Năm học mới 2021 - 2022 đang cận kề, nhưng học sinh ở nhiều địa phương sẽ không thể tung tăng đến trường trong tiếng trống tưng bừng khai giảng ngày 5-9 tới. Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng không nhỏ trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức hoạt động giáo dục năm học mới này.
Hiện nay, một số địa phương đã cho học sinh tựu trường nhưng cũng có những địa phương chưa thể tựu trường do ảnh hưởng của dịch bệnh. Kế hoạch dạy học những ngày đầu năm học cũng không giống nhau, nơi dạy học trực tiếp, nơi dạy học trực tuyến.
Ngày đến trường không đồng điệu
Năm học mới 2021 - 2022, Bắc Kạn là một trong những địa phương tổ chức cho học sinh khai giảng và đi học tại trường nhờ kiểm soát tốt dịch COVID-19. Những ngày này, ngành giáo dục và các địa phương đang tập trung chuẩn bị các điều kiện tốt nhất, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch để đón các em học sinh tới lớp. Toàn tỉnh tổ chức khai giảng năm học mới vào ngày 5-9 và bắt đầu thực hiện kế hoạch dạy học từ ngày 6-9.
Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú Ba Bể Lê Thị Bạch cho biết, năm học mới, trường có tám lớp với 280 học sinh THCS cùng đội ngũ 36 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trong tháng 8, nhà trường đã chia tổ, thực hiện giãn cách để vệ sinh toàn bộ trường, lớp, sửa chữa hệ thống điện bị hư hại. Đến nay, cơ sở vật chất đã sẵn sàng đón các em học sinh tựu trường. Để bảo đảm an toàn, từng lớp sẽ có cán bộ, giáo viên đo thân nhiệt hằng ngày, có đủ dung dịch vệ sinh sát khuẩn và phát khẩu trang miễn phí cho học sinh.
Ngoài ra, nhà trường sẽ chia ca ăn hằng ngày, mỗi em nhận khẩu phần ăn riêng, mỗi bàn ngồi hai em thay vì ngồi tập trung như trước đây. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Bắc Kạn đã ban hành các văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố rà soát bổ sung, chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; yêu cầu các đơn vị lập kế hoạch chi tiết, cụ thể. Bên cạnh việc mua sắm bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, các đơn vị cần chú trọng thực hiện phong trào tự làm đồ dùng, thiết bị học tập để bổ sung cho năm học.
Tuy nhiên không phải địa phương nào cũng giống như Bắc Kạn có thể lên kế hoạch dạy học trực tiếp ngay đầu năm học mới. Nhiều địa phương phải tổ chức dạy học và lên kế hoạch khai giảng trực tuyến. Tại Hà Nội, ngày khai giảng tới, Sở GD và ĐT sẽ phải tổ chức lễ khai giảng truyền hình, phát thanh trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tạo không khí phấn khởi cho giáo viên, học sinh bảo đảm an toàn, phù hợp tình hình diễn biến dịch bệnh và điều kiện thực tiễn của các địa phương.
Tại Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội) là một trong nhiều trường của Hà Nội đã xây dựng kế hoạch dạy học trực tuyến, tựu trường khá sớm. Theo đó, từ ngày 16-8, học sinh tựu trường trực tuyến, học tất cả các buổi sáng từ thứ 2 đến thứ 7 hằng tuần. Khối 11, 12 hoàn thiện các nội dung trong kế hoạch giáo dục các bộ môn ở tuần cuối học kỳ II năm học 2020 - 2021; giới thiệu chương trình các bộ môn trong năm học mới 2021 - 2022; khối 10 nhận bàn giao, làm quen và hướng dẫn sử dụng hệ thống công nghệ thông tin của nhà trường; học nội quy; giới thiệu nội dung chương trình các bộ môn chuẩn bị năm học mới.
Theo thầy giáo Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa), đây là giai đoạn khởi động, ôn tập chương trình cũ và giới thiệu chương trình năm học mới, tạo đà để học sinh học tập tốt nhất cho nên trường không thu bất kỳ một khoản kinh phí nào. Tại Trường THPT Phùng Khắc Khoan (huyện Thạch Thất, Hà Nội), thầy giáo Nghiêm Hồng Trung, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, việc xây dựng đồng bộ hai kế hoạch dạy học tuy mất thời gian, công sức nhưng sẽ giúp giáo viên, học sinh chủ động hơn trong việc thực hiện các hoạt động giáo dục. Nhà trường đã cấp tài khoản học trực tuyến và tập huấn học trực tuyến trên nền tảng microsoft-teams cho học sinh.
Ngày 1-9 nhà trường sẽ tương tác với học sinh, cha mẹ học sinh để chạy thử chương trình dạy học trực tuyến; giáo dục truyền thống của trường, thông báo các văn bản, quy chế, nội quy tới học sinh. Đối với khối 12, tập trung dạy tăng cường thêm ba môn: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh ngay từ đầu năm học.
