Học sinh (HS) chưa ngoan được hiểu là các em thường xuyên vi phạm nội quy, quy chế của nhà trường, có biểu hiện chậm tiến bộ, chậm khắc phục các lỗi mắc phải. Vì vậy, để giúp HS tiến bộ, người thầy phải đồng hành, yêu thương thật sự, độ lượng giúp các em tự tin, dần thay đổi bản thân.
Chúng tôi được biết, những HS nghịch ngợm, phá phách không nghe lời thầy cô không phải là ít. Hầu như lớp nào, trường nào cũng có những HS như vậy, nhiều nhất là ở cấp THCS, THPT.
Dù các nhà trường đã sử dụng rất nhiều biện pháp giáo dục khác nhau (nói chuyện, khuyên răn, chép phạt, dọn vệ sinh…) nhưng không mấy hiệu quả. Nhiều gia đình cũng bất lực với chính con em họ nên đã đến trường đề nghị giáo viên (GV) hỗ trợ.
TS. Lê Thị Phương Hoa, Trưởng bộ môn Tâm lý học, Khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, cho rằng: Về góc độ lứa tuổi, trong chặng đường từ lớp 6 đến lớp 9, vất vả nhất là giáo dục học sinh lớp 7 và lớp 8. Nếu như HS lớp 6 còn sợ sệt thầy cô vì mới ở tiểu học lên, đến lớp 7 nét tính cách của tuổi dậy thì trỗi dậy, nhiều em tự cho mình là “cái rốn của vũ trụ” và người ảnh hưởng đến các em nhiều nhất chính là bạn bè. Bởi thế, các em rất dễ bị a dua với bạn chưa ngoan nếu bố mẹ không có sự kiểm soát, giám sát.
TS. Lê Thị Phương Hoa cho rằng có 3 nguyên nhân khiến GV và các bậc phụ huynh khó khăn trong việc giáo dục HS chưa ngoan đó là: Bản thân GV chưa có sự chuẩn bị đối diện với sự thay đổi bất ngờ, nhanh của độ tuổi HS từ bặc tiểu học lên bậc THCS về mặt tâm sinh lý. Thứ hai là về nghiệp vụ, năng lực tư vấn, hỗ trợ của GV, đặc biệt là GV chủ nhiệm. Mặc dù đã được tập huấn, song kỹ năng tư vấn của một số GV đối với HS khi phát hiện những khó khăn của HS còn hạn chế. GV phải có đủ khả năng nhận diện được dấu hiệu bất thường của HS (khó khăn), đủ năng lực hiểu được tính cách của HS và có nghiệp vụ mới hỗ trợ HS đạt hiệu quả. Vấn đề thứ ba là nhận thức của phụ huynh trong việc phối hợp cùng GV, nhà trường còn hời hợt. Nhiều phụ huynh cho rằng HS hư hay ngoan do phương pháp giáo dục của nhà trường. Nếu GV, phụ huynh không có sự thống nhất trong phối hợp giáo dục con em mình, với tính cách ngang bướng, ảnh hưởng của bạn bè chưa ngoan và môi trường bên ngoài, các em sẽ mắc sai phạm, thậm chí vi phạm pháp luật…
Học sinh thường rất hào hứng khi được tham gia các hoạt động tập thể, qua đó tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong lớp.
Để nâng cao hiệu quả việc giáo dục HS chưa ngoan, thời gian qua các nhà trường đã tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho HS. Nhiều nhà trường có những cách làm sáng tạo nhằm tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Đơn cử như Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Đại Từ đã thường xuyên chia sẻ những thông tin tích cực về đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử cho HS qua các mạng xã hội Zalo, Facebook… tới HS, phụ huynh tạo sự lan tỏa. Hằng tuần, tháng, Nhà trường tổ chức tuyên dương, khen thưởng những HS tiêu biểu trong học tập, rèn luyện.
Theo cô giáo Chu Thị Lan, Hiệu trưởng Nhà trường: Ban Giám hiệu định kỳ gặp gỡ, đối thoại, nắm bắt tâm tư, tình cảm, định hướng tư tưởng, giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của HS. Nhà trường phát huy hiệu quả của Hộp thư “Điều em muốn nói”, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, liên hệ giữa Nhà trường với phụ huynh HS trong việc giáo dục các em.
Về vấn đề này ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo cho biết: Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống và văn hóa ứng xử cho HS phổ thông của tỉnh, thời gian tới các đơn vị, trường học tiếp tục xây dựng và nhân rộng những tấm gương điển hình trong giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho HS bằng các việc làm cụ thể. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các phong trào, cuộc vận động, xây dựng nhân rộng mô hình: “Trường học dân chủ, kỷ cương, tình thương và trách nhiệm”, “Trường học thân thiện, HS tích cực”, “Trường học hạnh phúc”… nâng cao hiệu quả phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục HS”.