Để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo hội nhập khu vực ASEAN, những năm gần đây, Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) đã định kỳ rà soát, xây dựng chương trình đào tạo (CTĐT) gắn với khung trình độ quốc gia, nhu cầu xã hội. Đặc biệt, ĐHTN chỉ đạo các trường thành viên đối sánh CTĐT với các CTĐT tiên tiến trong và ngoài nước; định kỳ phối hợp với Mạng lưới đảm bảo chất lượng các trường đại học ASEAN (AUN-QA) tổ chức đánh giá CTĐT theo chuẩn AUN-QA.
ĐHTN trở thành thành viên liên kết của AUN-QA từ năm 2015. Những năm qua, ĐHTN đã tích cực thúc đẩy hợp tác về đảm bảo chất lượng, đào tạo và nghiên cứu khoa học; xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng và áp dụng các khung đảm bảo chất lượng cấp trường và CTĐT của AUN-QA.
Việc triển khai đánh giá CTĐT theo AUN-QA là một trong những giải pháp được ĐHTN áp dụng nhằm nâng cao và khẳng định chất lượng hội nhập khu vực ASEAN. Hiện nay, 7 trường đại học thành viên của ĐHTN đã được công nhận kiểm định; 16 CTĐT được công nhận kiểm định, trong đó có 7 CTĐT được đánh giá bởi AUN-QA trong năm 2021.
Tiếp nối những thành quả trên, đầu tháng 4 vừa qua, ĐHTN đã phối hợp với AUN-QA tổ chức đánh giá trực tuyến 4 CTĐT, trong đó 3 chương trình về Quản lý đất đai, Khoa học cây trồng, Quản lý tài nguyên rừng của Trường Đại học Nông lâm và CTĐT Kinh doanh quốc tế của Khoa Quốc tế.
Theo PGS-TS. Nguyễn Thúy Hà, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên: Nếu không ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Đoàn đánh giá sẽ sang Việt Nam trực tiếp kiểm chứng các tài liệu, phỏng vấn và tham quan thực tế. Để việc đánh giá trực tuyến hiệu quả, Phòng Quản lý chất lượng đã phối hợp với các khoa có CTĐT xây dựng các báo cáo tự đánh giá, chuẩn bị hồ sơ, minh chứng, phỏng vấn các đối tượng liên quan và live stream phát trực tiếp cơ sở vật chất để Đoàn đánh giá tìm ra điểm mạnh, điểm tồn tại và đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng đào tạo.
Khoa Quốc tế Đại học Thái Nguyên có trên 100 sinh viên đến từ 8 quốc gia đang học tập.
Tại chương trình, Ngài Shahrir Abdullah, Phó Chủ tịch Hội đồng AUN-QA và các chuyên gia kiểm định đã đánh giá những điểm mạnh, hạn chế cần khắc phục và khuyến nghị cho cả 4 CTĐT của ĐHTN. Nhìn chung, cả 4 CTĐT đều được đánh giá khả quan ở sự hài lòng của giảng viên và sinh viên, tính cập nhật kịp thời và bắt nhịp nhanh với các xu thế mới của từng ngành hiện nay.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng khuyến nghị các nhà trường được kiểm định CTĐT thường xuyên trao đổi với cơ sở giáo dục khác ở trong và ngoài nước để nâng cao chất lượng. Đồng thời xem xét, điều chỉnh chương trình phù hợp với nhu cầu của sinh viên, của xã hội và xu hướng học tập trực tuyến. Đối với các chương trình mới thì cần lên kế hoạch về nhân sự trong trung hạn và dài hạn để bảo duy trì, phát triển…
TS. Hà Xuân Linh, Trưởng Khoa Quốc tế cho biết thêm: Khoa Quốc tế là đơn vị đầu tiên kiểm định bộ tiêu chuẩn mới 4.0. Tại báo cáo tự đánh giá về CTĐT Kinh doanh quốc tế, chúng tôi đã đề cập 9 điểm mạnh và 9 điểm yếu với AUN-QA. Sau khi đánh giá, AUN-QA khuyến nghị Khoa thực hiện 3 nhóm nội dung chính gồm: Tiếp tục xây dựng và đổi mới CTĐT; bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị để sinh viên học tập tốt hơn; tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp để làm tốt công tác đào tạo. Các nội dung này, Khoa đã báo cáo ĐHTN và xây dựng phương án để tập trung cải thiện ngay nhằm nâng cao chất lượng đào tạo theo chuẩn quốc tế.
Còn đối với Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, theo TS. Nguyễn Chí Hiểu, Phó Hiệu trưởng Nhà trường: Từ bài học kinh nghiệm năm 2021 kiểm định 3 CTĐT là Chăn nuôi thú y, Thú y, Công nghệ thực phẩm, các khuyến cáo, đề nghị của AUN-QA về 3 CTĐT năm nay đã được Trường chỉ đạo Phòng Quản lý chất lượng phối hợp với các khoa tập trung hoàn thiện theo tiêu chuẩn chung. Slogan của Nhà trường là “Cùng bạn ra thế giới”. Việc xây dựng, kiểm định các CTĐT theo tiêu chuẩn AUN-QA chính là giải pháp mà Trường hướng tới đích đào tạo các lớp sinh viên hội nhập quốc tế…
Các đợt đánh giá là dịp để những đơn vị thành viên của ĐHTN nhìn nhận, rà soát những điểm mạnh, điểm yếu của mình trong phương pháp và hoạt động dạy học, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo trong tương lai gần.