc dạy học trên lớp chính khóa trở nên đơn giản hơn. Từ thực tế đã hỗ trợ cho việc phân loại học sinh cũng như định hướng nghề nghiệp cho các em”.
Cùng quan điểm này, thầy Dương Xuân Bình, Hiệu Trưởng Trường THPT Điềm Thụy (Phú Bình) cho biết thêm: “Với vùng nông thôn, việc các trường đại học hỗ trợ giáo dục trải nghiệm sẽ giúp cho các em có những tư duy sáng tạo và ứng dụng ngay vào cuộc sống. Tiếp cận với phần học trải nghiệm đã giúp học sinh sáng chế ra các thiết bị khác, như: Hệ thống điều khiển tự động phun nước tưới cây, giàn che nắng, mưa cho nhà vườn tích hợp đo nhiệt độ báo thời tiết...
Có thể thấy, phát triển chương trình giáo dục STEM, học đi đôi với thực hành và cách tiếp cận giáo dục trải nghiệm của Trường ĐHKTCN với các trường THPT đã và đang đạt hiệu quả tích cực. Đây chính là một trong những giải pháp góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đổi mới giáo dục phổ thông.