Để chuẩn bị triển khai nội dung giáo dục địa phương trong chương trình năm học 2021-2022, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh đã hoàn tất khâu thẩm định để đưa các tài liệu vào dạy học tại các nhà trường. Mục tiêu trọng tâm được đề ra là để học sinh hiểu và thêm yêu, gắn bó với quê hương, xứ sở.
Ngay từ khi chuẩn bị xây dựng nội dung chương trình giáo dục địa phương, Sở GD&ĐT đã chú trọng mục tiêu gắn giáo dục trong nhà trường và kiến thức của các môn học với những vấn đề của tỉnh. Trên cơ sở đó, chương trình giáo dục sẽ giúp học sinh nâng cao hiểu biết về lịch sử, địa lý, văn hóa, xã hội, kinh tế, môi trường, định hướng nghề nghiệp của địa phương. Một mục tiêu quan trọng của chương trình là hình thành, nuôi dưỡng tình yêu, khơi dậy niềm tự hào của học sinh với quê hương. Qua đó, các em sẽ được nhận thức về trách nhiệm của bản thân, trang bị khả năng vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học để góp phần giải quyết những vấn đề đã và đang đặt ra tại chính địa phương mình sinh sống.
Hội đồng biên soạn chương trình giáo dục địa phương gồm các chuyên gia, nhà khoa học, chuyên viên phụ trách môn học cùng đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Sau quá trình biên soạn tài liệu, tổ chức dạy thể nghiệm, lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia và cán bộ, giáo viên, đến nay, chương trình giáo dục địa phương đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 6 của tỉnh Thái Nguyên đã cơ bản được hoàn thiện.
Đối với lớp 1 và lớp 2, nội dung được cụ thể hóa thành các hoạt động trải nghiệm lồng ghép gắn với đặc thù của địa phương, như: Lịch sử ATK Định Hóa; tìm hiểu về nghệ thuật múa rối cạn của người Tày; thông tin về làng nghề mộc mỹ nghệ ở huyện Phú Bình; nét đẹp trong Lễ hội xuống đồng; tham quan danh lam, thắng cảnh và di tích lịch sử...
Ông Nguyễn Hà Sơn, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT) cho biết: Tùy theo khả năng học tập, nhận thức của học sinh theo lứa tuổi, địa phương có thể linh hoạt đưa một số chủ đề vào giảng dạy. Đối với chương trình lớp 6, nội dung giáo dục địa phương được xây dựng thành các chủ đề bám sát thực tế của tỉnh Thái Nguyên, gồm: Văn học dân gian; một số loại hình nghệ thuật dân gian tiêu biểu; nét ẩm thực; trang phục các dân tộc; vùng đất Thái Nguyên từ thời nguyên thủy đến thế kỷ X; vị trí địa lý, phạm vi lãnh thổ; nghề truyền thống; biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai…
Theo ông Hoàng Việt Cường, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học và Giáo dục thường xuyên (Sở GD&ĐT): Chương trình sẽ được kết hợp giữa học tập trên lớp với hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường. Việc thực hành, tham quan thực tế, sưu tầm tư liệu, thực hiện dự án, hoạt động phục vụ cộng đồng… sẽ khơi dậy hứng thú cho học sinh, tạo động lực thúc đẩy các em quan tâm hơn đến kinh tế, xã hội, lịch sử, văn hóa... của tỉnh nhà.
Là lần đầu tiên triển khai nên việc xây dựng chương trình giáo dục địa phương không tránh khỏi những khó khăn. Đặc biệt, việc thống nhất nguồn ngữ liệu khi đưa vào chương trình đòi hỏi sự công phu, kỹ lưỡng, phối hợp chặt chẽ của tập thể hội đồng biên soạn và thẩm định. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên cho chương trình giáo dục địa phương cũng là vấn đề đáng quan tâm.
Theo kế hoạch, trước mắt, Sở GD&ĐT sẽ tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, từ đó chuẩn bị nguồn giáo viên, bài giảng mẫu và học liệu cho việc giảng dạy chương trình giáo dục địa phương. Trước mắt, ngành Giáo dục đặt ra kế hoạch xây dựng đội ngũ giáo viên bắt đầu từ hoạt động dạy học tích hợp và trải nghiệm liên môn. Mỗi lĩnh vực của giáo dục địa phương sẽ được chắt lọc để tích hợp vào từng môn học cụ thể, đồng thời có vận dụng toàn bộ kiến thức các môn vào từng tiết học... Từ đó, bổ trợ tích cực nhằm phát triển giáo dục toàn diện đối với thế hệ học sinh hôm nay.