Người thầy cần nêu cao tấm gương ứng xử chuẩn mực với học trò

Theo NDĐT 14:56, 07/10/2023

Năm học mới vừa bắt đầu được ít ngày, nhưng một số vụ việc liên quan bạo lực học đường lại khiến dư luận bức xúc. Đáng nói, phần lớn lại liên quan đến ứng xử thiếu chuẩn mực của giáo viên với học sinh.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Một cô giáo tại Trường THPT Đa Phúc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) túm áo học sinh đang nằm dưới đất, kéo lê vào lớp. Clip sự việc này sau đó bị lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Nguyên nhân là do bạn học sinh đó đặt bánh ga-tô để tổ chức sinh nhật cho các bạn trong lớp không đúng với điều đã "thống nhất" với cô giáo chủ nhiệm. Điều đáng nói, cô giáo trong vụ việc là người đang dạy môn… Giáo dục công dân và là người phụ trách công tác tư vấn học đường ở trường.

Cũng tại Hà Nội, chỉ vì phụ huynh học sinh có một số phát biểu mà nhà trường cho là "không phù hợp", Hiệu trưởng Trường THPT Lạc Long Quân (huyện Sóc Sơn) đã có công văn dọa "từ chối dạy" học sinh này. Cùng khoảng thời gian xảy ra vụ việc này, ở Thanh Hóa, em Phạm Đăng Q. là học sinh lớp 4B Trường tiểu học Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn) bị cô giáo Lê Thị H. đánh do nghịch phá trong giờ học. Ở lứa tuổi tiểu học, việc bị giáo viên đánh gây ra những tổn thương tâm lý hết sức nghiêm trọng.

Bạo lực từ việc đánh đập, bắt nạt, cho đến những vấn đề bạo lực tâm lý là vấn đề khá nan giải trong học đường.

Ban Giám hiệu nhà trường đã phải đến tận gia đình em Q. xin lỗi, động viên em tiếp tục đến trường.

Một vụ việc khác, tuy học sinh không phải nạn nhân, nhưng các bé ở cơ sở mầm non tư thục BBMC (phường Kim Tân, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai) lại phải chứng kiến cảnh ẩu đả giữa cấp dưỡng và giáo viên của trường…

Bạo lực từ việc đánh đập, bắt nạt, cho đến những vấn đề bạo lực tâm lý là vấn đề khá nan giải trong học đường. Chúng ta vẫn vận động các em học sinh hãy "nói không", hãy lên tiếng để chống lại bạo lực học đường. Song gần đây, thay vì chuyện xảy ra giữa học sinh với học sinh, thì một số giáo viên lại sử dụng bạo lực, hoặc ứng xử thiếu văn hóa với trò.

Từ xưa, người Việt luôn đề cao đạo lý tôn sư trọng đạo. Bởi những bài học của thầy giáo không chỉ cung cấp kiến thức, mà còn góp phần hình thành nên nhân cách các em. Truyền thống người Việt cũng luôn đề cao đạo đức người thầy, "thầy ra thầy, trò ra trò". Đành rằng, trên thực tế, "nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò", nhiều em học sinh nghịch ngợm, gây căng thẳng, ức chế cho giáo viên. Nhưng chính vì các em đang ở độ tuổi cần giáo dục, cần rèn giũa, cho nên mới cần đến vai trò người thầy. Từ một số vụ việc đáng trách vừa qua, người thầy cần gương mẫu từ lời ăn tiếng nói đến cách hành xử, bởi học sinh luôn lấy giáo viên là tấm gương để noi theo.

Bên cạnh đó, ngành giáo dục phải siết lại công tác đào tạo giáo viên, đề cao yếu tố đạo đức nghề nghiệp song song với nâng cao chuyên môn. Đối với việc xử lý sai phạm, thay vì xuê xoa thì cần nhìn nhận rõ những sai sót, khuyết điểm để khắc phục, xử lý nghiêm vi phạm. Đối với trường hợp giáo viên kéo lê học sinh dưới đất, dư luận đang rất bức xúc khi Hiệu trưởng Trường THPT Đa Phúc cho biết sẽ xử lý nghiêm học sinh "phát tán clip".

Lâu nay, chúng ta vẫn vận động học sinh đừng im lặng trước bạo lực học đường, nhưng cách xử lý vấn đề như vậy sẽ phản tác dụng. Dư luận mong chờ những cách xử lý hợp tình, hợp lý, vì quyền lợi của các em học sinh cũng như bảo vệ hình ảnh cho rất nhiều thầy, cô giáo đáng kính trọng khác trong ngành giáo dục.