Giữ ngọn lửa nghề

Thúy Hằng 17:11, 20/11/2022

Định hướng phát triển giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) giai đoạn 2021-2030 được Đại hội XIII của Đảng xác định là: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và trọng dụng nhân tài”. Mỗi nhà giáo, bằng những cách khác nhau, đã và đang tham gia vào quá trình đổi mới giáo dục bằng sự tận tâm, tận lực, trách nhiệm. 

Giờ học của cô và trò lớp 1A, Trường Tiểu học Trưng Vương (TP.Thái Nguyên) luôn sôi nổi, vui vẻ.
Giờ học của cô và trò lớp 1A, Trường Tiểu học Trưng Vương (TP.Thái Nguyên) luôn sôi nổi, vui vẻ.

Trong tiến trình xây dựng Nhà trường trở thành ngôi trường hạnh phúc, Nhà giáo Ưu tú Ngô Thị Quyên, Hiệu trưởng Trường THPT Gang Thép luôn trăn trở về nhiều vấn đề. Cô chia sẻ với chúng tôi: Muốn có những học trò giỏi thì phải có những người thầy tốt. Nhà giáo không chỉ đóng vai trò quan trọng trong truyền bá kiến thức, kỹ năng mà còn góp phần hình thành và phát triển nhân cách người học. Thông qua việc dạy học, người thầy phải “gieo mầm” những phẩm chất tốt đẹp, tạo dựng cho người học thái độ và năng lực nghề nghiệp cần thiết để trở thành người có ích cho xã hội.

Để là người “truyền lửa” cũng như giữ ngọn lửa nghề, lớp lớp các thế hệ giáo viên Trường THPT Gang Thép luôn giữ được bầu nhiệt huyết và tình yêu với nghề. Trò chuyện với chúng tôi, cô giáo Trần Thị Vân Nguyệt, Tổ Ngữ văn, nói: Để dạy tốt văn hóa, mỗi nhà giáo phải biết nắm bắt tâm lý của học sinh (HS) để đưa ra biện pháp giáo dục tốt nhất. Lên lớp quan sát có những HS ít chia sẻ, biểu hiện tâm lý bất ổn, tôi nắm bắt kịp thời hoàn cảnh gia đình để phối hợp cùng phụ huynh tìm hướng tháo gỡ. Nếu các thầy, cô giáo đều coi HS như con em mình để quan tâm, yêu thương, dạy bảo thì tôi cho rằng sẽ mang lại những trái ngọt… 

Hiệu quả bước đầu trong thực hiện mục tiêu xây dựng ngôi trường hạnh phúc ở Trường THPT Gang Thép đó chính là đã thành lập được Câu lạc bộ (CLB) Dạy con nên người. Tôn chỉ hoạt động của CLB là "gia đình và nhà trường là một" để tăng cường sự phối hợp giữa các thầy, cô giáo và phụ huynh trong việc giáo dục HS. CLB thu hút toàn bộ phụ huynh các lớp cùng đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, Bí thư Đoàn trường tham gia. Hiệu quả rõ nét nhất trong hoạt động của CLB là giúp HS sống có trách nhiệm hơn với bản thân và cộng đồng, nuôi dưỡng hoài bão, ước mơ để trở thành người có ích cho xã hội. 

Gần 100% học sinh điểm trường xóm Liên Phương, Trường Tiểu học số 1 Văn Lăng (Đồng Hỷ) là con em đồng bào các dân tộc thiểu số, vì thế cùng với việc dạy văn hóa, giáo viên phải tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ.
Gần 100% học sinh điểm trường xóm Liên Phương, Trường Tiểu học số 1 Văn Lăng (Đồng Hỷ) là con em đồng bào các dân tộc thiểu số, vì thế cùng với việc dạy văn hóa, giáo viên phải tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ.

"Ngành nghề nào rồi cũng đối diện với khó khăn, nhưng nghề giáo thì quả là không đong đếm nổi áp lực. Chỉ khi nào giáo viên luôn ấp ủ lòng yêu nghề và nuôi dưỡng tình thương với học trò thì mới sản sinh được những nguồn năng lượng tích cực để vượt qua áp lực, hoàn thành sứ mệnh cao cả của người "kỹ sư tâm hồn". Bởi vậy, không yêu nghề, thương trò thì không thể làm nghề giáo" - Đó là chia sẻ của cô Đinh Thị Thu Hương, giáo viên bộ môn Lịch sử, Trường THPT Chuyên Thái Nguyên.

Với suy nghĩ như trên, khi được giao phụ trách Đội tuyển thi HS giỏi Quốc gia môn Lịch sử của Trường, cô Hương đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, theo sát HS trên từng bước đường. Đáp lại sự tận tâm dẫn dắt của các thầy, cô giáo Trường THPT Chuyên Thái Nguyên, các em HS tham gia kỳ thi chọn HS giỏi Quốc gia năm 2022 ở cả 12 bộ môn đều rất nỗ lực và có 57/94 em đạt giải (gồm 3 giải Nhất, 10 giải Nhì, 18 giải Ba và 26 giải Khuyến khích). Riêng môn Lịch sử có kết quả tốt nhất với 2 giải Nhất, 3 giải Nhì, 2 giải Ba và 2 giải Khuyến khích. Đặc biệt, em Bùi Quỳnh Nga đã gây ấn tượng với “cú đúp” 2 năm liên tục (2021-2022) đạt 2 giải Nhất cấp Quốc gia môn Lịch sử.

Nếu như dạy ở bậc THPT thuận lợi hơn vì các em HS đã hình thành ý thức thì ở bậc tiểu học, các thầy, cô giáo được ví như “họa sĩ” mà HS chính là những trang giấy trắng. 25 năm đứng trên bục giảng thì 24 năm cô giáo Nguyễn Thu An, Trường Tiểu học Trưng Vương (TP.Thái Nguyên) đảm nhận dạy lớp 1. Theo cô An, dù dạy ở bất cứ bậc học nào thì giáo viên cũng cần giữ được sự chuẩn mực có tính chất truyền thống đối với xã hội, đồng nghiệp và bản thân mình. Với suy nghĩ như vậy, cô không cho phép mình lơ là trách nhiệm dù chỉ là một giờ lên lớp. Với sự nỗ lực không ngừng trong công tác, nhiều năm liền cô An đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi, giành giải Nhất tại các hội thi viết chữ đẹp cấp thành phố; 3 năm liên tục đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen…

Sở dĩ nghề dạy học được coi là cao quý nhất bởi đó là nghề "trồng người". Người làm nghề "trồng người" không chỉ cần có kiến thức rộng, tầm nhìn sâu mà còn phải là một tấm gương sáng về nhân cách, phẩm hạnh. Hiện nay, toàn ngành Giáo dục tỉnh có trên 26 nghìn cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên công tác tại 697 cơ sở giáo dục. Với trọng trách lớn lao được xã hội, nhân dân giao phó, các thầy, cô giáo đã nỗ lực thắp lên và giữ ngọn lửa niềm tin, ngọn lửa tri thức để thắp sáng niềm tin, lý tưởng cao đẹp cho các thế hệ HS vững bước tới tương lai.


Từ khóa:

giáo dục

ngọn lửa nghề