Nơi trường là nhà, thầy cô là cha mẹ

Hằng Nga 12:41, 19/12/2022

Hiện nay, các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú trên địa bàn tỉnh được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, có đầy đủ phòng học, phòng ở, nơi vui chơi, sinh hoạt chung... Trong suốt nhiều năm qua, những ngôi trường này đã trở thành "ngôi nhà thứ hai" của học sinh người dân tộc thiểu số (DTTS). Ở đây, thầy cô không chỉ là người cha, người mẹ thứ hai của học sinh mà còn là người bạn tâm tình giúp các em vượt qua khó khăn, từng bước tự tin mở ra cánh cửa tương lai.

Điểm trường Tiểu học số 2 Văn Lăng (Đồng Hỷ) tại xóm Liên Phương có 100% học sinh là con đồng bào dân tộc thiểu số. Trong ảnh: Cán bộ Công an huyện Đồng Hỷ tặng vở, bút, khăn đỏ cho học sinh của điểm trường.

Năm học 2022-2023 là năm cuối cấp của Trần Thị Ngọc Diệp, lớp 9A, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) THCS Phú Lương. Sau gần 4 năm học xa nhà, Diệp đã tự lập và trưởng thành hơn rất nhiều. Trò chuyện cùng chúng tôi, em vui vẻ kể: Đầu năm lớp 6, xa nhà, nhớ bố mẹ, em khóc rất nhiều. Nhưng được sự động viên, chia sẻ, giúp đỡ của các thầy, cô giáo em đã nhanh chóng thích nghi với môi trường mới. Thầy cô đã hướng dẫn em những việc nhỏ nhất khi sống trong môi trường tập thể. 

Có con học lớp 6 tại Trường PTDTNT THCS Phú Lương, chị Trần Thị Vinh, ở xã Yên Lạc rất yên tâm. Chị nói: Cháu vẫn còn nhỏ lại sống xa nhà, thiếu thốn sự quan tâm, sát sao của bố mẹ nên thời gian đầu tôi rất lo lắng. Nhưng khi nhận thấy con mình được các thầy cô quan tâm, dạy bảo, chăm sóc như con em trong nhà nên tôi rất biết ơn. Kể từ ngày có trường nội trú, được học tập, ăn nghỉ tập trung, kết quả học tập của cháu tốt hẳn lên. Những ngày cuối tuần được nghỉ, cháu đã biết giúp bố mẹ việc nhà và tự lập hẳn lên.

Ngoài giờ học trên lớp, các em học sinh Trường PTDTNT THCS Phú Lương tự học tại ký túc xá.

Ngoài sự quan tâm của các thầy cô giáo, những năm qua, hệ thống các trường PTDTNT, phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) cũng được tỉnh đầu tư đồng bộ từ hệ thống phòng học, ký túc xá, khu vệ sinh, sân chơi, nhà ăn…

Đơn cử như tại Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Văn Lăng (Đồng Hỷ), năm học 2022-2023, Nhà trường có 268 học sinh, trong đó có 220 em là người DTTS. Trong số này có 100 em đang ở bán trú và được hưởng các chính sách hỗ trợ theo Nghị định 116 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Đối với cấp tiểu học, học sinh nhỏ tuổi, phải sống xa cha mẹ, các thầy cô đã rất vất vả để vừa giáo dục, vừa chăm sóc các em. 

Cô giáo Nguyễn Thị Nguyên, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Văn Lăng, tâm sự: Vất vả nhất là các em lớp 1. Xa bố mẹ hay khóc là một chuyện, nhiều em chưa nói được tiếng phổ thông nên việc giao tiếp rất khó khăn. Đối với khối 1, toàn bộ việc tắm giặt của học sinh do các cô giáo đảm nhiệm, vừa làm vừa hướng dẫn để học sinh biết tự phục vụ.  Chúng tôi vừa dạy vừa dỗ, dần dần các em quen nền nếp thì việc tổ chức các hoạt động, phong trào rất tốt. Nhờ dạy học theo mô hình bán trú này mà học sinh đi học đầy đủ, duy trì sỹ số 100%.

Từ thực tế có thể thấy, mô hình trường PTDTNT, PTDTBT trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Theo đồng chí Hoàng Xuân Trường, Bí thư Đảng ủy xã Văn Lăng: Văn Lăng là xã đặc biệt khó khăn của huyện Đồng Hỷ. Tại đây, nếu không có hệ thống các trường bán trú thì tỷ lệ huy động học sinh ra lớp rất khó khăn. Từ sự đầu tư của tỉnh, hiện trên địa bàn xã có 2 trường PTDTBT cấp tiểu học và THCS. Từ đó, xã đã thực hiện được mục tiêu huy động 100% các cháu vào lớp 1 và lớp 6, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học.

Tại các trường PTDTNT, PTDTBT, ngoài giờ học trên lớp, thầy cô còn dành nhiều thời gian để chăm sóc, quan tâm các em từ mỗi bữa ăn, đến giấc ngủ, hướng dẫn các em giữ gìn văn hóa dân tộc trong sinh hoạt hằng ngày. Những hoạt động này đã tăng sự gắn kết giữa thầy cô, đưa trường học trở thành mái nhà ấm áp của các em học sinh người DTTS; đồng thời góp phần nâng cao chất lượng giáo dục bền vững ở vùng DTTS, miền núi.

Thái Nguyên hiện có 16 trường PTDTNT, PTDTBT, trong đó 6 trường PTDTNT (1 trường THPT và 5 trường THCS); 10 trường PTDTBT được xây dựng ở các xã có đông đồng bào DTTS. Tỷ lệ thu hút học sinh DTTS được học tại các trường PTDTNT là 8%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.