Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021: Đánh giá năng lực kiến thức phổ thông

07:16, 06/07/2021

Kỳ thi tốt nghiệp THPT có ý nghĩa quan trọng với học sinh lớp 12, bởi kết quả này được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp và tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng. Tham gia Kỳ thi, mỗi thí sinh đều có những dự định riêng, nhưng mục đích quan trọng hàng đầu phải hoàn thành chính là để xét tốt nghiệp THPT. 

Do mục đích của Kỳ thi được xác định là để xét tốt nghiệp, vì vậy, những yêu cầu về kiến thức tối thiểu trong mỗi bài thi không còn quá cao và áp lực về thi cử quá nặng nề đối với thí sinh. Theo các quy định mới, sức hút của các trường đại học top đầu đã được sàng lọc một phần từ xét học bạ, hoặc đánh giá năng lực riêng phù hợp với ngành nghề đào tạo... Một số trường đại học, cao đẳng và các ngành học vẫn dựa vào kết quả điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển. Tuy nhiên, hình thức tổ chức thi 2 trong 1 (vừa để xét tốt nghiệp THPT và để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng) đã được thực hiện ổn định trong những năm gần đây cho thấy, mục đích và nhu cầu thi của học sinh được thể hiện rõ ràng. Thực tế này cũng được thể hiện ngay trong kỹ thuật ra đề thi của từng môn học đều có sự phân hóa rõ ràng, theo mức độ từ thấp đến cao. 

Trường THPT Trần Quốc Tuấn (Đồng Hỷ) tăng cường tổ chức ôn thi cho học sinh lớp 12 đến sát ngày thi tốt nghiệp.

Theo đăng ký, trong số gần 17.000 thí sinh trên địa bàn tỉnh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, có trên 5.300 thí sinh dự thi với mục đích để xét tốt nghiệp (chiếm trên 30%) và trên 500 thí sinh dự thi với mục đích lấy kết quả để xét tuyển vào các trường đại học. So sánh với các năm 2019-2020, tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi với mục đích để xét tốt nghiệp tăng từ 20% lên 30%. Đây là một trong những kết quả cho thấy việc phân luồng và định hướng nghề nghiệp trong giáo dục phổ thông bước đầu đã tạo ra sự chuyển biến rõ rệt đối với phụ huynh và học sinh. Căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh của các trường thành thuộc Đại học Thái Nguyên và các trường khu vực phía Bắc, số thí sinh đăng ký dự thi gồm cả hai mục đích là xét tốt nghiệp và tuyển sinh (trên 12.000) hoàn toàn có thể đỗ vào các trường đại học khi phổ điểm đạt từ 5-6 điểm/bài thi.

Trên thực tế, từ 2019 đến nay, các trường đại học đã mở rộng phương thức xét tuyển bằng học bạ và tăng chỉ tiêu tuyển sinh qua từng năm. Như Đại học Thái Nguyên dành trên 5.000 chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ, các trường đại học khu vực Hà Nội cũng tăng chỉ tiêu xét tuyển học bạ từ 5-7%. Như vậy, mức độ cạnh tranh cũng như áp lực đối với kỳ thi đã được giảm tải đáng kể. Và kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ không còn là yếu tố quyết định tất cả mục đích xét tuyển của thí sinh, thay vào đó là kết quả quá trình học tập của học sinh trong ba năm học THPT.

Học sinh lớp 12 ở các xã vùng cao, vùng xa của huyện Võ Nhai được tạo điều kiện lưu trú miễn phí tại trường để chủ động ôn thi tốt nghiệp THPT.

Về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay cơ bản được giữ nguyên mục đích, yêu cầu và mức độ đánh giá. Căn cứ tình hình thực tế, do ảnh hưởng dịch COVID-19, hơn 2 tháng qua, học sinh phải học trực tuyến, hiệu quả ôn tập không đồng đều. Vì vậy, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, những yêu cầu kiến thức cơ bản của đề thi có thể sẽ được điều chỉnh để giảm tải cho thí sinh và tăng mức độ phân hóa để các trường đại học làm căn cứ xét tuyển sinh. 

Cô giáo Lê Hương Ngân (nguyên giáo viên Trường THPT Chu Văn An) nhận định: Riêng với môn Ngữ văn, theo hướng dẫn ôn tập của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cấu trúc mẫu đề thi được công bố thì nội dung không quá khó. Hai yêu cầu thể hiện rõ trong ôn tập là khuyến khích học sinh tự đọc, tự làm. Những nội dung không dạy trên lớp nhưng khuyến khích học sinh đọc thêm, thường là các văn bản đọc hiểu (thơ, truyện, kí, kịch...). Những nội dung tự học có hướng dẫn gồm, dạng dẫn tích hợp, kết hợp các bài có cùng nội dung. Ví dụ, trong chương trình lớp 12 có bài “Diễn đạt trong văn nghị luận”, lớp 11 có bài “Nghĩa của câu” được giảm tải và gộp lại gọn hơn.

Với môn Toán và các môn thi thuộc tổ hợp Khoa học tự nhiên đều có mức độ giảm tải và yêu cầu từ nhận biết, hiểu và xử lý. Thầy giáo Nguyễn Đức Huy, Trường THPT Điềm Thụy cho rằng: Đề thi tham khảo có những câu vận dụng và kiến thức nâng cao để phân loại học sinh. Môn Vật lý cũng vậy, đề bám sát nội dung chương trình giảm tải, bảo đảm yếu tố đánh giá năng lực học tập của học sinh theo yêu cầu của Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Các công thức vật lý được chú trọng trong nội dung đề thi, đòi hỏi người học phải hiểu rõ vấn đề trọng tâm trong từng nội dung kiến thức. Tuy nhiên, người học cần chú ý đến những câu hỏi vận dụng, thí sinh sẽ phải chủ động phân phối thời gian làm bài. Với các môn thi thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội, đề thi có cấu trúc hợp lý, phân phối từ khó đến dễ. Thực tế, nội dung đề thi và khung ôn tập có giảm tải về mức độ khó, chứ không cắt giảm chương trình. Do đó học sinh hiểu ở mức độ nào sẽ làm đến mức độ đó.

Mặc dù Kỳ thi tốt nghiệp THPT không tạo tâm lý quá nặng nề, áp lực cho thí sinh nhưng đây vẫn là kỳ thi quan trọng đối với mỗi học sinh. Yêu cầu đặt ra là Kỳ thi phải bảo đảm nghiêm túc và an toàn. Chính vì vậy, thí sinh cần bình tĩnh, tự tin và nỗ lực hoàn thành các bài thi theo năng lực của mình.