Xây dựng văn hóa học đường: Cần đổi mới cả nội dung và phương pháp

Hằng Nga 09:07, 26/12/2022

Xây dựng văn hóa học đường là thực hiện một quá trình quản lý giáo dục trong mỗi nhà trường nhằm phát triển trường học thành môi trường văn hóa, giáo dục lành mạnh. Thời gian qua, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã quan tâm giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và văn hóa ứng xử cho học sinh (HS). Tuy nhiên, nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục trong trường học vẫn còn chậm đổi mới.

Trường THCS Tân Lập (TP. Thái Nguyên) xây dựng góc đọc sách, mua nhiều sách về tâm lý lứa tuổi để học sinh đọc tự trang bị kiến thức, xây dựng nếp sống đẹp.
Trường THCS Tân Lập (TP. Thái Nguyên) xây dựng góc đọc sách, mua nhiều sách về tâm lý lứa tuổi để học sinh đọc tự trang bị kiến thức, xây dựng nếp sống đẹp.

Ngay từ đầu năm học 2022-2023 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ bạo lực học đường tại Trường THCS Nam Tiến (TP. Phổ Yên) và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Phú Lương.

Tình trạng bạo lực học đường không chỉ diễn ra ở thành thị mà còn ở nông thôn, không chỉ ở HS nam mà ở cả HS nữ. Tuy các vụ việc không làm ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, song có tác động xấu đến môi trường giáo dục.

Điều đáng nói là nguyên nhân dẫn tới các vụ việc tưởng chừng rất đơn giản, song lại được giải quyết bằng những cuộc ẩu đả. Không chỉ hành hung bạn ngay trong lớp học, khu vực cổng trường, mà nhiều HS thấy bạn bị đánh đã không can ngăn còn quay clip đưa lên mạng, thể hiện sự thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm với bạn bè.

Từ năm học 2021-2022, thực hiện chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường học trên địa bàn đã tăng cường công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và văn hóa ứng xử trong giai đoạn 2021-2025.

Các nhà trường đã tập trung xây dựng kế hoạch tổ chức giáo dục phẩm chất lễ phép, thân thiện, trung thực và trách nhiệm; xây dựng tiêu chí về văn hóa ứng xử cho cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên và HS. Nâng cao hiệu quả triển khai công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Nhiều trường đã tăng cường hỗ trợ tư vấn tâm lý, giáo dục pháp luật, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội… cho HS.

Tuy nhiên, ngoài một số trường có phòng tư vấn học đường, lập Zalo riêng để HS kết nối với chuyên gia tâm lý chia sẻ những vấn đề khó nói để nhận được những tư vấn kịp thời như Trường THPT Chuyên Thái Nguyên; Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Đại Từ có hộp thư “Điều em muốn nói”, thì nhiều trường chưa thực sự quan tâm đến công tác này.

Thực tế tại một số trường, chúng tôi nhận thấy ban giám hiệu các trường giao cho tổ chức Đoàn Thanh niên và đặt phòng tư vấn tâm lý tại văn phòng Đoàn, khiến nhiều HS e ngại khi cần chia sẻ, hỗ trợ, tư vấn về các vấn đề riêng tư.

Trường THPT Chuyên Thái Nguyên có nhiều câu lạc bộ thu hút học sinh tham gia theo khả năng, sở thích. Trong ảnh: Câu lạc bộ Nắng đã thực hiện được nhiều bài viết, bản tin tuyên truyền, giáo dục văn hóa ứng xử trong học sinh.
Trường THPT Chuyên Thái Nguyên có nhiều câu lạc bộ thu hút học sinh tham gia theo khả năng, sở thích. Trong ảnh: Câu lạc bộ Nắng đã thực hiện được nhiều bài viết, bản tin tuyên truyền, giáo dục văn hóa ứng xử trong học sinh.

Theo TS. Lê Thị Phương Hoa, Trưởng bộ môn Tâm lý học, Khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, bản thân giáo viên chưa có sự chuẩn bị đối diện với sự thay đổi bất ngờ, nhanh của độ tuổi HS từ bậc tiểu học lên bậc THCS về mặt tâm sinh lý. Mặt khác, nghiệp vụ, năng lực tư vấn, hỗ trợ của giáo viên, đặc biệt là đội ngũ chủ nhiệm còn nhiều hạn chế. Mặc dù đã được tập huấn, song kỹ năng tư vấn của một số giáo viên đối với HS khi phát hiện những khó khăn của HS còn hạn chế. GV phải có đủ khả năng nhận diện được dấu hiệu bất thường của HS (khó khăn), đủ năng lực hiểu được tính cách của HS và có nghiệp vụ mới hỗ trợ HS đạt hiệu quả. Chưa kể nhiều gia đình chưa quan tâm đúng mức, thậm chí phó mặc việc giáo dục con cho nhà trường…

Để xây dựng văn hóa học đường, vấn đề trước tiên là phải xác định được hệ giá trị văn hóa cần hình thành ở HS. Các nhà trường cần tăng cường tập huấn cho đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên làm công tác chủ nhiệm. Với giáo viên, cần sâu sát, nắm được đặc điểm tâm lí của HS phổ thông, từ đó nhận diện những vấn đề tích cực và tiêu cực của HS, để lựa chọn các biện pháp giáo dục phù hợp, giúp HS dần hoàn thiện về nhân cách.

Để công tác xây dựng văn hóa học đường đạt được những kết quả như kỳ vọng, ý kiến của nhiều phụ huynh, HS, giáo viên cho rằng ngoài các văn bản hướng dẫn theo giai đoạn hoặc năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường cấp tài liệu văn hóa học đường cho các nhà trường; tổ chức tập huấn các chuyên đề sinh hoạt Đoàn, Đội, giáo dục kỹ năng sống, chuyên đề văn hóa ứng xử trên mạng xã hội đối với HS...  cho các trường. Song song là các lớp tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong trường học; tổ chức tham quan học tập, phổ biến những kinh nghiệm, cách làm hay từ các trường trên địa bàn…