Để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, các trường nghề trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện “học đi với hành”. Trong điều kiện còn khó khăn về nguồn lực, các trường nghề đã đẩy mạnh phong trào thi đua sáng tạo, tích cực nghiên cứu, sản xuất thiết bị đào tạo nghề tự làm, giảm chi phí đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
Ông Mông Quốc Dũng, Trưởng Phòng Dạy nghề, Sở Lao động - TB&XH, cho biết: Qua thẩm định của cơ quan chuyên môn, chúng tôi thấy điểm nổi bật của thiết bị đào tạo nghề do cán bộ, giáo viên tự làm mang tính sư phạm, tính ứng dụng cao, phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và công nghệ.
Hiện, trên địa bàn của tỉnh có 35 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 11 trường cao đẳng, 9 trường trung cấp, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 5 cơ sở khác có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, với tổng quy mô tuyển sinh hơn 45.000 học sinh, sinh viên (HSSV)/năm.
Ông Nguyễn Văn Kiên, Phó Giám đốc Sở Lao động - TB&XH, tâm đắc nói: Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo, thực hành nghề tại các cơ sở đào tạo cơ bản đáp ứng cho thầy và trò, không có việc học chay vì thiếu thiết bị thực hành. Chính vì thế mà chất lượng đào tạo nghề không ngừng được nâng cao.
Nhưng nếu “chịu đầu tư” kinh phí cho thay đổi công nghệ, các cơ sở đào tạo nghề sẽ không có đủ lực để duy trì hoạt động. Bởi công nghệ không ngừng được thay thế, hiện đại của hôm nay, ngày mai có thể trở nên lỗi thời.
Giải bài toán “Thực học, thực hành”, các trường nghề duy trì hiệu quả phong trào phát huy sáng kiến cải tiến và tự làm thiết bị đào tạo nghề. Phong trào tập hợp được đội ngũ cán bộ, giáo viên tâm huyết, yêu nghề, cùng làm ra sản phẩm có giá trị phục vụ công tác đào tạo, thực hành nghề tại chỗ cho HSSV.
Điển hình như mô hình "Năng lượng mặt trời" của Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên; mô hình "Đo lường điện đa năng" của tập thể cán bộ, giáo viên Khoa Điện - MTT, Trường Trung cấp Nghề Thái Nguyên; mô hình "Hệ thống đánh lửa xe TOYOTA" của Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức; mô hình "Dàn trải hệ thống lạnh" của Khoa Điện tử - Điện lạnh, Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Thái Nguyên; mô hình "Bộ thực hành điện khí nén đa năng" của Khoa Điện, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thái Nguyên…
Điều không thể phủ nhận là hầu hết thiết bị đào tạo nghề tự làm của các đơn vị thực sự phát huy hiệu quả, có tính năng ứng dụng cao, đáp ứng tốt các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng của chương trình đào tạo và được sử dụng tối đa trong quá trình đào tạo.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Phòng Dạy nghề của Sở Lao động- TBXH, cho biết: Không chỉ tiết kiệm được một khoản kinh phí lớn trong đào tạo, quá trình tự làm thiết bị đào tạo nghề còn lôi cuốn đông đảo HSSV tham gia; tạo ấn tượng sâu sắc trong suy nghĩ của tuổi trẻ về tinh thần sáng tạo, khắc phục khó khăn trong mọi hoàn cảnh.
Tuy nhiên, phong trào tự làm thiết bị đào tạo nghề tại các cơ sở mới đáp ứng được một phần nhỏ. Nên các đơn vị chủ động phối hợp, gắn kết đào tạo với doanh nghiệp; vận động doanh nghiệp tiếp nhận HSSV đến thực tập nghề. Qua đó tạo cho HSSV được tiếp cận với thiết bị, máy móc, công nghệ hiện đại, có thể làm ra được sản phẩm tinh ngay khi đang học.
Đổi lại, doanh nghiệp có cơ hội tuyển chọn lao động trẻ vào làm việc mà không phải đào tạo lại. Hiện, các trường nghề ở Thái Nguyên hợp tác với hơn 200 doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh. Bình quân 1 năm có hơn 2.000 HSSV được doanh nghiệp tiếp nhận đến thực hành nghề và được ký hợp đồng lao động ngay sau tốt nghiệp.
Cách mạng công nghiệp 4.0, thiết bị công nghệ, dây chuyền sản xuất liên tục được cải tiến, thay thế mới. Nhiều nghề không còn phù hợp phải giải thể, đồng thời nhiều nghề mới được bổ sung. Nên việc các trường tổ chức cho cán bộ, giáo viên tự làm thiết bị đào tạo nghề là xu hướng phù hợp, có ý nghĩa quan trọng đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Đây cũng là thử thách, đồng thời là cơ hội cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trường nghề có sân chơi bổ ích, bộc lộ tài năng qua niềm say mê nghiên cứu, ứng dụng khoa học vào việc sáng chế, cải tiến thiết bị đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo nghề.