Trước xu thế tất yếu của chuyển đổi số, ngành Giáo dục huyện Phú Lương đã và đang có nhiều hoạt động tích cực nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số. Những cách làm linh hoạt, quyết liệt trong công tác này bước đầu đã hỗ trợ đáng kể cho đổi mới phương thức dạy và học, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp.
Thực hiện Chương trình chuyển đổi số (CĐS) ngành Giáo dục tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện đã xây dựng và triển khai kế hoạch chi tiết cho từng năm. Mục tiêu chung là thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS toàn Ngành, làm cơ sở thực hiện mục tiêu đổi mới phương thức dạy và học, quản lý giáo dục và quản trị nhà trường, góp phần tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng và hiệu quả của hệ thống giáo dục; hình thành nền tảng số cho xã hội học tập, tạo cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng tốt với chi phí thấp cho người dân trên địa bàn huyện.
Kế hoạch cũng đề ra nhiệm vụ cụ thể về công tác CĐS trong ngành Giáo dục huyện bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế. Mục tiêu trước mắt phấn đấu từ nay đến năm 2025, hệ thống thông tin điều hành, quản lý giáo dục toàn Ngành được kết nối thông suốt với các cơ sở giáo dục trực thuộc và cơ quan quản lý giáo dục cấp tỉnh; bảo đảm 50% các hoạt động nghiệp vụ được thực hiện trên môi trường số, 80% hồ sơ giấy được cắt giảm; 100% cơ sở giáo dục áp dụng hệ thống quản trị nhà trường dựa trên dữ liệu và công nghệ số; 100% học sinh tiểu học, THCS trên địa bàn có hồ sơ số về việc học tập cá nhân.
Trong năm học 2021-2022, 100% trường tiểu học, THCS trên địa bàn thực hiện chương trình học bạ điện tử đối với học sinh khối lớp 1 và lớp 6.
Khó khăn nhất đối với ngành Giáo dục huyện Phú Lương là địa bàn rộng và có trên 40% trong tổng số 53 cơ sở giáo dục thuộc các xã miền núi, xã vùng khó khăn và là vùng “lõm” thông tin.
Với quan điểm: CĐS phải bắt đầu từ chuyển đổi tư duy trong môi trường số hóa và vận hành đồng bộ theo một quy trình số từ khâu quản trị, đến các hoạt động giáo dục từ trường học đến gia đình và xã hội, từ đầu năm 2021 đến nay, Phòng GD&ĐT huyện đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và thực hành ứng dụng công nghệ thông tin đạt trên 80%; có 100% giáo viên sử dụng thành thạo thiết bị công nghệ thông tin vào dạy học trực tuyến, quản lý hồ sơ định danh học sinh, quản lý dữ liệu điểm, giáo án và các hoạt động thu, chi qua dữ liệu điện tử được số hóa. 100% các nhà trường đã thực hiện quản trị bằng dữ liệu điện tử, nhất là thay thế giao dịch tiền mặt bằng điện tử.
Theo đánh giá của ngành Giáo dục huyện, đến tháng 12-2021, 100% trường học đã thực hiện được dạy học trực tuyến và tổ chức mô hình phòng học không giới hạn.
Ông Nguyễn Đức Dũng, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Phú Lương chia sẻ: “Toàn ngành Giáo dục huyện có trên 400 cán bộ, giáo viên, nhân viên thuộc lứa tuổi trên 50 nên khả năng tiếp cận công nghệ thông tin hạn chế và chậm. Song, khi nhận thấy CĐS là điều kiện bắt buộc, tất cả đã chủ động tự học tập nâng cao. Sự tương tác chủ động tạo ra một hiệu ứng không một ai bị bỏ rơi lại phía sau khi thực hiện CĐS”.
Khảo sát tại Trường Tiểu học Yên Ninh, một trong những trường miền núi khó khăn và xa nhất của huyện Phú Lương, chúng tôi nhận thấy, ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS trong quản lý, dạy và học trực tuyến đã thôi thúc toàn trường bắt nhịp yêu cầu mới.
Thầy giáo Hoàng Văn Luận, phụ trách môn Tin học chia sẻ: “Nhà trường đã tiến hành khảo sát: Trên 90% học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 đều sử dụng thành thạo máy tính, điện thoại thông minh. Song, hầu như các em chỉ dùng giải trí ngoài giờ. Trường đã hỗ trợ phụ huynh toàn trường về ứng dụng và sử dụng các phần mềm hỗ trợ dạy học trực tuyến... Yêu cầu đối với toàn thể giáo viên trong trường là: Phải quản lí lớp học tốt hơn; chuẩn bị cho buổi học trực tuyến hiệu quả; tăng hứng thú cho học sinh; kiểm soát chất lượng sau khi buổi học”…
Có thể nói, chuyển biến bước đầu khi thực hiện CĐS đối với ngành Giáo dục Phú Lương là mỗi giáo viên đã có những nỗ lực thay đổi tích cực. Bên cạnh đó Ngành đã nhận được sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đầu tư nâng cấp thiết bị cho các nhà trường từng bước hiện đại.
Hiện 100% trường học có kết nối internet cáp quang, đảm bảo phục vụ dạy và học của hơn 1.800 cán bộ, giáo viên và hơn 20.000 học sinh trên địa bàn. Toàn bộ học sinh cấp tiểu học và THCS đều được học môn Tin học, tất cả các phòng học của các khối lớp 1, 2, 6 đều được lắp đặt tivi.