Khi doanh nghiệp cùng vào cuộc đào tạo nhân lực

08:35, 28/02/2022

Trong nền kinh tế thị trường phát triển, nhất là xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học có sự tham gia của các doanh nghiệp (DN) có vai trò kết nối cung-cầu về nhân lực và sản phẩm khoa học-công nghệ. Xuất phát từ yêu cầu khách quan của quy luật kinh tế, quy luật cung cầu, đảm bảo lợi ích từ ba bên: Nhà nước-Nhà trường-DN, những năm gần đây, các trường của Đại học Thái Nguyên luôn có sự đồng hành của các DN.

Với quan điểm lấy nhà tuyển dụng đánh giá chất lượng sinh viên tốt nghiệp cũng như chất lượng đào tạo, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp đã lựa chọn mục tiêu đào tạo theo nhu cầu nhân lực của các DN trong và ngoài nước.

Với DN liên doanh, có vốn đầu tư nước ngoài, điều kiện bắt buộc với các kỹ sư là phải thành thạo ngoại ngữ (tiếng Anh) và chủ động lập kế hoạch làm việc hiệu quả. Từ những tiêu chí này, dù không phải là điều kiện bắt buộc của Trường, nhưng bản thân sinh viên tự nhận thức rõ: Muốn có môi trường làm việc hiện đại, chuẩn quốc tế và có thể tham gia thị trường lao động tại các nước trên thế giới thì phải cập chuẩn.

TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Phòng Công tác học sinh, sinh viên, cho biết: Mỗi năm, Trường lựa chọn ký kết và thu hút từ 2-3 DN có vốn đầu tư nước ngoài và các tổng công ty lớn trong nước đến tham gia vào quy trình đào tạo kỹ sư cơ khí và điện, tự động hóa... điển hình như: Cannon, Toyota, Samsung, Tổng công ty Lilama, Tổng công ty Sông Đà… DN đến Nhà trường tìm nhân lực, đồng thời khuyến nghị đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo với giảng viên, trang bị kỹ năng cho sinh viên.

PGS, TS-Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng Phòng Đào tạo, cho biết thêm: Các DN cần nhân lực là kỹ sư trình độ cao để làm việc nên khi tham gia bổ sung khung chương trình đào tạo, DN cũng thẳng thắn đưa ra các ý kiến, như: Đào tạo đại học cũng cần phân luồng, sàng lọc kỹ để lựa chọn những người có thiên hướng nghiên cứu khoa học, hoặc theo hướng thực hành, ứng dụng; với phương châm sinh viên dự định chọn ngành nghề gì thì tập trung đào tạo nghề đó và tăng thực hành, thực tế thực tập từ 6 tuần lên đến 12-15 tuần tại DN. Những thay đổi này từ đề xuất của DN và Trường cũng đồng bộ hóa khoảng thời gian thực tập đó chính là “công xưởng và giảng đường là một”.

Sinh viên Nguyễn Khánh Thái, Khoa Điện tử K50, tâm sự: “Em xác định học để tìm kiếm cơ hội làm việc trong các liên doanh nước ngoài, nên đã dành nhiều thời gian học tiếng Anh ngay từ năm đầu, khi đạt chuẩn tốt nghiệp thì cũng là lúc đi thực tập. Tại môi trường làm việc của Samsung, em đã vận dụng kiến thức đã học và vốn tiếng Anh, nên nhanh chóng quen, đồng thời giám sát kỹ thuật Công ty đã tiến cử em hưởng hỗ trợ hàng tháng 5 triệu đồng, sau 3 tuần chuyển vị trí vận hành sang điều khiển và giám sát”.

Được biết, hàng năm Trường cử trên 200 sinh viên tham gia thực tập, thực hành tại các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, 100% sinh viên sau khi hoàn thành thực tập tại các DN hợp tác đào tạo sau khi tốt nghiệp được các DN này ưu tiên tuyển dụng.

Khoa Chăn nuôi-Thú y (Trường Đại học Nông lâm) là một trong những đơn vị có nhiều hợp tác đào tạo theo đặt hàng của các DN, thường xuyên cập nhật thông tin mới về kỹ thuật và thị trường.

Cũng như một số ngành đào tạo của Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Khoa Chăn nuôi-Thú y (Trường Đại học Nông lâm) thực hiện cải tiến phương pháp và nội dung chương trình đào tạo theo nhu cầu tuyển dụng của DN.

TS Phan Thị Hồng Phúc, Trưởng khoa, cho biết: “Trước đây, hoạt động sản xuất, chăn nuôi khu vực miền núi chủ yếu dựa theo mô hình gia trại, kinh tế tổng hợp kết hợp vườn-ao-chuồng... thì sau này đã dần thay đổi theo mô hình chuyên biệt cho từng loại cây, con và liên kết thành các trang trại, vùng nguyên liệu. Thực tế quy mô sản xuất đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh, tiêu thụ… và bắt buộc Nhà trường phải có những thay đổi trong nội dung, phương pháp đào tạo. Bác sĩ thú y phải biết tiếng Anh khi làm việc, giao dịch về các thông tin kỹ thuật, thị trường quốc tế, xu hướng sản xuất, tiêu thụ hàng hóa...”.

Liên tục từ năm 2015 đến nay, Khoa Chăn nuôi-Thú y đã tổ chức hàng trăm diễn đàn, hội thảo với quy mô khác nhau, trong đó chủ yếu dành cho các cơ quan, DN đóng góp cho chương trình đào tạo của các bộ môn trong Khoa.

Từ đó, chương trình đào tạo thường xuyên được đổi mới, nhất là các kỹ năng làm việc trong môi trường hiện đại, tự động và có sự kiểm soát chặt chẽ về chất lượng lao động, chất lượng sản phẩm. Điển hình như các DN: Công ty CP Japfa Comfeed, Công ty CP Thuốc thú y Đức Hạnh Marphavet, Công ty CP Thú y xanh Việt Nam, Công ty Biovet…

Sự tham gia cộng tác của các DN vào hoạt động đào tạo của Trường, Khoa đã đem lại những thông tin hữu ích cho cả giảng viên, sinh viên. Mỗi năm, hàng trăm sinh viên thực tập chuyên môn và thực tập tốt nghiệp đã được các DN tiếp nhận, đồng thời hỗ trợ sinh viên học bổng, tiền công hàng tháng trong quá trình thực tập.

Đây chính là động lực thu hút sinh viên nỗ lực học tập, trang bị đầy đủ kiến thức và các yêu cầu về tiêu chuẩn thực tập sinh, tiêu chuẩn tuyển dụng làm việc trước khi bước vào môi trường sản xuất hiện đại. Nếu như năm 2015, Khoa mới có 30% sinh viên thực tập tốt nghiệp tại các DN, thì đến nay 100% sinh viên được tham gia thực tập…