Theo Bộ GD và ĐT, nhiệm vụ đầu tiên cần thực hiện tốt trong năm học là phòng, chống dịch, bảo đảm trường học an toàn và nâng cao chất lượng giáo dục. Vì vậy, các trường cần chủ động xây dựng kế hoạch dạy học trực tuyến, trên truyền hình; phát triển kho học liệu điện tử để sử dụng hiệu quả. Đồng thời, xây dựng các bài học điện tử để giao cho học sinh thực hiện phù hợp trên môi trường mạng, ưu tiên nội dung các em có thể tự học, tự nghiên cứu như: Đọc sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, xem video, thí nghiệm mô phỏng để trả lời câu hỏi, bài tập được giao…
Từng bước tháo gỡ những khó khăn
Một trong những điểm đáng chú ý khi chuẩn bị bước vào năm học mới 2021 - 2022 là những khó khăn trong chuẩn bị các điều kiện cho việc dạy và học. Tại một số địa phương như TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía nam, công tác chuẩn bị năm học mới như: Xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục; mua sắm sách giáo khoa, đồ dùng học tập được ghi nhận gặp nhiều khó khăn, vất vả do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Có con năm nay học lớp 8, Trường THCS Tân Sơn (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh), chị Ngô Thị Trọng chia sẻ, năm học mới cận kề, nhưng chị cũng như nhiều phụ huynh khác còn gặp khó khăn trong việc chuẩn bị sách giáo khoa, sách tham khảo, đồ dùng học tập cho con. Thời điểm hiện tại, tất cả các nhà sách đều đóng cửa để phòng, chống dịch. Phụ huynh chỉ biết đặt mua trên mạng, nhưng phần lớn cũng chưa nhận được sách do việc giao nhận gặp khó khăn.
Phó Giám đốc phụ trách Sở GD và ĐT thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu cho biết, dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Nhiều trường học ở thành phố đang được trưng dụng để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch làm khu cách ly tập trung cho nên việc chuẩn bị cho năm học mới gặp nhiều khó khăn.
Để tháo gỡ khó khăn, trước mắt, các trường THCS, THPT tổ chức hướng dẫn học sinh kỹ năng, phương pháp học trên internet từ ngày 1 đến 5-9; ngày 6-9 sẽ bắt đầu giảng dạy theo chương trình năm học mới 2021 - 2022. Các trường tiểu học tổ chức hướng dẫn học sinh kỹ năng, phương pháp học trên internet từ ngày 8 đến 19-9; ngày 20-9 giảng dạy theo chương trình năm học mới. Riêng lớp 1, sẽ xây dựng các đoạn phim bài giảng và đưa lên môi trường internet để giúp phụ huynh tương tác, hướng dẫn trẻ học, làm quen dần với việc học trên môi trường internet.
Các địa phương cũng tập trung các giải pháp nhằm chia sẻ khó khăn với học sinh. TP Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương hỗ trợ 100% học phí theo mức thu học phí công lập năm học 2021 - 2022 với tổng kinh phí hơn 87 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, áp dụng cho trẻ mầm non, học sinh các trường phổ thông công lập, ngoài công lập.
Giám đốc Sở GD và ĐT Đà Nẵng Lê Thị Bích Thuận cho biết, đã yêu cầu các phòng GD và ĐT, các trung tâm giáo dục thường xuyên, hiệu trưởng các trường đặc biệt quan tâm, hỗ trợ học sinh học trực tuyến. Đối với những học sinh vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn không có máy tính, không có mạng để học, sẽ phô-tô tài liệu để gửi đến học sinh, động viên các em học tập. Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, học sinh có thể đi học trở lại bình thường, nhà trường, giáo viên quan tâm, tạo điều kiện với các học sinh chưa có đủ phương tiện học tập trực tuyến, dạy bổ sung thêm kiến thức để các em nắm được cơ bản môn học, động viên các em cùng cố gắng học tập.
Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, hiện nay, dịch COVID-19 diễn ra hết sức căng thẳng, cho nên việc xây dựng kế hoạch giáo dục thích ứng với tình hình dịch bệnh, nhất là dạy học theo hình thức trực tuyến được các trường chú trọng triển khai.
Nhằm bảo đảm quyền lợi học tập cho học sinh, Bộ GD và ĐT đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo thực hiện tiếp nhận, tạo điều kiện cho học sinh học tập tại nơi cư trú do dịch COVID-19 năm học 2021 - 2022.
Cụ thể, tiếp nhận, tạo điều kiện cho các học sinh có nguyện vọng vào học tập tại trường học nơi học sinh cư trú trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19, phù hợp điều kiện thực tế của địa phương, nhà trường. Phối hợp với các địa phương, nhà trường nơi học sinh có nguyện vọng chuyển đi và chuyển đến (bằng văn bản gửi qua email hoặc hệ thống quản lý văn bản điện tử e-office) để tiếp nhận và bố trí, xếp lớp cho học sinh học tập theo đúng đối tượng. Quan tâm hỗ trợ học sinh được tiếp nhận về các điều kiện học tập cần thiết như sách giáo khoa, tài liệu học tập; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh học tập theo kế hoạch giáo dục của nhà trường…