Mới đây, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Công an T.P Hà Nội phát hiện một đường dây in, gia công, tiêu thụ gần 3 triệu cuốn sách giả tại Công ty CP In - Văn hóa truyền thông Hà Nội và Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Phú Hưng Phát. Đáng lưu ý, nhóm đối tượng đã cấu kết với một số cửa hàng sách trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên để tiêu thụ sách giáo khoa (SGK) giả…
Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn T.P Thái Nguyên có hàng chục siêu thị, cửa hàng kinh doanh sách và các thiết bị trường học. Theo ông Trần Khánh Phương, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 (QLTT), Cục QLTT tỉnh: Đội QLTT số 2 được giao nhiệm vụ QLTT trên địa bàn T.P Thái Nguyên. Trong các sản phẩm kinh doanh SGK là mặt hàng tương đối khó khăn trong việc phát hiện hàng giả. Thực tế, chúng tôi phải trưng cầu, phối hợp với các nhà xuất bản, các nhà sản xuất mới xác định được sách in nối bản (sách giả) để có căn cứ pháp lý xử lý vi phạm hành chính. Bởi giữa SGK thật và SGK giả không có gì khác nhau về màu sắc, thậm chí các đối tượng còn sản xuất luôn cả tem giả.
Năm 2020, Cục QLTT tỉnh đã phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục kiểm tra đồng loạt các cửa hàng kinh doanh sách, thiết bị trường học trên địa bàn T.P Thái Nguyên. Qua kiểm tra, Đội QLTT số 1 và số 2 thuộc Cục QLTT tỉnh đã phát hiện một số cửa hàng bán SGK giả. Cụ thể, tại cửa hàng sách Tâm Thoa (số 56-58 đường Hoàng Văn Thụ) phát hiện 7 đầu sách bị làm giả, thu giữ 101 quyển SGK; cửa hàng sách Vũ Sơn (số 60, đường Hoàng Văn Thụ) có 14 đầu sách bị làm giả, thu giữ 305 quyển; tại Công ty CP Phát hành sách Thái Nguyên, địa chỉ số 65, đường Hoàng Văn Thụ, phát hiện 51 đầu sách bị làm giả, thu giữ 1.143 quyển; Siêu thị sách Gang Thép, địa chỉ tại số 381/1, đường Cách mạng Tháng Tám (T.P Thái Nguyên), phát hiện 44 đầu sách làm giả, thu giữ 954...
Toàn bộ số SGK trên giả mạo nhãn hiệu Nhà xuất bản Giáo dục. Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản tạm giữ số sách trên để xử lý theo quy định của pháp luật. Số SGK này chủ yếu từ lớp 2 đến lớp 9, gồm các môn như: Tiếng Anh, Lịch sử, Mỹ thuật, Tin học, Thực hành kỹ năng sống…, có giả mạo nhãn hiệu Nhà sản xuất Giáo dục. Sách giả được trà trộn với sách thật thành từng bộ và xếp xen kẽ trên kệ bán hàng.
Lực lượng Quản lý thị trường cùng các chuyên gia tiến hành kiểm tra sách thật, sách giả mạo tại một cửa hàng sách trên địa bàn T.P Thái Nguyên.
Ông Nguyễn Văn Mùi, Giám đốc Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học Thái Nguyên - đơn vị vị duy nhất trên địa bàn tỉnh thực hiện ký hợp đồng với các nhà xuất bản và chịu trách nhiệm phân phối SKG trên địa bàn tỉnh nhận định: Thái Nguyên là một trong những địa phương dễ phát sinh việc kinh doanh sách giả do nhu cầu lớn và là địa bàn trung chuyển từ Hà Nội đi các tỉnh trung du miền núi phía Bắc. SGK gồm 2 nhóm, là sách mới và sách tái bản. Nhóm sách tái bản, nhất là môn tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật và sách bổ trợ, sách tham khảo cho học sinh hay bị làm giả nhiều hơn do tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Hiện, các bộ sách cho từng khối lớp thường không làm giả tất cả mà chỉ trộn một vài đầu sách giả vào nên tương đối khó phát hiện.
Khảo sát tại một số cửa hàng sách trên địa bàn T.P Thái Nguyên, chúng tôi nhận thấy nhu cầu SGK cho năm học mới tương đối lớn. Đề cập đến việc mua số lượng trên 10 bộ, chủ cửa hàng tính phương án chiết khấu 10% trên tổng hóa đơn. Còn khách hàng có phân biệt sách giả hay thật không thì cơ bản không thể nhận ra, bởi từ màu sắc, chất liệu giấy và tem nhãn đều rất giống nhau.
Đề cập về vấn đề này, ông Nguyễn Công Liệu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lam Vỹ (Định Hóa) cho biết: Dù công tác trong ngành Giáo dục lâu năm nhưng nếu để hai cuốn SGK thật và giả trước mặt thì bản thân tôi cũng khó phân biệt được. Phụ huynh học sinh lại càng khó hơn. Do vậy, để đảm bảo chất lượng, nhất là nội dung sách chúng tôi định hướng cho gia đình đăng ký và đặt mua SGK qua Sở Giáo dục và Đào tạo.
Trước thềm năm học mới 2021 - 2022, thị trường SGK càng trở lên sôi động. Thời điểm này mặc dù nghỉ hè song rất nhiều gia đình đã chủ động mua SGK cho con em mình để xem trước. Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, lực lượng QLTT tăng cường kiểm tra, kiểm soát để phòng chống hàng giả, hàng lậu. Theo ông Trần Khánh Phương, Đội trưởng Đội QLTT số 2: Bám sát chỉ đạo của Cục QLTT, Đội sẽ tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh có hành vi vi phạm đối với hoạt động in ấn, phát hành, lưu thông xuất bản phẩm, SGK.
Việc sử dụng phải SGK, sách tham khảo giả trong trường học là mối lo rất lớn, nhất là những sai sót về nội dung, lỗi chính trị sẽ ảnh hưởng đến công tác giáo dục. Do vậy, rất cần các cơ sở giáo dục, bản thân gia đình nghiên cứu lựa chọn địa chỉ uy tín để mua được sách đảm bảo chất lượng. Ý kiến của nhiều người cũng đề nghị cơ quan chức năng tăng cường soát, bổ sung các quy định, chế tài xử lý hành vi in lậu, in trái phép, tàng trữ, tiêu thụ xuất bản phẩm in giả với mức thật nghiêm khắc, đủ tính răn đe.