Học sinh đưa kiến thức khoa học vào thực tế

10:48, 11/02/2022

Dạy và học gắn với trải nghiệm, ứng dụng thực tế cuộc sống là một trong những nội dung đổi mới phương pháp dạy học của Trường THPT Sông Công nhằm thích ứng với Chương trình giáo dục phổ thông mới. Phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo” đã lan tỏa đến từng môn học và thúc đẩy năng lực vận dụng kiến thức từ sách giáo khoa vào thực tế của học sinh, tạo ra nhiều sản phẩm công nghệ có tính ứng dụng cao.

Nhóm học sinh Lưu Hải Hà (lớp 12C1) và Hoàng Ngọc Anh (lớp 10A5), Trường THPT Sông Công vừa thực hiện thành công Đề tài lĩnh vực Vật lý và thiên văn, nghiên cứu thiết kế bảng học ghép vần chữ Braille, giúp cho trẻ khiếm thị bước đầu học có thể tự ghép vần. Sản phẩm được thiết kế với quy trình sử dụng tiện lợi: Trẻ khiếm thị dùng tay sờ và cảm nhận các ký tự Braille được thiết kế trên sản phẩm theo chiều từ trái qua phải; ấn nút tương ứng với hàng ký tự Braille vừa cảm nhận; sản phẩm sẽ phát ra âm thanh ghép vần mà trẻ vừa cảm nhận được.

Khi sử dụng sản phẩm, trẻ khiếm thị sẽ biết được cách ghép của các ký tự thành vần. Qua đó, trẻ cũng cảm nhận được các ký tự chữ nổi Braille một cách trực quan nhất.

Mỗi người có một ưu thế riêng, nhưng khi bắt tay cộng tác thực hiện một sản phẩm cụ thể thì kiến thức từng người được phát huy hết năng lực. Về các tính toán ứng dụng môn Vật lý, Lưu Hải Hà vững kiến thức hơn do đã có nền tảng môn học này đến lớp 12. Nhưng về ý tưởng và trực quan, ứng dụng cũng như các yếu tố tác động bởi ánh sáng, khúc xạ, Vật lý thiên văn thì Hoàng Ngọc Anh lại được trải nghiệm nhiều hơn, bởi thường xuyên tiếp xúc với người khiếm thị...

Em Lưu Hải Hà chia sẻ: “Chúng em thực hiện Đề tài này với mong muốn giúp các bạn nhỏ khiếm thị ghép vần tuân thủ theo đúng quy tắc ghép vần của bảng mã Braille tiêu chuẩn, sớm thành thạo trong việc ghép vần chữ Braille và có thể học một cách nhanh chóng. Đề tài còn phù hợp với những trẻ khiếm thị có thể tự học và ôn tập cách ghép vần chữ Braille tại nhà khi không có người hướng dẫn”.

Tính ứng dụng cao, lại có giá trị nhân văn, trách nhiệm xã hội với người yếu thế... Đề tài này đã đạt giải Nhì tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh năm 2021 dành cho học sinh phổ thông.

Cô giáo Phạm Thị Ánh Tuyết, người trực tiếp hướng dẫn các em thực hiện Đề tài, nhận xét: Đề tài không quá khó và xa lạ với học sinh, nhưng các em đã biết vận dụng sáng tạo những kiên thức từ lớp 9 đến lớp 12. Đích cuối cùng là có thể nhân rộng và ứng dụng được ngay, ít có tác dụng phụ. Thực tế, các em đã quan sát rất kỹ đối tượng sử dụng, cũng như giải pháp thi công. Có thể nói, phía sau sản phẩm có cả cái tâm của người chế tạo.

Hoàng Ngọc Anh tuy mới học lớp 10, nhưng em đã có những tìm hiểu về đời sống người khiếm thị. Anh chia sẻ: Việt Nam hiện vẫn còn khoảng 100.000 trẻ khiếm thị (tương đương 70%) chưa được đi học. Người khiếm thị gặp khó khăn rất lớn trong việc tiếp thu kiến thức, tham gia các hoạt động học tập, đặc biệt là trong giai đoạn mới bắt đầu học chữ. Quan tâm động viên học sinh tìm tòi, nghiên cứu các đề tài hướng tới phục vụ những nhóm đối tượng yếu thế, thiệt thòi trong xã hội là việc làm mang ý nghĩa giáo dục nhân văn.

Ở lĩnh vực kỹ thuật cơ khí, hai học sinh Vũ Thị Hương Giang và Nguyễn Thanh Mai, lớp 10A5, đã nghiên cứu và chế tạo ra sản phẩm ứng dụng công nghệ cơ khí vào hoạt động chăm sóc sức khỏe. Sản phẩm thiết kế găng tay thông minh, hỗ trợ chẩn đoán tình trạng của bệnh nhân Parkinson đo tần số, biên độ rung được nhận biết qua hệ thống cảm biến, truyền dẫn dữ liệu và xử lý trên App điện thoại thông minh rồi thu nạp trên máy tính để bác sĩ có thể theo dõi từ xa, có phương pháp diều trị tại nhà cho người bệnh.

Dù không đạt giải cao, nhưng học sinh lớp 10 khi ứng dụng các kiến thức cơ bản về Vật lý, Toán tin và số hóa các dữ liệu đã cho thấy kỹ năng làm việc số hóa được các em tích hợp và ứng dụng nhanh, phù hợp với xu hướng chuyển đổi số.

Nói về phong trào thi đua lao động sáng tạo, dạy đi đôi với thực hành của Nhà trường, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Huỳnh cho biết: Trong 2 năm học gần đây nhất (2020-2022), Trường có 13/16 đề tài của học sinh tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh đạt giải. Bên cạnh việc khuyến khích giáo viên và học sinh tìm tòi, sáng tạo, nghiên cứu, Nhà trường cũng có nhiều hình thức khích lệ học sinh học tập rèn luyện. Sau giờ học chính khóa, sân trường, phòng thí nghiệm và kể cả các nhà máy, bệnh viện trong khu vực T.P Sông Công đều trở thành điểm thực tế của học sinh theo từng chuyên đề. Trải nghiệm thực tế đã hỗ trợ tích cực cho hoạt động giảng dạy, học sinh chủ động giải quyết bài tập sau các giờ học chính khóa.