Xây dựng văn hóa đọc từ mỗi nhà trường

Hằng Nga 06:55, 17/04/2023

Khi xã hội ngày càng phát triển, yêu cầu về tri thức của mỗi con người trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đọc sách chính là một trong những phương tiện đơn giản và hiệu quả nhất để nâng cao hiểu biết cho mỗi người. Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa đọc, các nhà trường, tổ chức đoàn, hội sinh viên đã có nhiều hoạt động thiết thực để khơi dậy niềm đam mê với sách, lan toả văn hoá đọc trong học sinh, sinh viên.

Cô giáo Vũ Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Bo, xã Tràng Xá (Võ Nhai), đã xây dựng không gian đọc sách miễn phí cho học sinh tại nhà riêng.
Cô giáo Vũ Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Bo, xã Tràng Xá (Võ Nhai), đã xây dựng không gian đọc sách miễn phí cho học sinh tại nhà riêng.

Đến Trường Tiểu học Đội Cấn 1, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), điều khiến tôi ấn tượng nhất là ngay sau dãy nhà hiệu bộ, Nhà trường thiết kế không gian đọc sách rất thân thiện. Tại đây không có bàn, ghế, thay vào đó là những chiếc lốp ô tô cũ đã qua xử lý, sơn màu bắt mắt để học sinh ngồi đọc sách. Ai không thích ngồi ghế có thể ngồi bệt lên những tấm thảm nhựa sạch sẽ. Thư viện được bố trí đối diện không gian đọc, vì thế giờ ra chơi rất tiện cho học sinh mượn và đọc sách.

Những năm qua, Liên đội Trường Tiểu học Đội Cấn 1 còn thực hiện tốt chương trình “Đọc và làm theo báo Đội”. Liên đội tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của việc đọc và làm theo báo Đội thông qua các buổi sinh họp chi đội, chào cờ, sinh hoạt.

Qua các trang báo Đội, học sinh thấy được ý nghĩa của văn hóa đọc, những câu chuyện về lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, truyền thống lịch sử, tình cảm thầy trò. Phong trào “Đọc và làm theo báo Đội” như món ăn tinh thần góp phần không nhỏ vào việc nuôi dưỡng tâm hồn của mỗi học sinh.

Còn đối với Trường Tiểu học thị trấn Đu (Phú Lương), để tạo điểm nhấn, cảnh quan sư phạm, giúp học sinh có một sân chơi bổ ích sau giờ học căng thẳng, Nhà trường đã phát động các chi đội trang trí lớp học thân thiện và thư viện xanh. Sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, giáo viên, học sinh, sự ủng hộ của các bậc phụ huynh đã quy tụ được những khối óc sáng tạo, những đôi tay khéo léo và đôi mắt thẩm mĩ trang trí các lớp học và thư viện gần gũi, thân thiện với thiên nhiên. Đây là môi trường lý tưởng để học sinh đọc sách thư giãn sau những giờ học tập trên lớp. Qua đó hình thành thói quen, niềm say mê đọc sách của học sinh.

Thư viện Trường Tiểu học thị trấn Đu (Phú Lương) có hằng trăm đầu sách phù hợp với học sinh.
Thư viện Trường Tiểu học thị trấn Đu (Phú Lương) có hằng trăm đầu sách phù hợp với học sinh.

Trong những năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tích cực triển khai mô hình thư viện thân thiện ở các trường phù hợp với điều kiện thực tế và hiệu quả. Sở phối hợp với tổ chức Room to Read tài trợ theo dự án “Thiết lập thư viện trường Tiểu học tại Thái Nguyên” tại 112 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh.

Thông qua Dự án này, các trường được thụ hưởng đã được hỗ trợ hàng trăm bản sách. Qua đó phát huy được hiệu quả trong công tác giảng dạy của nhà trường. Ngoài những môn học chính khóa, học sinh có điều kiện để đọc sách, tiếp cận những tri thức mới, nhằm nâng cao kiến thức cho các em trong quá trình học tập.

Để hình thành thói quen đọc sách, ý thức tự học, tự nghiên cứu và phát triển ngôn ngữ tiếng Việt cho học sinh, các nhà trường đã tổ chức tốt những hoạt động như: Ngày hội đọc, tiết đọc thư viện, thi kể chuyện theo sách...

Các trường không thuộc phạm vi Dự án đã chủ động áp dụng toàn phần hoặc một số thành tố của mô hình phù hợp với điều kiện cụ thể; chú trọng đầu tư, nâng cấp, cải tạo hệ thống thư viện; làm giàu sách trong thư viện bằng nhiều nguồn như huy động xã hội hoá; tổ chức chương trình “góp 1 cuốn sách để được đọc nhiều cuốn sách hay”. Qua đó truyền cho học sinh đam mê với sách, giúp các em hình thành lối sống lành mạnh, hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử có hại cho sức khỏe và mạng xã hội thiếu kiểm soát ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý.

Không chỉ khối các trường phổ thông, những năm qua, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) cũng tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm lan tỏa niềm đam mê đọc sách tới sinh viên. Các hoạt động đã giúp sinh viên có cơ hội trao đổi, giới thiệu về cuốn sách yêu thích, chia sẻ những phương pháp đọc hiệu quả.

Là một trong những đơn vị tích cực hưởng ứng các hoạt động về sách và văn hóa đọc, Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp (Đại học Thái Nguyên - ĐHTN) luôn chú trọng tổ chức đa dạng các hoạt động, thu hút đông đảo sinh viên tham gia. Qua đó khẳng định vai trò của việc đọc sách, để sách thực sự trở thành chìa khóa tri thức, góp phần nâng tầm văn hóa cho sinh viên.

Theo kế hoạch từ 8 giờ đến 22 giờ ngày 20-4 tới, Ban Chấp hành Đoàn trường tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2023. Theo đó, Đoàn trường tổ chức thi trang trí góc học tập, thi vẽ tranh theo sách, thi các trò chơi dân gian, thi sân khấu kịch văn học và trưng bày khu sách và văn hóa đọc.

TS. Nguyễn Quang Đông, Chủ tịch Hội sinh viên ĐHTN, khẳng định: Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0, bên cạnh việc tiếp cận tri thức từ giảng viên và các kênh khác trong cuộc sống thì việc đọc sách chính là một trong những giải pháp tối ưu giúp các bạn trẻ tiếp cận thông tin nhanh, chính xác và dễ dàng nhất. Trong những năm qua, đoàn thanh niên, hội sinh viên các trường thành viên của ĐHTN đều xây dựng mô hình tủ sách thanh niên với nhiều loại sách, phong phú về nội dung như sách kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, pháp luật. Các nhà trường đặc biệt quan tâm, tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, tọa đàm về sách và văn hóa đọc, thi xếp sách, tìm kiếm đại sứ văn hóa đọc… Các hoạt động này cũng góp phần khẳng định vị trí, vai trò của văn hóa Việt Nam, đặc biệt là văn hóa đọc trong bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, hình thành lối sống lành mạnh của thế hệ trẻ.