Thêm động lực cho giáo viên hợp đồng

Thu Hằng 08:51, 14/09/2023

Trước thềm năm học mới, Nghị quyết số 14/2023/NQ-HĐND (NQ số 14) về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của NQ số 24 ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh về việc hỗ trợ kinh phí đối với các trường mầm non, phổ thông công lập thuộc tỉnh đã được thông qua. Theo đó, mức hỗ trợ đối với mỗi định mức khoán giáo viên từ bậc mầm non đến THCS và nhân viên nấu ăn được nâng từ 600 nghìn đồng đến 1,1 triệu đồng, đã mang lại niềm phấn khởi cho hàng nghìn giáo viên, nhân viên công tác tại các trường.

Một hoạt động ngoại khóa của cô, trò Trường Tiểu học Xuân Phương, Phú Bình.
Một hoạt động ngoại khóa của cô, trò Trường Tiểu học Xuân Phương, Phú Bình.

Trước đó, để khắc phục tình trạng thiếu biên chế tại các trường mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn, HĐND tỉnh đã ban hành NQ số 24 về việc hỗ trợ kinh phí đối với các trường mầm non, phổ thông công lập.

NQ này quy định mức hỗ trợ kinh phí đối với giáo viên hợp đồng tại các cấp và nhân viên nấu ăn tại cấp mầm non. Cụ thể, mỗi năm học, 1 định mức khoán được hỗ trợ 10 tháng. Mỗi tháng, giáo viên mầm non được hỗ trợ 4,9 triệu đồng; giáo viên tiểu học 5,5 triệu đồng; giáo viên THCS 5,3 triệu đồng và nhân viên nấu ăn 3,5 triệu đồng.

Mức hỗ trợ 1 định mức khoán được tính toán trên cơ sở hệ số lương khởi điểm của từng bậc học, phụ cấp ưu đãi theo hệ số lương và các loại bảo hiểm bằng 21,5% hệ số lương.

Định mức khoán nấu ăn được tính theo hệ số lương khởi điểm ở trình độ trung cấp 1,86 cộng với các loại bảo hiểm. Khi này, mức hỗ trợ được áp dụng theo mức lương tối thiểu là 1,49 triệu đồng/tháng.  

Từ tháng 7-2023, Nghị định số 38/2019/NĐ-CP ngày 9/5/2019 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang đã hết hiệu lực thi hành và được thay thế bằng Nghị định số 24/2023/NĐ-CP ngày 14/5/2023 của Chính phủ với việc tăng mức lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng.

Để đảm bảo thu nhập, cải thiện đời sống và thu hút người lao động hợp đồng giảng dạy ở các cấp học, nhân viên nấu ăn ở các trường mầm non, nhằm khắc phục tình trạng thiếu biên chế như hiện nay, trên cơ sở tờ trình của UBND tỉnh, tại Kỳ họp lần thứ 14 (kỳ họp chuyên đề) ngày 31/8/2023, HĐND tỉnh đã thông qua NQ số 14 sửa đổi, bổ sung một số điều của NQ số 24.

Theo đó, vẫn dựa trên cơ sở tính toán đối với một định mức khoán như trước đây, mỗi định mức khoán đối với giáo viên ở cả 3 bậc đều được tăng thêm 1,1 triệu đồng/tháng; định mức khoán của nhân viên nấu ăn tăng thêm 0,6 triệu đồng/tháng.

Cô giáo Doãn Thị Hồng Vân, Hiệu trưởng Trường THCS Hương Sơn, TP. Thái Nguyên, chia sẻ: Việc tỉnh kịp thời tăng hỗ trợ đối với mỗi định mức khoán cho giáo viên, nhân viên nấu ăn trở thành nguồn động viên lớn với cả giáo viên và các nhà trường. Mức hỗ trợ này sẽ giúp cuộc sống của thầy, cô dạy hợp đồng bớt khó khăn, từ đó yên tâm công tác.

Cũng có chung tâm trạng phấn khởi, cô giáo Nguyễn Thị Mai Hoa, Hiệu trưởng Trường Mầm non Phúc Thuận (TP. Phổ Yên), chia sẻ: Khi mức hỗ trợ thấp, việc tuyển giáo viên không đơn giản. Năm học trước, một số giáo viên hợp đồng của Trường trúng tuyển viên chức nên đã chuyển công tác sang các trường khác. Vì thế, Trường phải tuyển thêm giáo viên hợp đồng nhưng chưa đủ. Năm học này, với mức hỗ trợ mới, hy vọng việc tuyển giáo viên sẽ thuận lợi hơn.

Giờ tập tô của học sinh Trường Mầm non liên cơ Gang thép, TP. Thái Nguyên.
Giờ tập tô của học sinh Trường Mầm non liên cơ Gang thép, TP. Thái Nguyên.

Thời gian qua, việc tuyển giáo viên dạy hợp đồng khoán tại nhiều trường gặp không ít khó khăn, do mức hỗ trợ thấp. Trong khi đó, công việc lại khá vất vả, đòi hỏi trách nhiệm cao. Có không ít người dạy được một vài năm vẫn bỏ nghề, vì dạy xa nhà không đủ trang trải sinh hoạt, đi lại.

Trong khi đó, giữa người lao động với các trường hầu như không có gì ràng buộc. Vì thế, nhiều trường rơi vào tình trạng thiếu giáo viên hợp đồng nên phải huy động giáo viên trong biên chế dạy vượt giờ.  

Giờ đây, khi mức hỗ trợ đã được nâng lên, những khó khăn này sẽ phần nào được khắc phục. Tuy nhiên, bên cạnh sự phấn khởi thì theo nhiều hiệu trưởng và giáo viên dạy hợp đồng, điều mà họ luôn mong mỏi bấy lâu là nhà trường đứng ra đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) vẫn chưa được thực hiện, kinh phí vẫn do thầy cô tự trả.

Hiện, các giáo viên hợp đồng vẫn đang đóng bảo hiểm theo hình thức tự nguyện, nên không được hưởng nhiều chế độ ưu đãi như đóng theo các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp. Đơn cử như họ không được hưởng chế độ thai sản, ốm đau... Trong khi đó, phần lớn giáo viên dạy hợp đồng đều trong độ tuổi sinh đẻ.

Ngoài ra, những người đóng BHXH tự nguyện khi thi đỗ viên chức sẽ phải quay về hưởng mức lương thử việc 85%, từ 9-12 tháng (tùy bậc dạy), còn những trường hợp được đóng BHXH tại doanh nghiệp, tổ chức từ 9 tháng trở lên sẽ được hưởng luôn 100% lương theo ngạch bậc.

Chính vì điều này nên ở một khía cạnh nào đó, các trường tư thục hoặc các doanh nghiệp tư nhân vẫn có lợi thế, sức hấp dẫn hơn trường công lập trong thu hút người lao động.

Có thể nói, sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh đối với đội ngũ giáo viên, nhân viên hợp đồng khoán tại các trường học trên địa bàn tỉnh là sự động viên lớn đối với cả giáo viên và các nhà trường. Tuy nhiên, kiến nghị về việc được tham gia BHXH theo trường rất cần được các cấp, ngành quan tâm, để giáo viên, nhân viên ký hợp đồng lao động với các trường có thêm động lực gắn bó với nghề.