Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Làm rõ kết quả, khó khăn trong triển khai chương trình sách giáo khoa

Thúy Hằng 18:46, 22/12/2022

Chiều 22-12, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới Chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014-2022. Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, chủ trì Hội nghị.

 

Dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Đoàn Thị Hảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Đặng Xuân Trường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Mai Thị Thúy Nga, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh…

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng trên cơ sở quan điểm của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo (GDĐT). Từ thực tiễn triển khai ở các cơ sở giáo dục, góc độ quản lý nhà nước về lĩnh vực này, các đại biểu cần làm rõ những kết quả đạt được, vướng mắc, bất cập và nguyên nhân. Đồng thời đề xuất những giải pháp, kiến nghị hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong giai đoạn tới.

Theo báo cáo của Sở GDĐT: Chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều điểm nổi bật, đó là tăng cường thực hành và gắn với thực tiễn; Tích hợp cao ở các lớp cấp dưới và phân hóa dần ở các lớp học cấp trên. Sách giáo khoa phù hợp với thực tiễn giảng dạy, phát huy phẩm chất và năng lực học sinh, thiết kế, trình bày đẹp… Ngành Giáo dục đã tập trung tập huấn, bồi dưỡng giáo viên để triển khai Chương trình. Các cơ sở giáo dục chủ động bố trí giáo viên, xây dựng và tổ chức thực hiện tốt Chương trình sách giáo khoa mới.

Tuy nhiên, quá trình triển khai Chương trình còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như việc phân công chuyên môn của các môn học tích hợp, các môn và hoạt động giáo dục mới. Một số môn học, hoạt động giáo dục mới chưa có đủ giáo viên để giảng dạy. Cơ sở vật chất, phòng học nhiều trường mới chỉ đáp ứng được yêu cầu tối thiểu. Đội ngũ tác giả biên soạn tài liệu còn thiếu kinh nghiệm xây dựng chương trình giáo dục địa phương theo yêu cầu. Giáo viên hợp đồng khoán theo định mức chưa thực sự yên tâm công tác...

Ngành Giáo dục kiến nghị: Sớm ban hành Luật Nhà giáo; có chính sách phù hợp về lương cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nhằm động viên, khuyến khích nhà giáo yên tâm công tác; có cơ chế đảm bảo bổ sung kịp thời số lượng biên chế giáo viên theo định mức để đảm bảo thực hiện đầy đủ các nội dung theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đồng chí Đặng Xuân Trường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, phát biểu tại Hội nghị.
Đồng chí Đặng Xuân Trường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, phát biểu tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, các đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ nhiều nội dung như: Vấn đề phân cấp trong biên soạn chương trình. Việc bố trí giáo viên dạy theo chương trình mới; vấn đề chuẩn hóa đội ngũ; thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới ở các trường tư thục; việc biên soạn chương trình giáo dục địa phương phù hợp với độ tuổi...

Đồng chí Đoàn Thị Hảo đề nghị các ngành sớm hoàn chỉnh các báo cáo; đồng thời cho biết các ý kiến đóng góp tại buổi giám sát sẽ được tiếp thu, chọn lọc, tổng hợp để trình Quốc hội.