Ngay sau ngày 2/9/1945, Bác Hồ đọc Bản tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ lâm thời, Bác đề nghị mở chiến dịch chống nạn mù chữ vì “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”.
Học sinh đọc sách tại Thư viện Trường Tiểu học Nguyễn Huệ, TP. Thái Nguyên. |
Ngày 8/9/1945, Nha bình dân học vụ (BDHV) được thành lập, khóa huấn luyện giáo viên BDHV đầu tiên được mở ở Hà Nội mang tên Hồ Chí Minh. Sau lời phát động diệt “giặc dốt” của Bác, UBND cách mạng lâm trong cả nước đã hưởng ứng mạnh mẽ. Và lời dạy của Bác “Học không bao giờ cùng” đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Đồng lòng diệt “giặc dốt”
Lịch sử ngành Giáo dục tỉnh còn ghi rõ: Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, Ty Tiểu học vụ tỉnh Thái Nguyên do đồng chí Nguyễn Minh Tụng phụ trách và Ty BDHV tỉnh do đồng chí Phạm Duy Nhượng làm Trưởng Ty được thành lập, đánh dấu sự ra đời của ngành Giáo dục tỉnh Thái Nguyên.
Tháng 11-1945, khóa học BDHV đầu tiên được mở trong toàn tỉnh. Đến tháng 2-1946, Ty BDHV vụ tổ chức bế giảng khóa học đầu tiên với 669 lớp BDHV, với 921 giáo viên tham gia và hàng vạn học viên tham dự. Qua kiểm tra, hàng nghìn người đã thoát mù chữ.
Từ đây phong trào diệt “giặc dốt” phát triển rộng khắp ở các phố trong thị xã Thái Nguyên xuống các huyện lị, làng, xã. Khẩu hiệu “Đi học BDHV là yêu nước”, “Chống nạn thất học cũng như chống giặc ngoại xâm” được viết lên tường nhà, thông qua các buổi phát thanh mỗi sớm, chiều truyền vào từng nhà, ngõ xóm, kêu gọi đồng bào mau đến lớp học chữ. Từ đây, công cuộc xóa nạn mù chữ ở Thái Nguyên nhanh chóng trở thành một phong trào quần chúng rộng lớn.
Mặc dù năm nay bước sang tuổi 90 tuổi, nhưng khi nhắc lại những ngày đi dạy BDHV, ông Cao Xuân Mai, ở xóm Gò Chè, xã Huống Thượng (TP. Thái Nguyên) vẫn nhớ rõ và phấn chấn kể: Bác Hồ nói “những người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ, những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết đi”. Khí thế, tinh thần học tập của các tầng lớp nhân dân hăng hái lắm. Điều kiện khó khăn, lớp làm bằng tranh tre, nứa lá, ngoài bảng, phấn thì chỉ có một cái bàn to cho mọi người ngồi xung quanh. Việc dạy học được chúng tôi tổ chức vào buổi trưa hoặc tối. Những người tham gia được học rất đơn giản từ cách đánh vần, viết và những phép tính cộng trừ.
Để tạo điều kiện cho con em Thái Nguyên không phải về Hà Nội học trung học, tháng 10-1946, Ủy ban Hành chính tỉnh quyết định thành lập Trường Trung học Lương Ngọc Quyến (nay là Trường THPT Lương Ngọc Quyến). Đây cũng là trường phổ thông đầu tiên được thành lập ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
Trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), vừa khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng lại các cơ sở sản xuất công nghiệp, tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo ngành Giáo dục đẩy mạnh việc phổ cập giáo dục tiểu học, xoá mù chữ. Các nhà trường hăng hái rà soát, thống kê, vận động những người chưa biết chữ đi học lớp bổ túc văn hoá.
Sau nhiều năm triển khai, đến năm 2002, Thái Nguyên được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và xoá mù chữ. Năm học 2022-2023, Thái Nguyên được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Tính đến nay, toàn tỉnh có trên 86% gia đình học tập; gần 86% dòng họ học tập; trên 97% cộng đồng học tập; 382.487 hội viên Hội Khuyến học (tăng 5.502 hội viên so với năm 2022); 177 hội khuyến học cơ sở; 2.936 chi hội khuyến học và 767 ban khuyến học. |
Xây dựng xã hội học tập từ những công dân học tập
Thực hiện có hiệu quả chủ trương "Cả nước trở thành một xã hội học tập", xây dựng mô hình “Công dân học tập”, Hội Khuyến học tỉnh đã phát động phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị.
Hội Khuyến học tỉnh trao học bổng "Học không bao giờ cùng" cho các cá nhân tiêu biểu. |
Hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều xây dựng được trung tâm học tập cộng đồng. Các trung tâm đã thoả mãn nhu cầu “cần gì học nấy”, tạo cơ hội học suốt đời cho mọi người.
Mô hình “Công dân học tập” đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, hiện toàn tỉnh có hơn 23.000 người đạt danh hiệu Công dân học tập. Với mục tiêu xây dựng xã hội học tập lên tầm cao mới, từ năm nay, Hội Khuyến học tỉnh phát động và trao thưởng học bổng "Học không bao giờ cùng”.
45 tuổi, chị Dương Kim Tuyên, Giám đốc Công ty CP Dược và Thiết bị y tế Hà Tuyên, vừa được cấp bằng Thạc sĩ Quản lý kinh tế quốc tế của Trường Columbia (Hoa Kỳ). |
Là 1 trong 12 cá nhân tiêu biểu vừa được Hội Khuyến học tỉnh trao học bổng “Học không bao giờ cùng”, chị Dương Kim Tuyên, Giám đốc Công ty CP Dược và Thiết bị y tế Hà Tuyên, phấn khởi nói với chúng tôi: Bản thân tôi luôn nỗ lực để có thể học tập mọi lúc, mọi nơi. 45 tuổi, tôi vừa hoàn thành khóa học và được cấp bằng Thạc sĩ Quản lý kinh tế quốc tế của Trường Columbia (Hoa Kỳ). Không chỉ trau dồi kiến thức cho bản thân, tôi còn tích cực lan tỏa tinh thần học tập đến cán bộ, nhân viên, người lao động trong Công ty; luôn đồng hành ủng hộ các chương trình tặng học bổng cho học sinh nghèo hiếu học của tỉnh.
Cùng với nhân rộng mô hình công dân học tập, Hội Khuyến học tỉnh còn sáng tạo trong việc xây dựng Quỹ Khuyến học và chương trình “Thắp sáng niềm tin, tiếp sức em đến trường - Vì em hiếu học”. Qua 9 năm thực hiện, Chương trình đã trao tặng học bổng cho trên 406 nghìn lượt học sinh có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền gần 52 tỷ đồng.
Xây dựng xã hội học tập, trong đó hạt nhân là các công dân được học tập suốt đời là nền tảng vững chắc cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển đất nước bền vững. Những năm qua Đảng và Nhà nước đã có nhiều quyết sách đảm bảo mọi điều kiện, tạo cơ hội để các tầng lớp nhân dân được học tập suốt đời theo đúng tinh thần "Học không bao giờ cùng", như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin