“Gieo” chữ ở bản Mông

Thảo Nguyên 11:55, 18/04/2024

Đã rất lâu tôi mới có dịp trở lại xóm Mỏ Ba, xã Tân Long (Đồng Hỷ) - nơi có trên 190 hộ dân sinh sống, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông. Con đường lên xóm núi giờ đây đã được đổ bê tông giúp bà con đi lại thuận tiện hơn. Mặc dù vậy, chúng tôi cũng phải đi hết 30 phút mới vượt qua gần 20km đường quanh co, khúc khuỷu, dốc cao dựng đứng để tới trung tâm xóm. Chúng tôi rất vui vì lần trở lại này, tư duy của bà con nơi đây đã thay đổi nhiều nhờ “cái chữ”, họ không đẻ nhiều con, tích cực làm ăn, phát triển kinh tế gia đình và quan tâm hơn đến việc cho con, cháu đến trường.

Cô giáo Hoàng Thị Kiều hướng dẫn học sinh lớp 1C (Điểm trường Mỏ Ba, Trường Tiểu học Tân Long, Đồng Hỷ) trong giờ học Tiếng Việt.
Cô giáo Hoàng Thị Kiều hướng dẫn học sinh lớp 1C (Điểm trường Mỏ Ba, Trường Tiểu học Tân Long, Đồng Hỷ) trong giờ học Tiếng Việt.

Từ khi còn nhỏ, chị Hoàng Thị Kiều đã luôn ấp ủ ước mơ trở thành cô giáo tiểu học để dạy chữ cho các em nhỏ. Bởi vậy, chị và các đồng nghiệp không quản ngại nắng mưa bám bản, “gieo” chữ ở Mỏ Ba. Hằng ngày, chị cùng 4 giáo viên chủ nhiệm tại Điểm trường Mỏ Ba thường xuyên đi sớm và về muộn hơn để kịp giờ đến lớp cũng như hoàn thành giờ dạy. 

Trong số hơn 100 học sinh của Điểm trường, có đến trên 95% là dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Mông, Dao, Nùng... Đời sống của đồng bào chưa hết khó khăn, trình độ còn hạn chế, nên các cô giáo vừa dạy vừa “dỗ” các em đến lớp đầy đủ, chăm chỉ học tập.

Cá biệt, có những phụ huynh mải đi làm, ít quan tâm đến việc học hành của con cái. Nên có khi cô giáo lên lớp lại thấy vắng 1-2 trò. Các cô giáo tá hỏa đi tìm, hỏi thăm các bạn và nhiều người thì thấy học sinh đang mò cua, bắt ốc ở rìa núi. Cô lại dỗ dành, đưa học sinh trở về lớp học và đợi đến tối tới nhà, gặp phụ huynh trao đổi...

Cô Hoàng Thị Kiều cho hay: Lớp 1C tôi được phân công chủ nhiệm có 28 học sinh, chủ yếu là dân tộc Mông, Dao. Khi mới vào lớp 1, hầu như học sinh sử dụng tiếng dân tộc, nói không sõi tiếng Kinh, nên tôi đã tỉ mỉ chỉ bảo, dành thời gian, công sức nhiều hơn để dạy cho các em biết đọc, đánh vần và viết chữ thành thạo tiếng Việt... Bên cạnh đó, tôi áp dụng phương pháp dạy học tích cực, tăng sự tương tác của học sinh thông qua trình chiếu bài giảng. Từ sự chăm chú, thích thú của học sinh với các giờ giảng thông minh, hình ảnh sinh động, tôi thấy các em hào hứng và tiết học hiệu quả hơn...

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Cúc, chủ nhiệm lớp 4C, luôn nỗ lực đồng hành để các em học sinh nắm vững kiến thức các môn của chương trình, trong đó quan tâm hơn về môn Toán. Bởi theo cô Cúc, các bài toán lớp 4 đòi hỏi tính vận dụng cao. Nếu các em chểnh mảng, lơ là thì kiến thức sẽ bị rỗng. Chính vì vậy, trong mỗi tiết giảng, cô đã truyền cảm hứng, tình yêu Toán học cho trẻ và thêm những phần trò chơi hấp dẫn, giúp học sinh cảm thấy vui vẻ và say mê, tập trung học tập...

Học sinh Điểm trường Mỏ Ba.
Học sinh Điểm trường Mỏ Ba.

Đến tìm hiểu thực tế, chúng tôi càng thấu hiểu, khâm phục sự nỗ lực, tâm huyết với nghề của các cô giáo vùng cao mang cái chữ đến với đồng bào Mông. Họ đã cống hiến và dành trọn vẹn tình yêu đối với nghề và trò. Tình yêu thương ấy, sự khát khao ấy như níu chân và làm lay động trái tim người thầy, như góp thêm động lực để giúp họ không nản lòng, vượt qua đường sá xa xôi, đem kiến thức lên bản dạy trẻ thơ vùng cao còn khó khăn. Điều vui nhất trong họ là những ánh mắt thơ ngây, ngộ nghĩnh của trò và sự khao khát được học chữ với ước mong có tương lai tốt đẹp hơn...

Trao đổi với cô giáo Nguyễn Thị Oanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Long, chúng tôi được biết: Trong những năm qua, Nhà trường quan tâm bố trí các cô giáo có năng lực, chuyên môn vững, đạt danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi” cấp huyện trở lên đến công tác tại Điểm trường Mỏ Ba. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và địa phương, Điểm trường được xây dựng khang trang, sạch đẹp trên khuôn viên rộng hơn 2.800m2, với đầy đủ sân chơi, bãi tập, nhà ăn bán trú, khắc phục tình trạng học sinh phải học ghép lớp như trước đây.

Bên cạnh đó, Trường huy động nguồn xã hội hóa, đến nay 100% lớp học có máy chiếu, màn hình phục vụ dạy học. Một tin mừng đến với thầy, cô giáo ở Điểm trường là Tổ chức DIVA (Hàn Quốc) đang tiến hành tài trợ một công trình nước sạch sinh hoạt với các hạng mục giếng khoan sâu 80m, bể chứa nước, hệ thống lọc nước. Công trình hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ khắc phục khó khăn nước sinh hoạt tại Điểm trường như hiện nay.

Vượt qua bao nhọc nhằn, gian nan, các cô giáo đang ngày đêm bám trường, lớp, miệt mài gieo mầm con chữ ở bản Mông. Sự cố gắng ấy đã được đền đáp bằng kết quả học tập, rèn luyện: Học kỳ 1 năm học 2023-2024, Điểm trường Mỏ Ba có 5 lớp với hơn 100 học sinh thì có trên 97% học sinh được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ, trong đó 45% học sinh hoàn thành tốt nhiệm vụ. Một số học sinh tích cực tham gia các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, trong đó có 3 học sinh của Điểm trường trong Đội tuyển bóng chuyền hơi của Trường Tiểu học Tân Long dự Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Thái Nguyên lần thứ XVIII đoạt giải Nhất cấp huyện và giải Ba cấp tỉnh.