Chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPT) đã được triển khai đồng bộ đối với lớp 1 trong điều kiện các trường đều phải khắc phục khó khăn để đáp ứng yêu cầu đặt ra. Theo lộ trình, năm học 2021-2022 sẽ tiếp tục triển khai đến lớp 2 và lớp 6, những khó khăn thiếu cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên tiếp tục phát sinh, đặt ra những vấn đề về chiến lược đầu tư phát triển bền vững đối với ngành Giáo dục.
Mặc dù năm học 2020-2021 chưa kết thúc, nhưng công tác chuẩn bị, dự tính cho năm học tiếp theo đã được các nhà trường xây dựng phương án, dự báo chi tiết. Tại T.X Phổ Yên, cấp tiểu học đang có 27 trường, với 537 lớp học, dự báo năm học 2021-2022 sẽ tăng 28 lớp. Với cấp THCS khi chuẩn bị thực hiện chương trình GDPT mới năm đầu tiên với lớp 6 thì cũng đã bắt đầu phát sinh áp lực thiếu giáo viên và phòng học bộ môn. Hiện, cấp THCS thị xã có 10.353 học sinh, tăng 704 em so với năm học 2019-2020 và có 257 phòng học, tăng 17 lớp so với năm trước và dự kiến năm học 2021-2022 sẽ tăng lên 11.000 học sinh, tăng thêm 13 lớp.
Đồng chí Nguyễn Thị Lượng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thị xã cho biết: “Theo quy định chương trình GDPT mới mỗi lớp học chỉ bố trí không quá 35 học sinh với cấp tiểu học, nhưng thực trạng bậc tiểu học toàn thị xã có 531 phòng học thông thường, trong đó mới có 56% được kiên cố, phòng học bộ môn mới có 19/162, đạt trên 11% theo quy định. Đối với cấp THCS số lượng phòng học bộ môn mới chỉ có 51/136, tương đương 37,5% theo quy định. Thực hiện chương trình GDPT mới, năm học tới toàn thị xã sẽ còn thiếu 228 phòng học bộ môn. Năm học 2020-2021 các trường đang phải khắc phục khó khăn bằng cách sử dụng hết các phòng thư viện, phòng họp, thậm chí cả nhà để xe làm phòng học”.
Về đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình GDPT mới, toàn ngành Giáo dục T.X Phổ Yên cũng gặp nhiều khó khăn, khi chuẩn bị kế hoạch cho năm học mới 2021-2022. Được biết, toàn thị xã dự kiến sẽ còn thiếu 257 giáo viên cấp tiểu học và 135 giáo viên cấp THCS. Thiếu giáo viên do cơ chế tuyển dụng chưa khuyến khích và đủ sức hút đối với đội ngũ giáo viên trẻ mới tốt nghiệp sư phạm. Hiện, toàn thị xã vẫn vận hành theo cơ chế chi trả hỗ trợ theo định mức khoán.
Đối với địa bàn T.P Thái Nguyên, áp lực thiếu phòng học và thiếu giáo viên cũng gia tăng theo từng năm. Theo báo cáo của Phòng GD&ĐT thành phố, năm học 2021-2022 toàn thành phố dự kiến thiếu 199 phòng học đối với cấp tiểu học và thiếu 192 phòng học với cấp THCS. Hiện tại các trường phải thực hiện giãn buổi lớp 1 và dự kiến lớp 6 khi thực hiện chương trình GDPT mới một số trường sẽ phải học 2 ca/ngày. Theo kế hoạch về quy mô phát triển trường, lớp trên địa bàn thành phố năm học 2021-2022 sẽ thiếu 863 giáo viên dạy lớp 1, lớp 2 và lớp 6.
Mặc dù hàng năm địa phương và ngành Giáo dục đã quan tâm đầu tư cho các trường trên địa bàn T.P Thái Nguyên và T.X Phổ Yên, song trước áp lực tăng học sinh hàng năm nên hai địa bàn này trở thành khó khăn nhất về phòng học và thiếu giáo viên. Theo đồng chí Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT: “Toàn tỉnh hiện có hơn 16.000 giáo viên, so với định mức biên chế quy định đang còn thiếu trên 5.300 giáo viên. Để triển khai chương trình mới, đối với cấp tiểu học, các môn Công nghệ và Tin học, Tiếng Anh, Giáo dục thể chất đều thiếu khoảng 200 giáo viên mỗi môn. Với cấp trung học cơ sở, thiếu ở môn Công nghệ, 116 giáo viên, môn Khoa học tự nhiên, 34 giáo viên, môn Lịch sử và Địa lý thiếu 57 giáo viên”.
Để khắc phục những khó khăn này, tỉnh cũng đã thực hiện cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở giáo dục công lập để thực hiện thuê, khoán giáo viên giảng dạy. Riêng năm 2021, tỉnh đã hỗ trợ trên 348 tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy với 5.370 định mức giáo viên. Các nhà trường không chỉ thuê, khoán giáo viên mới mà còn thuê, khoán với các giáo viên vừa nghỉ hưu, giáo viên ở trường khác. Tuy nhiên, đây chỉ giải pháp trước mắt, về lâu dài cần tiếp tục sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, ngành Giáo dục cần được bổ sung biên chế phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu của chương trình GDPT mới.